1. Hóa đơn y tế
Hầu hết các nhà phát hành thẻ tín dụng đều không tính lãi suất với các khoản chi tiêu trong tối đa 45 ngày. Ngược lại, sau thời gian này, lãi suất các ngân hàng tính khá cao, từ 15% đến 30% một năm và tính từ ngày giao dịch thanh toán thực hiện.
Vì vậy, một nguyên tắc nằm lòng bạn cần nhớ là chỉ nên "quẹt" thẻ cho các khoản chi tiêu mà mình chắc chắn sẽ thanh toán hết ngay trong tháng, hoặc chậm nhất là sau 45 ngày.
Trong khi đó, những hóa đơn bệnh viện, chi phí y tế lại rất tốn kém, trong một số trường hợp nó có thể "ngốn" vài tháng lương của bạn. Vì vậy, để không trở thành những "con nợ" với lãi suất cao, bạn cần tránh dùng thẻ tín dụng cho các nhu cầu này.
Thực tế, hiện nhiều người lại thích "quẹt" thẻ khi tới các bệnh viện lớn, có hỗ trợ POS, đặc biệt cho các dịch vụ làm đẹp như phun, thêu lông mày; nâng sửa mũi; săm môi...
Tuy nhiên, nếu thu nhập hàng tháng không đến chục triệu đồng, bạn không nên liều lĩnh trả bằng thẻ tín dụng cho khoản nâng mũi với chi phí gấp đôi lương như vậy. Rất rủi ro về mặt tài chính.
Đồng thời, cũng nhiều người chọn cách "tiêu trước, trả tiền sau" bằng thẻ tín dụng khi đến các bệnh viện bởi họ tin công ty bảo hiểm sẽ bồi hoàn tiền khám, chữa bệnh trong vòng một tháng nên không bị tính lãi suất.
Tuy nhiên, bạn chỉ nên làm vậy nếu đảm bảo sẽ lo xong thủ tục bồi hoàn với bên bảo hiểm sớm. Thực tế nhiều vụ việc do bảo hiểm bồi thường chậm (thiếu các hồ sơ, thủ tục...) mà các chủ thẻ không kịp thanh toán dư nợ trong kỳ cho ngân hàng và phải chịu lãi suất cao, khoảng trên 20% một năm.
2. Đóng bảo hiểm
Để tăng doanh thu và khuyến khích khách hàng tham gia, nhiều công ty bảo hiểm nhân thọ kết nối với các ngân hàng cho phép người mua bảo hiểm nhân thọ đóng phí cả năm bằng thẻ tín dụng.
Tuy nhiên, đây lại là bẫy rất nguy hiểm mà bản thân bạn nên tránh nếu có nhu cầu mua bảo hiểm nhân thọ cho con cái hoặc người thân.
Nếu dùng thẻ tín dụng (một khoản tiền thực ra là ảo, phải đi vay) để mang đi đóng góp, tích lũy khi mua bảo hiểm thì rõ ràng bạn đang đi ngược lại mọi quy tắc kinh tế.
3. Đám cưới xa hoa
Các đôi bạn trẻ khá tốn kém để trang trải cho một đám cưới và nhiều người thậm chí còn sẵn sàng tiêu "quá tay" miễn sao có một lễ vu quy hoành tráng như trong mơ.
Thông thường, chi tiêu bằng thẻ tín dụng sẽ khiến bạn khó kiểm soát ngân sách hơn là dùng thẻ ghi nợ nội địa hoặc tiền mặt.
Do đó, nên cất chiếc thẻ tín dụng của bạn sang một bên khi chuẩn bị cho đám cưới. Đừng biến những ngày đầu tiên trong cuộc sống hôn nhân của mình phải chìm đắm trong cảnh nợ nần.
4. Mua tiền ảo
Chắc hẳn đã có ai nhắc bạn rằng, chơi các đồng tiền ảo như bitcoin sẽ tiềm ẩn rủi ro. Tuy nhiên, bất luận bạn "chơi" bitcoin như thế nào, việc bạn mua chúng bằng thẻ tín dụng còn rủi ro hơn nữa. Bitcoin hiện vẫn chưa được nhiều quốc gia chấp nhận và bản thân thế giới của đồng tiền này còn rất nhiều góc khuất.
Dùng thẻ tín dụng mua các đồng tiền ảo không những đem rủi ro về mặt tài chính cho bạn mà có thể khiến bạn bị đánh cắp các thông tin tín dụng cá nhân. Hãy cẩn thận trước khi trao gửi thông tin thẻ tín dụng của mình cho bất cứ ai.
5. Học phí
Đây cũng là một trong những khoản chi tốn kém tiền bạc. Để tránh xa nguy cơ rơi vào bẫy lãi suất của các ngân hàng, bạn nên chủ động trả học phí cho con cái hay của chính bản thân mình bằng tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ nội địa thông thường thay vì thẻ tín dụng.