Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng, thực tiễn cách mạng Việt Nam đã chứng minh, càng trong những thời khắc “nước sôi, lửa bỏng”, trước những vấn đề phức tạp, nhạy cảm của đất nước, vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên càng được thể hiện mạnh mẽ.
Ở những kỳ trước, chúng tôi đã ghi lại nhiều câu chuyện đời thường, giản dị trong cuộc chiến đấu chống virus SARS-CoV-2 nhưng thể hiện rõ trách nhiệm, bản lĩnh, tính tiên phong, gương mẫu của người cán bộ, đảng viên. Để có cái nhìn xuyên suốt về tính tiên phong, gương mẫu của người đảng viên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ.
Hình ảnh rất đẹp có sức lay động hàng triệu trái tim
- Trước diễn biến phức tạp, khó lường, chưa từng có tiền lệ của dịch Covid-19, rất nhiều đảng viên, từ cán bộ phường tới nhân viên y tế hay Thứ trưởng Bộ Y tế… không ngại gian khổ, hiểm nguy, sẵn sàng xung phong đi vào điểm nóng dịch bệnh để thực hiện nhiệm vụ, ông đánh giá thế nào về những tấm gương này?
- Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh: Trước hết phải khẳng định, đây là những hình ảnh rất đẹp có sức lay động hàng triệu trái tim người Việt Nam, từ đó, thổi bùng lên tinh thần đoàn kết dân tộc, giúp Việt Nam trở thành điểm sáng trong cuộc chiến chống Covid-19. Trên mặt trận không tiếng súng ấy, khi chiến đấu với kẻ thù vô hình SARS-CoV-2, những cán bộ, đảng viên đã thể hiện được vai trò tiên phong, gương mẫu của mình.
Chúng ta không thể thống kê hết được có bao nhiêu cán bộ, đảng viên công tác trong ngành y tế, đã thức trắng đêm, hàng tháng không về nhà để làm nhiệm vụ cứu người bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân; bao nhiêu cán bộ, đảng viên trong Quân đội nhân dân và Công an nhân dân, đã “ăn gió nằm sương” cùng với lực lượng y tế dự phòng tạo thành những “lá chắn thép” nơi tuyến đầu chống giặc.
Lâu nay, chúng ta vẫn nói đến tính tiên phong, đi đầu của người Đảng viên, tuy nhiên, trong cuộc sống bình thường, khó có thể tìm được phép thử đủ mạnh để chứng minh nó.
Lý luận và thực tiễn vẫn cách nhau một khoảng thời gian khi mà thế hệ trẻ ngày nay chưa từng trải qua những năm tháng kháng chiến cứu nước. Thế nhưng, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khiến cả thế giới chao đảo, không một người Việt Nam nào có thể quên được hình ảnh những “vị tướng” ngày đêm không ngủ để đưa ra những quyết sách kịp thời, hay sẵn sàng xông pha nơi tuyến đầu hiểm nguy nhất như: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19, Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Y tế; Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn…
Chính sự gương mẫu đi đầu của những người đảng viên có sức mạnh lan tỏa, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong cộng đồng, củng cố niềm tin của nhân dân. Và sức mạnh tổng hợp từ sự đồng thuận xã hội, đoàn kết dân tộc đó đã giúp Việt Nam thắng đẹp trong “chiến dịch” mở màn của cuộc chiến chống Covid-19.
- Như ông đã nói, phải có phép thử đủ mạnh thì bản lĩnh, sự tiên phong, gương mẫu của người Đảng viên mới được bộc lộ. Phải chăng, lâu nay, yếu tố “tiên phong, gương mẫu” của cán bộ, đảng viên chưa được đánh giá đúng mức?
- Tôi cho rằng nhận định như vậy hơi phiến diện. Đảng ta chưa khi nào xem nhẹ yếu tố “tiên phong, gương mẫu” của người cán bộ. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần đề cập tới vấn đề nêu gương của người cán bộ đảng viên, Người từng nói “cán bộ là gốc của cách mạng...” hay “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau” để răn dạy cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, phải giữ gìn lối sống giản dị, trong sạch và phẩm chất của người cách mạng. Trong những nhiệm kỳ vừa qua, Đảng cũng đã ban hành nhiều nghị quyết đề cập tới vấn đề nêu gương của cán bộ, đảng viên.
Gần đây nhất Trung ương đã ban hành Quy định số 08-QĐ/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Đây là sự tiếp nối Quy định số 47 QĐ/TW, ngày 1-11-2011 của Ban Chấp hành Trung ương về “Những điều đảng viên không được làm”; Quy định 101/QĐ-TW ngày 7-6-2012 của Ban Bí thư về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp” và Quy định 55/QĐ-TW ngày 19-12-2016 của Bộ Chính trị “Về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”…
Xử lý nghiêm vi phạm để siết chặt yếu tố nêu gương
- Vậy ông lý giải thế nào về việc không ít cán bộ, đảng viên, thậm chí một số người ở vị trí lãnh đạo còn mang nặng chủ nghĩa cá nhân, làm gì cũng chỉ lo tư lợi, vun vén cá nhân, đã bị kỷ luật Đảng nghiêm khắc thời gian gần đây?
- Thực tế, có nhiều nguyên nhân khiến một bộ phận cán bộ lãnh đạo, đảng viên chưa gương mẫu, chưa trong sáng. Bên cạnh ý thức tự tu dưỡng của mỗi đảng viên, một trong những nguyên nhân dẫn đến suy thoái đạo đức cán bộ, đảng viên là việc cụ thể hóa, tổ chức thực hiện những chủ trương, đường lối của Đảng vẫn là khâu yếu, còn khoảng cách với đòi hỏi của thực tiễn.
Rõ ràng, việc để lọt vào bộ máy Nhà nước một số cán bộ, đảng viên có sai phạm có lỗi của tổ chức Đảng cơ sở. Bởi nếu như làm đúng nguyên tắc của Đảng, có sự giám sát chặt chẽ thì những cán bộ, đảng viên bị tha hóa bởi quyền lực đó không thể leo cao được.