Nằm trong nhóm 4 quốc gia đứng đầu châu Á về số du thuyền ghé thăm mỗi năm, nhưng việc sở hữu một cảng tàu chuyên biệt với cơ sở vật chất xứng tầm từng là điều xa xỉ đối với du lịch Việt Nam. Sự xuất hiện của Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long liệu có mang đến bước đột phá cho mảng du lịch được kỳ vọng “hái ra tiền” này?
Từ điểm sáng Quảng Ninh…
Chính thức hoạt động từ cuối 2018, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long - Cảng tàu chuyên biệt đầu tiên tại Việt Nam (dành riêng cho tàu du lịch) đã trở thành điểm nhấn quan trọng của du lịch Quảng Ninh, đặt những dấu ấn đầu tiên với ngành du lịch biển Việt Nam.
Vừa đi vào hoạt động, nhưng theo thống kê, 4 tháng đầu năm 2019, Cảng này đã đón xấp xỉ 56.000 lượt khách ghé thăm, chiếm tới 47% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam bằng đường biển (119.000 lượt).
Theo đại diện Cảng, các tàu cập bến chủ yếu là tàu siêu sang xuất phát từ Hongkong và Singapore đã lựa chọn Hạ Long là điểm đến thuận lợi và hấp dẫn trong hải trình châu Á. Ngoài ra có không ít tàu lớn 5 sao đến từ các châu lục khác như tàu Columbus xuất phát từ Anh Quốc, hay Seven Seas Mariner khởi hành từ Sydney…Đây là nguồn cung mang lại doanh thu đáng kể cho du lịch Hạ Long.
Bên cạnh bến cảng quốc tế, ngay trước thềm dịp lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, Cảng tàu khách Hạ Long đã mở cửa bến thủy nội địa - bến du thuyền để đón khách tham quan Vịnh Di sản. Là một phần của dự án Cảng tàu quy mô 1.100 tỷ đồng, công trình bến thủy nội địa được thiết kế với 4 cầu bến, sức chứa tối đa tới 300 tàu du lịch tham quan và lưu trú đi các tuyến thăm vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long và bến Gia Luận (Cát Bà).
Cùng với hệ thống bến tàu, nhà ga Cảng do KTS lừng danh Bill Bensley thiết kế được đánh giá là yếu tố khác biệt giúp Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long đạt chuẩn mực của một Cảng du lịch, vượt tầm so với toàn bộ hệ thống cảng hiện nay tại Việt Nam.
Nhà ga cảng có quy mô 3 tầng với tổng diện tích 13.500 m2, sức chứa lên tới 2.000 người, gây ấn tượng bởi kiến trúc pha trộn tinh tế giữa văn hóa châu Âu và Việt Nam, sở hữu hệ thống phòng chờ tiện nghi, khu vực dịch vụ ăn uống, các cửa hàng miễn thuế và cửa hàng lưu niệm bày bán sản vật địa phương đa dạng…
Với việc đưa bến thủy nội địa vào hoạt động, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long trở thành cảng tàu khách du lịch quốc tế chuyên biệt đầu tiên ở Việt Nam đủ năng lực đón cả khách nội địa và khách quốc tế. Đặc biệt với hiệu quả hoạt động lạc quan thời gian qua, đây sẽ là một động lực góp phần tạo đà tăng trưởng khách mới cho Quảng Ninh, giúp Quảng Ninh sớm đạt mục tiêu đón 16 triệu lượt khách vào năm 2020.
…đến khát vọng nâng tầm du lịch tàu biển Việt Nam
Mô hình hoạt động của các cảng biển tại Việt Nam trước nay đồng thời gồng gánh 2 trách nhiệm là vừa đón tàu hàng, vừa kết hợp đón tàu chở khách. Trong đó, chức năng du lịch luôn được xem là thứ yếu bởi thông thường các hợp đồng tàu hàng đã ký kín lịch từ 3-6 tháng và doanh nghiệp vận hành cảng cũng luôn ưu tiên nguồn thu từ việc sử dụng dịch vụ sau cảng như: bốc xếp, vận chuyển, lưu kho.
Thực trạng trên được xem là căn bệnh kinh niên kìm hãm sự phát triển du lịch tàu biển. Trong con mắt của chuyên gia du lịch, thực trạng này cũng dẫn đến nhiều câu chuyện bất cập như việc năm 2018 tàu Ovation of The Seas mang 4.000 du khách và 1.600 thủy thủ đoàn cập cảng Phú Mỹ (TP.HCM) nhưng phải lênh đênh ngoài biển vì lý do tàu hàng đã lấp đầy cảng hay chuyến tàu Voyager of the Seas buộc phải hủy kế hoạch tới TP.HCM vì không có chỗ neo đậu….
Đó chỉ là một trong số những ví dụ được TS Hà Bích Liên, cố vấn Công ty Royal Caribbean Cruises Ltd tại Việt Nam chia sẻ để chỉ rõ nút thắt của du lịch tàu biển Việt Nam mà hậu quả nhãn tiền là rất nhiều công ty lữ hành mất khách. Người dân, dịch vụ, thành phố bỏ lỡ nguồn thu lớn.
Tại hội thảo quốc tế về phát triển du lịch tàu biển do Tổng cục Du lịch (Bộ VHTTDL) tổ chức cuối 2018, chuyên gia và đại diện các hãng tàu biển đã đánh giá, sự hạn chế của hoạt động du lịch tàu biển Việt Nam có nguyên nhân lớn đến từ hệ thống hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu.
Trong khi Việt Nam loay hoay tìm lối đi thì du lịch tàu biển từ lâu là lĩnh vực kinh doanh “hái ra tiền” ở nhiều quốc gia trên thế giới. Và với lợi thế đường bờ biển dài hơn 3.260km, hơn 3.000 đảo lớn nhỏ, cảnh quan thiện nhiên ấn tượng, đã đến lúc, du lịch Việt cần nhìn nhận đúng tiềm năng của du lịch tàu biển để đầu tư đúng mức.
Giải pháp nâng tầm du lịch biển sẽ bắt đầu từ những cảng tàu khách chuyên biệt và đẳng cấp, đó là ấn tượng và tiền đề cơ bản đầu tiên để Việt Nam đón nhiều hơn chuyến tàu siêu sang trên khắp thế giới.
Chính Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) Nguyễn Công Bằng từng phát biểu rằng: “Chỉ khi các thành phần kinh tế cùng tham gia mới có thể gia tăng số lượng cảng chuyên dụng cho du lịch tàu biển trong thời gian gần”. Ông kêu gọi các địa phương có cảng cần quảng bá, khuyến khích và có các hình thức ưu đãi đối với doanh nghiệp để đầu tư các bến cảng chuyên dụng tiếp nhận tàu khách du lịch quốc tế.
Trên bản đồ du lịch tàu biển thế giới, châu Á là điểm đến hấp dẫn với 288 điểm được lựa chọn trở thành chốn dừng chân của các hãng du thuyền. Trong đó, Việt Nam đứng thứ 4, sau Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan. Từ sự bứt phá của Quảng Ninh với việc kêu gọi doanh nghiệp tư nhân đầu tư Cảng tàu chuyên biệt đẳng cấp hiện đại đầu tiên tại Việt Nam, du lịch tàu biển kỳ vọng có bước tiến mạnh mẽ trong thời gian tới để khai thác triệt để “miếng bánh” du lịch cao cấp này.