Những ngày vừa qua, mưa lớn đã khiến nhiều nơi ở miền Bắc như Hòa Bình, Quốc Oai, Chương Mỹ ngập úng và bị cô lập trong mênh mông biển nước.
Không chỉ thiệt hại về mặt tiền của mà sức khỏe của người dân cũng đang đứng trước tình trạng báo động khi môi trường ô nhiễm, hủy hoại vì nước dâng cao, kéo theo các loại dịch bệnh như tả, xuất huyết, thương hàn.
Bệnh dịch tả
Dịch tả là bệnh do vi khuẩn lây lan khi nguồn nước bị ô nhiễm hoặc thức ăn không đảm bảo chứa vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể người.
Bệnh này có triệu chứng là tiêu chảy từ 1-5 ngày sau khi nhiễm trùng và đi ngoài rất nhiều, mất nước rất nhanh. Sau đó đi vào tình trạng nặng người bệnh sẽ bị sốc vì lượng máu giảm khiến huyết áp giảm.
Đối với những vùng rốn lũ, nước dâng quá cao nên giữ vệ sinh sạch sẽ, không đi tiêu bừa bãi. Cố gắng không dùng nguồn nước đang bị ô nhiễm và dùng nước sạch được cứu trợ, nhất là trong đường ăn uống.
Thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó. Giữ vệ sinh cơ thể, sử dụng trang thiết bị bảo hộ trong khi làm vệ sinh môi trường, tránh tiếp xúc với nguồn bệnh.
Bệnh sốt xuất huyết
Môi trường ẩm ướt, tù đọng nước cũng là điều kiện tốt để muỗi sinh sôi do đó mà bệnh sốt xuất huyết cũng là bệnh phải đề phòng.
Bệnh sốt xuất huyết lại cực kỳ dễ bùng phát trên diện rộng do vậy nhà nhà cần phải vệ sinh sạch sẽ trong mùa lũ.
Bạn nên giữ vệ sinh nhà cửa thật sạch sẽ, không để nhà tù đọng nước vì đây là nơi bọ gậy và loăng quăng rất phát triển.
Với những nơi nước chưa rút, cố gắng chăng màn khi đi ngủ để ngăn muỗi không thể tiếp xúc với người.
Khi nước lũ rút, bắt tay vào việc vệ sinh nhà cửa, đường sá, phơi phong quần áo ngay lập tức tránh để muỗi phát sinh trong khi dịch sốt xuất huyết đang phát triển mạnh.
Bệnh thương hàn
Bệnh này là do vi khuẩn salmonella từ đường ăn uống nhiễm khuẩn, nguồn nước uống. Rất nguy hiểm là bệnh này thường không có triệu chứng rõ ràng mà chủ cúm sốt thông thường khiến người bệnh sốt, đau đầu và mệt mỏi. Sang thể nặng thì mới xuất hiện các nốt ban đỏ, tiêu chảy, đau bụng.
Biến chứng của bệnh là xuất huyết tiêu hóa, thủng ruột, viêm cơ tim, trụy mạch, viêm gan, viêm túi mật, viêm màng não, viêm cầu thận, viêm bể thận, suy thận, viêm phổi, tràn mủ màng phổi, viêm xương,…
Khi đã nghi mắc bệnh này, tốt nhất là mang đến cơ sở y tế để được điều trị bằng kháng sinh.
Để phòng bệnh thương hàn, cần thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo nguồn nước sinh hoạt, kiểm tra chặt chẽ các quy định xử lý chất thải.
Với những vùng lũ lụt nghiêm trọng cần sát khuẩn bằng dung dịch chloramin B, vôi bột và tất cả nên tiêm phòng vắc xin bệnh này.
Bệnh đau mắt đỏ
Cũng là loại bệnh dễ thành dịch bùng phát tại những nơi lũ lụt, nguồn nước bị ô nhiễm khiến vi khuẩn sinh sôi.
Bệnh này có thể xảy ra với cả người lớn lẫn trẻ em. Do vậy, bạn nên thực hiện nguyên tắc vệ sinh như dùng nước muối sinh lý để rửa mắt thường xuyên. Dùng nước được khử khuẩn để sử dụng trong sinh hoạt.
Trong môi trường lũ lụt hãy đi ủng cao để ngăn nguy cơ tiếp xúc nguồn bệnh, cùng với việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là tốt nhất.