Nếu không phát hiện và điều trị sớm, viêm gan dễ dẫn tới ung thư gan.

Nguy cơ tiềm ẩn từ việc mắc viêm gan B, C

Chia sẻ tại buổi sinh hoạt khoa học “Cập nhật chẩn đoán, điều trị viêm gan B và C” của Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai nhằm hưởng ứng “Ngày Thế giới phòng chống viêm gan 28/7”, PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ người nhiễm virus viêm gan B và C cao nhất khu vực với khoảng 10-15% dân số. Cả nước có khoảng 10 triệu trường hợp nhiễm virus viêm gan B và gần 1 triệu người nhiễm virus viêm gan C.

PGS Đỗ Duy Cường cho hay, viêm gan đã trở thành nguyên nhân đứng thứ 3 gây tử vong ở Việt Nam với gánh nặng bệnh tật rất lớn. Khi nhiễm virus viêm gan, người bệnh có thể bị tiến triển nhanh tới viêm gan cấp và suy gan, có thể viêm mạn tính và dẫn đến xơ gan, ung thư gan.

Đáng chú ý, bệnh viêm gan virus được coi là những "sát thủ thầm lặng" vì triệu chứng của nó rất kín đáo, bệnh nhân không phát hiện ra. Có tới 90% người nhiễm không biết về tình trạng nhiễm virus của bản thân, vì thế khi phát hiện ra thường đã ở giai đoạn muộn, khi đã viêm gan, xơ gan, thậm chí ung thư gan.

Cảnh báo căn bệnh “thầm lặng” khiến hơn 10 triệu người Việt có thể mắc ung thư gan

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân viêm gan.

"Trong giai đoạn cấp, bệnh nhân có thể chán ăn, mệt mỏi, da vàng, đau tức vùng hạ sườn phải. Khi chuyển sang giai đoạn mạn tính thì bệnh có các triệu chứng rất mơ hồ, dễ nhầm sang bệnh lý đường tiêu hóa như: mệt mỏi, chán ăn, đầy tức thượng vị, nước giải sẫm màu... Bệnh tiến triển nhiều năm, nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì dễ dẫn đến biến chứng xơ gan, ung thư gan", PGS Cường cho hay.

Đang điều trị tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, bệnh nhân Hồ Sỹ H. (Tĩnh Gia, Thanh Hóa) chạy thận hai năm qua. Cách đây một tháng, bệnh nhân bị đau hạ sườn phải, men gan tăng cao được nhập viện tuyến dưới điều trị một tuần. Tuy nhiên, tình trạng men gan không hạ, bệnh nhân được chuyển tuyến lên Bệnh viện Bạch Mai với kết luận là mắc viêm gan C. Trước đó, bệnh nhân cho biết mình không hề mắc bệnh viêm gan B, C.

Chia sẻ về ca bệnh này, PGS Cường cho biết, rất có thể bệnh nhân mắc viêm gan C trong quá trình cắm kim truyền để lọc máu, chạy thận và bệnh nhân cũng từng bị thiếu máu phải từng truyền máu nhiều lần.

Dự phòng bằng vắc xin và điều trị đúng phác đồ

Tại Việt Nam, tỷ lệ viêm gan B cao hơn so với viêm gan C nên hầu hết người dân chỉ đi làm xét nghiệm viêm gan B mà bỏ qua xét nghiệm viêm gan C. Đây chính là lý do còn rất nhiều người trong cộng đồng chưa được tầm soát bệnh viêm gan đầy đủ.

PGS Cường cho hay, bệnh viêm gan B đã có thành tựu tiêm chủng bằng vắc xin, loại bỏ được rất nhiều nguy cơ trẻ sinh ra đời mắc viêm gan B. Năm 2014, Bộ Y tế đã có hướng dẫn điều trị bệnh viêm gan B. Tuy nhiên, đa số bệnh nhân đã mắc viêm gan B là phải điều trị suốt đời, dùng thuốc ức chế sự hoạt động của virus.

Trước kia, chi phí điều trị cho bệnh nhân viêm gan C rất tốn kém và lâu dài. Một liệu trình điều trị kéo dài hàng năm và chi phí lên tới hàng trăm triệu, với nhiều tác dụng phụ của thuốc đi kèm, hơn nữa tỷ lệ khỏi bệnh hoàn toàn chỉ đạt khoảng 40%.

Những năm đây, với sự ra đời của các thuốc kháng virus tác động trực tiếp (DAAs) điều trị viêm gan C với phác đồ đơn giản, thời gian điều trị rút ngắn với tỷ lệ điều trị khỏi bệnh cao (trên 95%) đã đem lại sự sống cho nhiều người bệnh. Tổng thời gian điều trị khoảng 3 tháng, ngày uống 1 viên, chi phí cho cả liệu trình đã giảm đi rất nhiều.

Hiện nay ở một số cơ sở điều trị, bảo hiểm y tế đã thanh toán 50% tiền thuốc nên bệnh nhân viêm gan C đã đỡ được gánh nặng chi phí điều trị.

Các chuyên gia y tế cũng cho rằng, việc khám sức khỏe tổng quát hiện nay cần có thêm chỉ định xét nghiệm viêm gan C. Việc tăng cường phát hiện sớm sẽ rất hữu ích trong công tác quản lý và điều trị vì viêm gan C là một trong những bệnh lây nhiễm có thể chữa khỏi hoàn toàn.

Nguồn: https://congly.vn/xa-hoi/suc-khoe/canh-bao-can-benh-tham-lang-khien-hon-10-trieu-nguoi-viet-co-the-mac-ung-thu-gan-307162.html

Theo congly.vn