Phun thuốc côn trùng
Chiêu thức này không mới nhưng lại tiếp diễn qua các năm và chưa bao giờ dứt. Trong thời kỳ dịch bệnh thì chiêu này lại còn hoành hành hơn.
Ngay đầu tháng 4, theo phản ánh của nhiều hộ dân trên địa bàn quận 12, một số người đi theo nhóm khoảng 2 người hoặc một người, thấy nhà nào ít người thì vào tận nơi. Họ mang theo khẩu trang và nước rửa tay diệt khuẩn chào hỏi, giới thiệu về những sản phẩm của họ.
Những đối tượng này còn nắm bắt tâm lý của những hộ dân lo lắng về sự nguy hiểm của dịch Covid-19 và vận động người dân mua khẩu trang, nước rửa tay. Nếu người dân không mua thì vẫn được tặng hai chiếc khẩu trang rồi đi. Sự việc tưởng chừng đơn giản như vậy thôi nhưng lại là chiêu thức làm ăn của những đối tượng lừa đảo. Nhiều nhà sau khi những đối tượng này đi qua thì một số tài sản cũng không cánh mà bay.
“Hôm 10/4, tôi làm việc ở nhà thì có một thanh niên vào chào và tự xưng là tình nguyện viên bên trung tâm y tế đến tuyên truyền về phòng chống dịch Covid-19. Sau đó người này phát cho tôi hai chiếc khẩu trang và nói là hàng tặng, tôi muốn dùng thì mua thêm. Tôi không mua thêm và người thanh niên đó chào rồi đi, tôi cũng đi chuẩn bị nấu bữa trưa.
Lát sau tôi kiểm tra lại điện thoại thì không thấy đâu, trước đó tôi để điện thoại ngay ở bàn, nơi tôi và anh thanh niên phát khẩu trang ngồi nói chuyện. Tôi tìm khắp nhà không thấy điện thoại, liền vào nhà xem lại mọi thứ nhưng rất may không mất gì thêm. Cổng ra vào vẫn chốt nên chỉ có thể là người thanh niên kia lúc nói chuyện đã bằng cách nào đó cầm luôn điện thoại”, chị Hương Thảo (quận 11) cho biết.
Trên địa bàn quận 12, thời gian qua còn cũng có một số đối tượng giả danh cán bộ y tế dự phòng đến một số nhà dân để phun hóa chất phòng dịch bệnh Covid-19 và thu tiền, rất nhiều người đã mắc chiêu này.
Cụ thể, cô Hồ Phương Hoa (Q12) kể lại “Tự dưng tôi ở nhà thì có hai người vào bắt chuyện, hỏi han và giới thiệu bên y tế dự phòng, họ còn mang cả bình phun nữa. Tôi nghĩ đúng là cán bộ phường nên đã dọn dẹp cho họ phun, sau đó thì tôi phải đóng 1,2 triệu đồng. Tuy giá có cao nhưng tôi nghĩ trong thời gian dịch bệnh Covid-19 nên vẫn đóng. Buổi tối khi các con về nhà tôi mới biết mình bị lừa”.
Còn trên địa bàn các quận huyện ở Hà Nội lại xuất hiện trường hợp khoảng 2 phụ nữ nhắm vào các gia đình chỉ có các bà ở nhà trông cháu và giới thiệu là người của y tế dự phòng đến phun khử clo chống dịch. Trong đó tiền thuốc là miễn phí, công phun 50.000 đồng và thu 6 tháng hoặc 1 năm một lần. Rất nhiều người đã bị lừa kiểu này, nhất là các bà cụ nhẹ dạ tin người.
Ở các vùng nông thôn, dịch vụ phun này rất phổ biến. Các đối tượng giả danh một tổ chức y tế dự phòng nào đó tiếp cận với các hộ gia đình làm nông và sau đó thuyết phục diệt côn trùng cho đồng ruộng hoặc diệt côn trùng phòng chống dịch bệnh để đảm bảo sức khỏe cho gia đình.
Tuy nhiên, nếu diệt côn trùng trong phòng chống dịch bệnh phải có chỉ định của ngành Y tế dự phòng tỉnh hoặc trung tâm y tế dự phòng các huyện, thị. Và đặc biệt, khi có chương trình phun thuốc diệt côn trùng hay phun thuốc muỗi cũng sẽ thông báo rộng rãi đến các hộ gia đình.
Tiêm phòng cho trẻ nhỏ
Chị P. L. N. tại Tây Mỗ, Nam Từ Liêm đã viết một bài cảnh báo về chính trường hợp mà gia đình chị đã gặp. Cụ thể, một số người đã đến nhà chị và cho biết thực hiện chương trình tiêm phòng miễn phí tại nhà. Tuy nhiên, mỗi tháng chỉ cần đóng 50.000 đồng tiền phí dịch vụ và đóng luôn 1 năm 600.000 đồng.
Mẹ chồng chị N. đã tin lời và trả tiền phí 600.000 đồng, sau đó bà được đưa cho một hóa đơn có dấu đỏ. Đến khi con dâu về biết chuyện thì tiền đã đi theo bọn lừa đảo mất rồi.
Chị N. còn cho biết, những trường hợp lừa đảo này không phải hiếm khi một số bạn bè của chị cũng đã gặp và không những người già mà người trẻ cũng bị lừa.
Còn có những trường hợp của chị Hương (Đại Mỗ) đã kể lại câu chuyện mẹ chị ở nhà trông cháu và bị những kẻ gian lừa "Mẹ mình cũng bị mất 1.200.000 đồng. Nó lừa bảo con dâu nhà bà người nhỏ nhỏ ( nó quan sát ảnh chụp treo trong phòng khách)... bồi vài câu bà tin tin, rồi nó bảo chị ấy bảo sáng quên không gửi tiền ở nhà cho bà. Nhưng mà mũi này thì bao nhiêu tháng nay mới có cháu ưu tiên cháu T nhà bà lắm đó vì chị Hương cũng hỏi cháu suốt thôi. Chỉ cần nghe như vậy, bà tin sái cổ khỏi cần gọi điện hỏi con cái luôn. Mọi người dặn các bà ở nhà hết sức cẩn thận nhé! Ngay Đại Mỗ mình"
Lừa đảo Voucher du lịch
Thời điểm dịch bệnh tại Việt Nam dần lắng xuống cũng trùng với thời điểm đầu mùa hè, vì vậy, các gia đình tìm kiếm những gói khuyến mãi du lịch rất nhiều và lợi dụng điều này mà hình thức lừa đảo qua voucher cũng ngày một tăng.
Điển hình là hình thức chuyển tiền mua voucher nhưng không nhận được khá phổ biến. Nhiều người tự xưng cộng tác viên của công ty du lịch nọ, công ty du lịch kia để đi bán voucher. Họ thường bắt khách hàng trả đủ khoản tiền mua voucher trước rồi mới gửi voucher cho người mua bằng cách chuyển phát nhanh sản phẩm hoặc gửi mail dưới dạng e–voucher. Và sau khi khách hàng chuyển tiền thì “lặn mất tăm” dù có địa chỉ Facebook nhưng là ảo.
Hoặc có trường hợp voucher đã chắc về tay nhưng lại không thể sử dụng được dịch vụ. Cái này cũng khá phổ biến vì thông thường khách hàng sẽ không thể phân biệt được voucher đó là thật hay giả.
Một trường hợp khác nữa là nhượng lại voucher của một công ty du lịch uy tín. Voucher du lịch ngày càng phổ biến đồng nghĩa rằng các công ty du lịch cũng sử dụng nó nhiều hơn trong việc kinh doanh của mình. Cũng vì vậy mà thủ thuật bán voucher giả đã đến mức tinh vi hơn, khi người bán lợi dụng uy tín của các công ty du lịch lâu năm để đưa voucher giả đến tay khách hàng. Người mua thì tuyệt nhiên tin tưởng bởi uy tín của công ty du lịch bị lợi dụng nên sẽ chẳng mảy may nghi ngờ.
Để tránh những chiêu thức lừa đảo trên, người tiêu dùng nên xem xét kỹ khi muốn sử dụng bất cứ dịch vụ nào.