Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế, đến 7h30 sáng nay (1/2), tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus corona (nCoV) trên thế giới tăng lên con số 11.948 ca mắc, 259 ca tử vong

Tổng số trường hợp mắc là 11.948, trong đó tại lục địa Trung Quốc là 11.791. Tổng số trường hợp tử vong là 259 đều ở lục địa Trung Quốc.

Tổng số trường hợp mắc bên ngoài lục địa Trung Quốc là 157, ghi nhận tại 26 quốc gia, vùng lãnh thổ (bên ngoài lục địa Trung Quốc). Trong đó: Thái Lan (19); Nhật Bản (17); Singapore: (16); Hồng Kông, Trung Quốc (13); Hàn Quốc (11); Đài Loan, Trung Quốc (10); Úc (9); Malaysia (8); Ma Cao, Trung Quốc (7); Mỹ (7); Đức (7); Pháp (6); Việt Nam (5); Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (4); Canada (4); Ý (2); Anh (2); Nga (2); Campuchia (1); Phần Lan (1); Ấn Độ (1); Nepal (1); Philippines (1); Sri Lanka (1); Thuỵ Điển (1); Tây Ban Nha (1).

So với lúc 23h ngày hôm qua 31/1, số trường hợp mắc tăng thêm 1.988 người và số tử vong tăng thêm 46 người, thêm 2 quốc gia có người mắc là Thuỵ Điển và Tây Ban Nha.

Kiểm tra y tế tại nhà ga đường sắt Bắc Kinh tại Bắc Kinh, Trung Quốc. (Nguồn: Getty Images)

Chiều tối 31/1, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra đã họp triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống trước các diễn biến phức tạp mới của dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus corona (nCoV) này.

Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo đã tập trung thảo luận các nội dung liên quan đến việc triển khai các giải pháp phòng chống dịch bệnh như: Bảo đảm khẩu trang; kiểm soát cửa khẩu; tổ chức lễ hội; quản lý trường học...

Về sử dụng khẩu trang để phòng chống dịch bệnh, thành viên Ban Chỉ đạo và các chuyên gia y tế hoan nghênh người dân sử dụng khẩu trang ở nơi công cộng. Người dân nên hình thành thói quen này không chỉ để phòng chống dịch mà còn để giữ gìn sức khỏe. Trên cơ sở khuyến cáo của WHO, các chuyên gia cho rằng, người dân chỉ nên sử dụng khẩu trang y tế ở những nơi có nguồn lây nhiễm cao, ví dụ như ở trong bệnh viện,… còn lại có thể sử dụng các loại khẩu trang thông thường, bảo đảm giữ gìn vệ sinh sạch sẽ.

Trao đổi về việc ngày 31/1 (theo giờ Việt Nam), WHO chính thức tuyên bố dịch virus nCoV là tình trạng y tế KHẨN CẤP TOÀN CẦU, song đến thời điểm hiện tại Việt Nam vẫn chưa công bố, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương (vừa được Thủ tướng điều động làm Thứ trưởng Bộ Y tế) cho biết: Việc công bố tình trạng y tế khẩn cấp phải dựa trên các tiêu chí như: Số lượng người mắc (trên 10.000 người mắc mới ban bố tình trạng khẩn cấp), số lượng bệnh nhân tử vong, mức độ lan tràn của dịch bệnh, đã áp dụng các biện pháp nhưng chưa ngăn chặn được dịch bệnh,…

Được biết, đây là lần thứ 6 WHO công bố tình trạng khẩn cấp. Đó là, (1) tháng 4/2009, đại dịch cúm A/H1N1; (2) tháng 5/2014: Bệnh bại liệt; (3) năm 2014: Đại dịch Ebola ở Tây Phi; (4) năm 2016: Virus Zika; (5) năm 2019: Đại dịch Ebola ở Cộng hoà dân chủ Congo và (6) dịch bệnh do nCoV 2020 hiện làm gần 10.000 người mắc và 213 người tử vong tính đến 31/1.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia khẳng định, Việt Nam và nhiều nước chưa bao giờ công bố tình trạng y tế khẩn cấp. Đại diện Bộ Ngoại giao cho hay hiện nay Trung Quốc đang áp dụng nhiều biện pháp quyết liệt để phòng chống dịch bệnh do chủng mới của virus corona gây ra. Song hiện tại nước bạn cũng chưa công bố tình trạng y tế khẩn cấp.

Còn tại Việt Nam, GS.TS Nguyễn Thanh Long thông tin, năm 2009 số lượng người mắc virus A/H1N1 lên tới gần 10.000 người, 22 ca tử vong, thời điểm đó chúng ta cũng không công bố tình trạng khẩn cấp. GS.TS Nguyễn Thanh Long nhận định: Dịch bệnh nCoV hiện đang diễn biến rất phức tạp. Chúng ta đã và đang triển khai các giải pháp phòng, chống còn mạnh hơn cả khuyến cáo của WHO. Do vậy cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến, đồng thời cần thống nhất các tiêu chí để tham mưu cho cấp có thẩm quyền công bố tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật vào đúng thời điểm.

Cũng trong chiều 31/1, PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn Trung tâm Đáp ứng tình trạng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, việc công bố "tình trạng khẩn cấp toàn cầu" mà WHO đưa ra sáng 31/1 chỉ mang tính chất kêu gọi các quốc gia chung tay đáp ứng tình hình dịch bệnh.

Các chuyên gia nhận định: Việt Nam, chiếu theo khuyến cáo của WHO, đã làm rất nhiều hoạt động đáp ứng vấn đề đó. Như: Chia sẻ thông tin, thành lập ban chỉ đạo, chính quyền các cấp tham gia, hay vấn đề chuẩn bị nguồn lực… Đó là những vấn đề đáp ứng rất tốt, rất mạnh mẽ của Việt Nam trước khi có sự công bố của WHO sáng 31/1.

Bà Satako Otshu, Trưởng nhóm Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, đáp ứng sự kiện khẩn cấp - Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho biết, WHO đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ và ngành Y tế cũng như các bộ, ngành ở Việt Nam trong giám sát, phát hiện sớm ca bệnh, chẩn đoán điều trị cho đến thời điểm hiện tại…

"Chúng tôi nhìn thấy rất rõ cam kết mức cao nhất của chính phủ Việt Nam, sự vào cuộc của Chính phủ, ban ngành đồng hành với Bộ Y tế trong ứng phó dịch bệnh cho tới nay" – bà Otshu nói và bày tỏ việc hoàn toàn tin tưởng với khả năng, năng lực kiểm soát, ứng phó dịch bệnh của Chính phủ, Bộ Y tế Việt Nam.


Theo Minh Trang (t/h)/Gia đình & Xã hội