Gia tộc Chirathiva - chủ sở hữu Central Group là gia tộc giàu thứ 14 tại châu Á với tổng tài sản lên tới 11,7 tỉ USD. Central Group vừa mới mua lại hệ thống Big C Việt Nam với giá 1,14 tỉ USD. |
Tập đoàn Central Group sở hữu hệ thống siêu thị Big C tại Việt Nam. |
Mới đây (2/7), tập đoàn Central Group, đơn vị sở hữu hệ thống các siêu thị Big C phát đi thông báo dừng thu mua các sản phẩm may mặc từ các nhà cung cấp ngành hàng may mặc tại Việt Nam. Trong thư gửi các đối tác của Central Group Việt Nam ngày 2/7/2019, đại diện tập đoàn này phát đi thông báo dừng thu mua các sản phẩm may mặc từ các nhà cung cấp ngành hàng may mặc tại Việt Nam.
Việc tạm ngừng đặt hàng nói trên được giải thích là nhằm chuẩn bị cho kế hoạch tái cấu trúc ngành hàng may mặc của tập đoàn Central Group tại thị trường Việt Nam và được sự chỉ đạo của tập đoàn Central Group Thái Lan - đơn vị sở hữu hệ thống siêu thị Big C tại Việt Nam.
Central Group được biết đến là tập đoàn gia đình nổi tiếng tại Thái Lan hoạt động trong nhiều lĩnh vực liên quan đến bất động sản, bán lẻ, khách sạn, nhà hàng. Khởi nghiệp kinh doanh từ một tạp hoá nhỏ nằm ở bờ tây sông Chao Phraya, nhà sáng lập Tiang Chirathivat đã dần phát triển Central Group thành một đế chế khổng lồ. Ngoài là 1 trong 5 tập đoàn kinh doanh lớn nhất Thái Lan, Central Group cũng được biết đến là một trong những tập đoàn sử dụng nhiều lao động nhất tại đất nước Chùa tháp.
Theo thống kê của Forbes vào tháng 1/2016, gia đình Chirathivat sở hữu khối tài sản khoảng 11,7 tỉ USD - là gia tộc giàu có thứ 14 tại châu Á. So với năm 2013, khối tài sản này đã tăng khoảng 27% nhờ vào những thành công trong ngành bán lẻ. 11 thành viên trong gia đình Chirathivat nắm giữ các vị trí quan trọng trong tập đoàn, cũng như sở hữu phần lớn nguồn vốn của công ty và 70 thành viên khác trong gia đình không nắm giữ quá 15% lượng cổ phiếu của Central Group.
Tính đến năm 2014, việc kinh doanh của Central Group vẫn rất trơn tru. Tổng tài sản của công ty này năm 2014 là khoảng 9,7 tỉ USD, với khoảng 70.000 nhân viên trải khắp ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Cuối năm 2014, thương hiệu bán lẻ Robinson của Central mở ra tại Hà Nội và TP HCM với cái tên Robins. Sang đầu năm 2015, Power Buy - chuỗi cửa hàng điện máy của tập đoàn này đã tiếp bước với thương vụ mua lại 49% cổ phần của điện máy Nguyễn Kim. Về quy mô, cả hai khoản đầu tư khổng lồ trên đều cho thấy tiềm lực hùng hậu của Central.
Hồi đầu tháng 3/2016, Central Group tham gia đấu thầu để mua lại chuỗi siêu thị Big C ở Việt Nam từ Tập đoàn Casino. Việc bán lại hệ thống siêu thị tại Việt Nam và Thái Lan là một phần trong kế hoạch cắt giảm nợ khoảng 4 tỉ Euro (4,3 tỉ USD) trong năm 2016 sau khi giá cổ phiếu của Casino giảm 50% trong vòng 1 năm.
Tos Chirathivat - người thừa kế đời thứ 3 của gia tộc Chirathivat. |
Một số mảng kinh doanh lớn của tập đoàn CPN (Central Pattana) - Hoạt động trong lĩnh vực bất động sản và trung tâm thương mại với những tên tuổi lớn gồm CentralPlaza, CentralFestival và CentralWorld. CPN hiện sở hữu 1 trung tâm thương mại ở nước ngoài và 31 trung tâm ở Thái Lan với tổng diện tích mặt bằng cho thuê bán lẻ lên tới 7 triệu m2. Đây cũng là đơn vị tạo ra tới 80% doanh thu cho cả tập đoàn Central Group. Điểm nhấn của Central Group đó là thâu tóm khu phức hợp World Trade Center vào năm 2002. World Trade Center là khu phức hợp thương mại khổng lồ ở khu vực Ratchaprasong, trung tâm Thái Lan, với nhiều thương hiệu nổi tiếng thuê mặt bằng. World Trade Center sau đó đã được đổi tên thành CentralWorld, và hiện được biết đến như biểu tượng của tập đoàn. |
Đến cuối tháng 4/2016, tập đoàn Central và Tập đoàn Nguyễn Kim công bố nhận chuyển nhượng hệ thống Big C Việt Nam với tổng giá trị giao dịch lên tới 920 triệu euro (1,05 tỉ USD). Big C Việt Nam là một trong những nhà bán lẻ lớn và có độ bao phủ rộng, sẽ giúp Central Group xâm nhập mạnh vào thị trường bán lẻ đầy tiềm năng của Việt Nam.
Thời điểm đó, ông Tos Chirathivat - Tổng Giám đốc của Central Group cho biết, tập đoàn ý định tham gia mua Big C Việt Nam vì Việt Nam là một trong những thị trường đầu tư chiến lược của tập đoàn này trong khu vực ASEAN và việc mua Big C giúp doanh số tập đoàn này tăng gấp đôi so với hiện nay.
Tháng 1/2015, Central Group đi vào hợp tác chiến lược với nhà bán lẻ điện máy hàng đầu Việt Nam Nguyễn Kim. Sự thành công của mối quan hệ hợp tác này nằm ở những giá trị cam kết manh mẽ trong việc góp phần vào việc phát triển chung của Việt Nam, cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng. Đó cũng chính là định hướng xuyên suốt trong toàn bộ quá trình giao dịch với Big C Việt Nam.
Central Group Việt Nam hiện có gần 7.000 nhân viên, làm việc tại 100 cửa hàng với các mô hình bán lẻ khác nhau bao gồm 4 trung tâm thương mại, 27 cửa hàng thể thao, 30 cửa hàng thời trang, 1 khách sạn; 21 trung tâm bán lẻ điện máy, 1 kênh thương mại điện tử, 13 siêu thị Lan Chi.
8 mảng kinh doanh chính của Central Group: CDG (Central Department Store Group) - Hoạt động trong lĩnh vực cửa hàng, bán lẻ gồm: Central Department Store, Robinson Department Store... CHR (Centara Hotel and Resort) - Đơn vị điều hành hơn 40 khách sạn và khu nghỉ dưỡng tại Thái Lan, Việt Nam, Indonesia, Maldives và Sri Lanka. CRG (Central Restaurant Group) - Chuỗi nhượng quyền trong lĩnh vực đồ ăn nhanh tại Thái Lan gồm các thương hiệu: Mister Donut , KFC (chỉ các cửa hàng trong trung tâm lớn), Auntie Anne's , Pepper Lunch , Chabuton, Coldstone, Ryu Shabu Shabu, The Terrace, Yoshinoya, Ootoya, Tenya và Katsuya. CFG (Central Food Retail Group) - Điều hành các cửa hàng tiện lợi và hàng tiêu dùng gồm: Central Food Hall, Tops, EATHAI, FamilyMart và Central Wine Cellar. CHG (Central Hardline Group) - Điều hành các cửa hàng điện máy và đồ gia dụng: Power Buy, Baan and Beyond, HomeWork và Thai Wassadu. |
Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/chan-dung-ti-phu-thai-lan-tos-chirathivat-thau-tom-big-c-viet-nam-5901.html