Trước tình hình cháy nổ xảy ra thời gian qua trên địa bàn cả nước nói chung và địa bàn quận Thanh Xuân nói riêng, CA quận Thanh Xuân, Hà Nội vừa phát đi khuyến cáo cụ thể, chi tiết đối với người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, cơ sở và chủ hộ gia đình một số điều cần thiết để đảm bảo an toàn PCCC trong mùa nắng nóng.

Đối với quản lý, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt. Nơi đun nấu phải có vách ngăn bằng vật liệu không cháy. Không nên để hàng hóa, chất dễ cháy gần nơi đun nấu. Nếu đun nấu sử dụng gas phải tắt bếp và đóng van khoá bình gas khi không sử dụng, thường xuyên kiểm tra đường ống dẫn, van khoá, van an toàn trong quá trình sử dụng. Vị trí đặt bình gas, bếp gas cần đảm bảo thông thoáng; không để gần các thiết bị điện, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt; nên lắp đặt đầu báo dò khí gas tại khu vực để bình gas. Nếu sử dụng bếp từ, hồng ngoại cần bố trí đường dây dẫn điện phù hợp với công suất của bếp và có các thiết bị đóng, ngắt bảo vệ.

Đèn, bát hương, nến khi thắp tại nơi thờ cúng cần đặt chắc chắn trên mặt phẳng để tránh bị đổ vỡ. Khi thắp hương, đốt nến, đốt vàng mã phải có người trông coi đến khi hương tàn, dập tàn tro vàng mã ở khu vực an toàn để tránh xảy ra cháy.

Đối với quản lý, sử dụng điện. Không bố trí vật dụng, hàng hoá dễ cháy gần, bên dưới các thiết bị tiêu thụ điện, ổ cắm điện. Hệ thống điện trong nhà, công trình phải lắp đặt các thiết bị bảo vệ như cầu dao, cầu chì, aptomat… theo đúng tiêu chuẩn và phù hợp với công suất sử dụng. Không được dùng nhiều thiết bị tiêu thụ điện vượt quá khả năng chịu tải của dây dẫn và không dùng dây dẫn có tiết diện nhỏ cho các thiết bị điện có công suất lớn để tránh trường hợp quá tải gây cháy, nổ.

chi dan chi tiet cach thuc pccc tai nha o co quan

Công tác tuyên truyền về kỹ năng PCCC được quận Thanh Xuân thường xuyên tổ chức

Trước khi ra khỏi phòng phải đóng, ngắt tất cả các thiết bị tiêu thụ điện không cần thiết và tắt hết các nguồn lửa, nguồn nhiệt. Đặc biệt đối với các gia đình vắng nhà trước khi ra khỏi nhà phải ngắt hệ thống điện và khóa hệ thống gas gia đình để tránh xảy ra cháy nổ. Chủ động định kỳ kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng hệ thống điện, các thiêt bị điện; kiểm tra đột xuất khi phát hiện các nguy cơ, dấu hiệu mất an toàn về PCCC do điện và kịp thời khắc phục nhằm hạn chế các nguy cơ cháy, nồ xảy ra.

Bên cạnh việc sử dụng các thiết bị nhiệt, điện, giải pháp thoát nạn rất cần được người dân quan tâm. Đường, lối thoát nạn trong các cơ sở, hộ gia đình phải đảm thông thoáng, không bị cản trở, che chắn bởi các vật dụng khác; chú ý trang bị các trang thiết bị, phương tiện chữa cháy, thoát nạn an toàn.

Về kỹ năng thoát nạn: Khi có sự cố cháy, nổ xảy ra phải bình tĩnh xử lý, tìm lối thoát nạn an toàn, đồng thời báo cho mọi người xung quanh để kịp thời ra khỏi khu vực nguy hiểm. Trong khi di chuyển cần cúi thấp người (có thể bò khom), đặc biệt chú ý phải bảo vệ cơ quan hô hấp bằng cách sử dụng mặt nạ phòng độc, khăn vải ướt để hạn chế khói khí độc xâm nhập vào đường hô hấp và bị bỏng do lửa gây ra. Khi phát hiện có cháy xảy ra trong hộ gia đình, nhất là hộ gia đình có kiểu nhà ống, nhà kín có một lối thoát nạn duy nhất là cửa chính nơi mặt tiền, hãy thật bình tĩnh suy xét, hô hoán báo động cho tất cả các thành viên trong gia đình biết để mau chóng di chuyển ra ngoài, ra nơi an toàn qua cửa chính (nếu có thể).

Chủ các cơ sở, chủ hộ gia đình cho thuê chủ động kiểm tra, trang bị thêm các phương tiện PCCC và các dụng cụ phá dỡ phù hợp với quy mô, tính chất, đặc điểm của nhà đồng bố trí ở nơi phù hợp và thuận lợi cho việc thao tác sử dụng khi cần thiết.

Khi không may xảy ra sự cố thiết bị điện, đường dây dẫn điện, điều đầu tiên là xử lý cháy thiết bị điện tại nhà, công trình bằng cách nhanh chóng ngắt cầu dao điện tổng của nhà, công trình; hô hoán, báo động cho mọi người xung quanh; sử dụng bình chữa cháy để dập tắt đám cháy. Trong quá trình dập tắt đám cháy phải sử dụng các dụng cụ bảo hộ cách điện để đảm bảo an toàn; gọi điện thông báo cho lực lượng PCCC&CNCH (gọi 114)

Đối với tình huống cháy thiết bị điện tại đường dây dẫn điện trên cột điện cần nhanh chóng liên hệ với đội quản lý điện lực thuộc công ty điện lực, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH (gọi 114) hoặc cơ quan chức năng để ngắt điện khu vực, tuyến phố xảy ra sự cố cháy; hô hoán, báo động cho mọi người xung quanh.

Sử dụng phương tiện chữa cháy tại chỗ để dập tắt đám cháy; sử dụng bình chữa cháy dập tắt đám cháy. Tuyệt đối không sử dụng nước để dập tắt sự cố thiết bị điện, đường dây dẫn điện khi chưa kịp cắt điện. Khi tổ chức chữa cháy phải sử dụng ủng, găng tay cách điện…. để tránh trường hợp bị giật điện. Sử dụng câu liêm để cách ly và hạn chế cháy lan sang các đường dây dẫn khác. Trường hợp có người bị giật điện phải ngắt điện hoặc sử dụng các dụng cụ bảo hộ trước khi tổ chức đưa nạn nhân ra khỏi khu vực bị cháy và tiến hành sơ cấp cứu ban đầu.

Nguồn: https://phapluatxahoi.vn/chi-dan-chi-tiet-cach-thuc-pccc-tai-nha-o-co-quan-156362.html

Theo Pháp luật xã hội