Tổng Công ty Sông Đà tuy được cổ phần hóa vào năm 2018 nhưng Bộ Xây dựng vẫn là cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước, chiếm đến 99,79%. Có nghĩa là, Bộ bày tỏ nguyện vọng sẵn sàng nhận nhiệm vụ khó khăn và cao cả này, nếu được Chính phủ tín nhiệm.

Trên công luận thời gian gần đây đã nhiều lần đề cập đến việc Bộ Xây dựng có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, giới thiệu Tổng Công ty Sông Đà tham gia xây dựng một số đoạn trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Nói là Bộ “giới thiệu” để cho có vẻ khách quan nhưng về thực chất, Tổng Công ty Sông Đà tuy được cổ phần hóa vào năm 2018 nhưng Bộ Xây dựng vẫn là cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước, chiếm đến 99,79%. Có nghĩa là, Bộ bày tỏ nguyện vọng sẵn sàng nhận nhiệm vụ khó khăn và cao cả này, nếu được Chính phủ tín nhiệm.

Điều mà dư luận quan ngại ở chỗ, việc “giới thiệu” này xảy ra ngay sau khi Quốc hội và Chính phủ quyết định đưa 3 trong 8 dự án còn lại trên tuyến đường lịch sử này, gồm 2 dự án cấp bách (đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây) và 1 dự án không có nhà đầu tư qua sơ tuyển (đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết), từ hình thức đầu tư hợp tác Nhà nước và tư nhân (PPP) sang hình thức đầu tư công, tức là hoàn toàn lấy từ nguồn vốn của Nhà nước.

Thực tiễn đã nhiều lần chứng minh rằng, cứ dính đến đầu tư công thì đấy chính là “miếng bánh béo bở”, rất dễ kích thích lòng tham của con người, khiến công tác quản lý cực khó, kể cả về chất lượng, số lượng, tiến độ thi công lẫn sự minh bạch về tài chính. Chính vì thế, nhiều người rất muốn những dự án như vậy cần đấu thầu công khai, minh bạch để có thể chọn được những nhà thầu xứng đáng.

Mới đây, Bộ Xây dựng giới thiệu Tổng Công ty Sông Đà tham gia xây dựng một số đoạn trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông. (Ảnh minh họa)

Nhưng rồi thực tiễn cũng đã nhiều lần chứng minh rằng, kể cả đấu thầu công khai rồi, chọn được nhà thầu xứng đáng nhất rồi, thế nhưng sản phẩm thu hồi vẫn tồi tệ về cả chất lượng lẫn tiến độ thi công, rồi sự mập mờ về tài chính và quá trình tổ chức đấu thầu cũng không kém. Mà ví dụ điển hình mới đây nhất, gần gũi nhất là dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, có cả nhà thầu nước ngoài hẳn hoi, vậy mà vừa đưa vào sử dụng đã hư hỏng, xuống cấp, hàng loạt cán bộ quản lý đã bị khởi tố và bắt giam.

Mà các dự án lần này có ít tiền đâu! Theo Nghị quyết 52/2017 của Quốc hội, cao tốc Bắc - Nam phía Đông chia làm 11 đoạn, có 3 đoạn đầu tư công (đã khởi công), 8 đoạn đầu tư BOT (hiện đã xong sơ tuyển hồ sơ, đang chuẩn bị mở thầu tìm nhà đầu tư). Tổng mức đầu tư khoảng 118.716 tỷ đồng (gồm 55.000 tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước, 63.716 tỷ đồng huy động ngoài ngân sách). Nay chuyển thêm 3 đoạn nêu trên sang hình thức đầu tư công, mỗi đoạn cũng trên dưới chục ngàn tỷ đồng, quản lý được nó sao cho có hiệu quả là cả một bài toán nan giải.

Trước những thực tế phũ phàng ấy, việc Bộ Xây dựng có văn bản giới thiệu Tổng Công ty Sông Đà tham gia xây dựng một số đoạn trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam thì cũng là chuyện có thể hiểu được.

Riêng với cá nhân, tôi cũng có cảm tình với thương hiệu Tổng Công ty Sông Đà này ngay từ giữa những năm 80 của thế kỷ trước, khi được Tòa soạn cử lên viết bài về đội ngũ công nhân, kỹ sư của công trình Thủy điện Hòa Bình sống và làm việc gian nan như thế nào. Và cho đến giờ này, khi lướt qua quá trình phát triển của doanh nghiệp này vẫn còn thấy ngưỡng mộ.

Tính đến nay, Tổng Công ty Sông Đà là nhà thầu chính của hầu hết các dự án thủy điện tại Việt Nam, như dự án thủy điện lớn nhất Đông Nam Á là nhà máy thủy điện Sơn La 2.400MW; dự án nhà máy thủy điện ngầm Hòa Bình 1.920MW; nhà máy thủy điện Lai Châu 1.200MW, rồi thủy điện Huội Quảng 520MW… mà chưa có một “vết gợn” đáng kể nào về chất lượng công trình.

Bên cạnh đó, Tổng Công ty Sông Đà còn là một trong những nhà thầu dẫn đầu của Việt Nam trong thi công công trình ngầm, công trình giao thông, đã thực hiện hàng trăm ki-lô-mét đường hầm, đặc biệt là hầm Hải Vân với phương pháp thi công NATM…. Các dự án giao thông khác như đường cao tốc Láng Hòa Lạc, đường Quốc lộ 1A, đường Quốc lộ 10, đường Quốc lộ 18, đường Hồ Chí Minh, hầm đường bộ Hải Vân, hầm đường bộ Đèo Ngang, hầm đường bộ qua Đèo Cả...

Tổng Công ty Sông Đà là nhà thầu chính của hầu hết các dự án thủy điện tại Việt Nam và là một trong những nhà thầu dẫn đầu trong thi công công trình ngầm, công trình giao thông. (Ảnh sưu tầm)

Tuy nhiên, khi nói đến năng lực tài chính hiện tại thì có thể ví Tổng Công ty Sông Đà tựa như chàng võ sĩ quyền anh Tom King, nhân vật đói ăn trường kỳ trong truyện ngắn Miếng bít tết nổi tiếng của nhà văn Jack London, luôn ước mong có một miếng bít tết trước trận đấu để có đủ sức mạnh dành cho đối thủ một cú nốc ao.

Theo con số được công bố mới đây, Tổng Công ty Sông Đà đang nợ ADB khoảng 114,8 triệu USD nhưng hiện không có khả năng trả nợ gốc và lãi vay đến hạn. Riêng nợ gốc, lãi vay, phí cho vay lại đến hạn của Tổng Công ty tạm tính khoảng 6,1 triệu USD.

Do Tổng Công ty không có tiền trả nợ ADB, Bộ Xây dựng đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính cho Tổng Công ty được gia hạn thời gian trả nợ một năm.

Với nguồn lực tài chính như vậy, Tổng Công ty Sông Đà sẽ không có cơ hội tham gia đấu thầu trúng thầu với các dự án cần có nguồn vốn quá lớn này.

Tuy nhiên, vẫn còn một “cửa” để chàng “võ sĩ Sông Đà” có thể “lên võ đài”, đóng góp nguồn lực của mình vào những dự án này nếu được Quốc hội và Chính phủ cho phép được chỉ định thầu, có nghĩa là khi các tiêu chuẩn quan trọng khác đều phải đạt, trừ vấn đề tài chính.

Tôi cho rằng, nếu hệ thống quản lý dự án của Nhà nước có đội ngũ cán bộ giỏi giang và có thể “kìm hãm” được lòng tham và thói vô trách nhiệm; nếu Bộ Xây dựng hết lòng hỗ trợ, cùng gánh trách nhiệm với cấp trực thuộc; nếu Tổng Công ty Sông Đà muốn quyết tâm một lần nữa khẳng định mình để giữ gìn truyền thống tốt đẹp suốt 60 năm qua... thì việc chỉ định thầu những doanh nghiệp lớn trong nước tham gia thực hiện dự án trọng đại này vẫn là một phương án có thể xảy ra.

Theo Nhà báo Nguyễn Hoàng Linh/Reatimes