Từ ngày 30/10/2017, Quốc hội đã thông qua Luật căn cước công dân để ra Quyết định số 896/QĐ-TTg đơn giản hóa thủ tục hành chính bằng việc bỏ sổ hộ khẩu và Chứng minh Nhân dân (CMND). Rất nhiều thắc mắc xoay quanh vấn đề này, về việc sổ hộ khẩu trong tương lai sẽ còn vai trò gì và sẽ quản lý dân cư bằng cách nào.
Tất cả những vấn đề trên được giải quyết ở tọa đàm “Lộ trình thay đổi hình thức quản lý hộ khẩu” do báo điện tử Nhân dân phối hợp cùng Tổng cục Cảnh Sát đứng ra tổ chức.
Chưa bỏ hẳn sổ hộ khẩu hoàn toàn
Trong tọa đàm, Bộ Công An trả lời về thông tin bỏ sổ hộ khẩu và CMND từ ngày 30/10/2017 là không chính xác. Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và CMND vẫn còn nguyên giá trị sử dụng như hiện nay.
Chỉ đến khi Bộ Công an triển khai dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được hoàn thành và đưa vào vận hành thì Sổ hộ khẩu và CMND mới được lược bỏ.
Người dân vẫn tiếp tục làm tất cả các thủ tục đăng ký các thủ tục thường trú, tạm trú, tạm vắng, đăng ký CMTND bình thường không có gì thay đổi theo quy định hiện hành.
Sẽ quản lý dân cư bằng mã số định danh cá nhân
Thay thế sổ hộ khẩu và CMND sẽ là mã số định danh. Tất cả các công dân trên đất nước Việt Nam sẽ được cấp mã số định danh cá nhân và tất cả các thủ tục hành chính sẽ dựa theo mã số này.
Mã số định danh được ví như "một địa chỉ số hóa" của công dân. Khi người dân đi làm các thủ tục hành chính sẽ phải cung cấp mã số định danh này cho nhân viên thực hiện thủ tục hành chính.
Mã số định danh đã được thí điểm từ ngày 1/1/2016 cấp cho tất cả trẻ em sinh ở 4 tỉnh TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng và Hải Phòng.
Dự kiến, từ nay đến cuối năm, Bộ Công an phối hợp cùng Bộ Tư pháp tiếp tục mở rộng thêm 10 tỉnh nữa. Tức là hết năm 2017, phấn đấu khoảng 28 tỉnh, thành phố sẽ sử dụng phần mềm đăng ký khai sinh và cấp số định danh cá nhân.
Việc bỏ Sổ hộ khẩu và CMND có gây rắc rối cho người dân?
Cho đến khi hoàn thành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì hộ khẩu vẫn được quản lý trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cho nên những gì liên quan đến hộ khẩu cũng không thay đổi.
Các quy định về đất đai, y tế, giáo dục có liên quan đến sổ hộ khẩu hoàn toàn không bị xáo trộn khi sử dụng phương pháp quản lý mới này. Thậm chí, việc quản lý mới theo mã số định danh còn tạo điều kiện cho công dân trong các giao dịch, đăng ký sử dụng một cách nhanh chóng và dễ dàng.
Việc đăng ký cư trú vẫn được thực hiện theo quy định của Luật Cư trú. Do vậy, khi người dân chuyển đến nơi ở mới, vẫn được cơ quan công an có thẩm quyền đăng ký thường trú, tạm trú theo quy định của pháp luật.
Việc đi học hoặc khám chữa bệnh của công dân được thực hiện theo các quy định của ngành giáo dục và ngành y tế và theo cơ sở y tế nơi học tập, thăm khám.