Sáng nay 11/4, "cây ATM gạo" miễn phí đầu tiên tại Hà Nội được đặt tại trung tâm Văn hoá Thể thao phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy đã chính thức đi vào hoạt động với mong muốn chung tay chia sẻ cùng người nghèo, bà con khó khăn trong những ngày dịch bệnh Covid-19.  

Từ sáng sớm ngày 11/4, nhiều bà con đã có mặt tại điểm đặt cây ATM để nhận gạo miễn phí

Trước tình hình khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, Công ty Cổ phần Sách Thái Hà với sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm đã triển khai lắp đặt máy phát gạo tự động. Với thông điệp "Chia sẻ yêu thương - Để không ai bị bỏ lại phía sau", cây ATM gạo tại Hà Nội cũng như nhiều địa điểm phát miễn phí thực phẩm tại Hà Nội trong dịp này đều nhằm góp phần sẻ chia gánh nặng với những người lao động nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, nhất là khi dịch bệnh COVID-19 đang có những diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân.

Với thông điệp "Chia sẻ yêu thương - Để không ai bị bỏ lại phía sau", cây ATM gạo miễn phí được tạo ra góp phần sẻ chia gánh nặng với những người lao động nghèo.

Ý tưởng thành lập địa điểm tặng gạo miễn phí này do Tiến sĩ - Doanh nhân Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc NXB sách Thái Hà, đơn vị tài trợ chương trình khởi xướng. Anh Doãn Thanh Tùng, tác giả của cây ATM gạo cho biết: chỉ mất khoảng 2 ngày (từ ngày 8 -10/4) để chuẩn bị gạo và hoàn thành máy ATM rút gạo này. Hệ thống bồn chứa gạo và điều khiển được đặt trên tầng 2, gạo được đưa bằng đường ống nhựa xuống tầng 1 để mọi người nhận gạo. Thay vì dùng tay, người dân dùng chân rút gạo từ máy ATM để phòng tránh lây lan dịch Covid-19.

Theo ghi nhận của PV, trong ngày đầu tiên đến nhận gạo, người dân rất nghiêm túc xếp hàng tuân thủ đúng quy định

 

Đặc biệt, những người đến nhận gạo sẽ được hướng dẫn các biện pháp an toàn để phòng chống lây lan dịch Covid-19 như đeo khẩu trang, sát khuẩn tay và đảm bảo khoảng cách an toàn

Ngay trong ngày đầu tiên, hơn 1 tấn gạo đã được những người sáng lập và các tấm lòng hảo tâm chuẩn bị để bà con khó khăn có thể đến nhận.

Bồn chứa gạo và hệ thống điều khiển được đặt trên tầng 2. Mỗi lần nhận gạo, người dân chỉ cần dùng chân nhấn vào bàn đạp, gạo được dẫn xuống qua đường ống. Mỗi người sẽ được nhận 3kg gạo một lần.

TS. Nguyễn Mạnh Hùng, chia sẻ: Việc tặng gạo được thực hiện theo tiêu chí: "Nếu khó khăn, hãy đến lấy một phần. Nếu bạn ổn, hãy nhường cho người khác". Tất cả những người cần gạo đều được chào đón, trợ giúp. Hiện tại đã có 10 tấn gạo sẵn sàng để phát cho bà con, chúng tôi sẽ cố gắng kéo dài chương trình này hàng ngày cho tới ngày 30/4 hoặc đến khi nào hết gạo.

Tại địa điểm phát gạo, có nhiều tình nguyện viên tham gia hướng dẫn bà con xếp hàng nhận gạo cũng như phòng dịch đúng cách.

Những người đến nhận gạo sẽ được hướng dẫn các biện pháp an toàn để phòng chống lây lan dịch Covid-19 như đeo khẩu trang, sát khuẩn tay và đảm bảo khoảng cách an toàn tối thiểu 2m, không chen lấn, xô đẩy gây mất trật tự và tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh; Mang theo bao đựng gạo nhằm hạn chế rác thải ra môi trường, trong trường hơp không có bao đựng, người dân có thể sử dụng túi giấy đã được chuẩn bị sẵn…

Cây ATM gạo miễn phí hoạt động trong thời gian từ 8h00 đến 17h00 hàng ngày. 

Đặc biệt, để có càng nhiều người nhận được hỗ trợ này, mỗi người chỉ nhận 3kg gạo/người/ngày.

Nhiều người dân biết chương trình đã mang gạo đến để đóng góp, dù ít dù nhiều, đó cũng thể hiện tinh thần tương thân tương ái, "lá lành đùm lá rách". Để bảo vệ môi trường và không xả rác thải, tại cây ATM gạo sẽ không dùng túi nylon đựng gạo. Trong sáng 11/4, các mạnh thường quân còn trực tiếp mang túi giấy đến tặng bà con đựng gạo. 

Gạo được tập kết ở cạnh cây ATM để phục vụ bà con kịp thời.

Cây ATM gạo miễn phí hoạt động trong thời gian từ 8h00 đến 17h00 hàng ngày. Người đến nhận gạo sẽ được lưu lại thông tin để giúp ích cho việc phòng chống dịch Covid-19. 

Sau địa điểm đầu tiên tại Cầu Giấy, đại diện nhà tài trợ TS. Nguyễn Mạnh Hùng còn dự định sẽ mở tiếp các cây ATM gạo ở Trung tâm Văn hóa Thể thao quận Bắc Từ Liêm và một số tỉnh khác như Hòa Bình, Tây Nguyên… góp phần giúp người lao động vượt qua thời kỳ khó khăn trong mùa dịch Covid-19.

Theo Lao động Thủ đô