Đại diện của UNDP nêu ý kiến tại hội thảo.
Đại diện của UNDP nêu ý kiến tại hội thảo.

Cụ thể, theo đại diện của UNDP,  những tác động ngoài mong muốn Việt Nam phải gánh chịu trong nỗ lực tăng trưởng kinh tế nhanh đã thực sự trở thành mối lo ngại của cả quốc gia khi chỉ số đánh giá môi trường bản địa của Việt Nam rất thấp, chỉ đạt thứ hạng 141/180, theo Liên Hợp Quốc.

Xu hướng các nước trên thế giới đang tẩy chay những sản phẩm được thực hiện bằng quá trình sản xuất gây hại tới môi trường hoặc vi phạm quyền con người đã tác động trực tiếp đến sự phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam. Những hậu quả đó lại kết hợp với ảnh hưởng từ đại dịch Covid – 19 làm gia tăng những tổn thương mang tính hệ thống cho nền kinh tế.

Theo diễn giả của UNDP, kinh doanh có trách nhiệm (KDCTN) vì thế đang là xu hướng tất yếu, ngày càng có ảnh hưởng mạnh mẽ hơn đến tất cả các quốc gia trên thế giới khi tham gia vào nền kinh tế toàn cầu. Đó là những đòi hỏi doanh nghiệp phải chủ động có trách nhiệm trong hoạt động kinh doanh kết hợp với tôn trọng quyền con người, hành động vì khí hậu và đảm bảo môi trường bền vững.

Theo báo cáo của UNDP, có thể hiểu cụ thể khái niệm ‘Thực hành kinh doanh có trách nhiệm’ là thực hành ở mức tối thiểu nhằm ngăn ngừa và giải quyết các tác động tiêu cực đến con người và trái đất, đồng thời có khả năng đóng góp cho xã hội và sự phát triển bền vững trên phạm vi rộng hơn.

Ông Vũ Văn Tuấn, Trưởng nhóm nghiên cứu UNDP phát biểu: “Chính phủ cần có vai trò dẫn dắt, định hướng quá trình thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm. Các Bộ, Ngành, Hiệp hội, doanh nghiệp cần liên kết với nhau tạo nên một kế hoạch hành động mang tính quốc gia”.

Theo khảo sát của UNDP, ở Việt Nam, các doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI đã chú trọng đến thực hành kinh doanh có trách nhiệm. Bởi các thành phần này chịu nhiều áp lực từ tiêu chuẩn quy định của nước ngoài khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Còn các doanh nghiệp nhỏ tỏ ra ít quan tâm hơn do hạn chế về nguồn lực, trình độ, quy mô...

Bà Đỗ Quỳnh Chi, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quan hệ lao động cho biết: “Việt Nam đã có nhiều tiến bộ trong việc thực hành trách nhiệm lao động so với 20 năm trước các doanh nghiệp chỉ coi đó là hoạt động từ thiện”. Theo bà Chi, việc thực hành trách nhiệm lao động là việc phải thực hiện nhưng khó khăn về chi phí tăng lên cho doanh nghiệp là không tránh khỏi. Do đó cần được hỗ trợ từ phía Chính phủ.

“Trên thế giới, thống kê ngành dệt may chỉ có 28% chi phí KDCTN được tính vào giá thành sản phẩm còn 62% các doanh nghiệp phải chịu toàn bộ chi phí”, bà Chi nói.

Để giải quyết sự chênh lệch giữa các doanh nghiệp lớn và nhỏ trong thực hành KDCTN, bà Chi đề xuất ý kiến dự án thành lập những “khu công nghiệp sạch”. Mà ở đó, hệ thống cơ sở hạ tầng chung để xử lý các vấn đề như nước thải, năng lượng sạch... “chi phí sẽ phân bổ hợp lý cho tất cả các doanh nghiệp lớn, nhỏ và nhà nước hỗ trợ”.

“Nếu để các doanh nghiệp nhỏ tự xoay sở, họ sẽ không đủ kinh phí và nguồn lực để thực hành KDCTN”, bà Chi nhấn mạnh: “Ý kiến này tôi đã đề xuất với Bộ Công thương ở cuộc họp gần đây”.

Thông điệp mà UNDP muốn gửi gắm qua Hội thảo “Công bố kết quả thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam 2020” chiều hôm nay là Thực hành KDCTN không chỉ là thực hiện các trách nhiệm xã hội mà thực chất là sự phát triển bền vững của doanh nghiệp cũng như của nền kinh tế. Việt Nam sẽ không thể giữ nguyên cách phát triển như cũ bởi thứ hạng 141/180 quốc gia về chỉ số môi trường là không thể chấp nhận.

Việc sớm hoàn thiện khung pháp lý sao cho tiệm cận được với các quy định của thế giới là việc làm cần thiết trong thời gian tới. Các bộ, ngành, doanh nghiệp cần ngồi lại với nhau để có tiếng nói chung trong một chương trình hành động mang tầm cỡ quốc gia vì một nền kinh tế xã hội phát triển bền vững, xanh, sạch mang ý nghĩa nhân văn.

Theo Mạnh Cường/congluan.vn

Nguồn: https://congluan.vn/undp-chinh-phu-can-dinh-huong-qua-trinh-thuc-day-thuc-hanh-kinh-doanh-co-trach-nhiem-post129447.html