Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 58/VPCP-KTTH ngày 3/1/2022 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về khắc phục tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn và các tỉnh biên giới phía Bắc.
Xét đề nghị của Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn về tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa, tình trạng ùn tắc nông sản xuất khẩu tại các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Ngoại giao, Giao thông Vận tải, Công an, Quốc phòng, Y tế, Thông tin và Truyền thông, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện khẩn trương, nghiêm túc, đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 350/TB-VPCP ngày 27/12/2021 về tháo gỡ khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua các tỉnh biên giới phía Bắc.
Đồng thời nghiên cứu, tiếp thu các kiến nghị của UBND tỉnh Lạng Sơn trong quá trình thực hiện chỉ đạo của Phó thủ tướng và theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao để sớm khắc phục tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu.
Trước đó, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương liên quan tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp với mục tiêu là giải phóng trong thời gian sớm nhất hơn 5.000 xe hàng hóa xuất khẩu đang ùn tắc tại các cửa khẩu biên giới trên địa bàn 2 tỉnh Lạng Sơn và Quảng Ninh.
Các địa phương chủ động tổ chức các hội nghị cung cấp thông tin cho doanh nghiệp, nhà sản xuất, người dân để chủ động có phương án sản xuất, thu hoạch, bảo quản, đóng gói, vận chuyển và tiêu thụ phù hợp, hiệu quả.
UBND các tỉnh, thành phố sản xuất nông sản phối hợp với các bộ Công thương, Nông nghiệp và phát triển nông thôn khuyến cáo người dân, doanh nghiệp sản xuất theo nhu cầu thị trường, bảo đảm đáp ứng các quy trình, quy định, tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu từ khâu sản xuất, thu hoạch, sơ chế, vận chuyển, truy xuất nguồn gốc để chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch đối với hàng nông sản.
Cần thay đổi tư duy thị trường nông sản Việt
PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá (Bộ Tài chính) cho rằng, cần phải có một “nhạc trưởng” đóng vai trò điều tiết một cách thường xuyên, linh hoạt và hiệu quả để định hướng cho doanh nghiệp.
"Phải tháo gỡ bằng con đường ngoại giao, trong đó cần sự vào cuộc của Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương với chính quyền, cơ quan chức năng của Trung Quốc để giải quyết song phương. Phải đối thoại một cách cụ thể, có giải pháp phù hợp theo hướng đường dài, nhằm đảm bảo xuất khẩu bền vững chứ không chỉ những vụ việc trước mắt”, ông Long nói.
Nhấn mạnh về chất lượng hàng nông sản Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, hiện nay Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại, mở rộng quan hệ với nhiều đối tác. Do vậy nếu hàng hóa đạt tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu thì Việt Nam sẽ tìm được nhiều thị trường khác.
“Tuy nhiên, việc sản xuất phải linh hoạt, không thể sản xuất một cách ồ ạt, theo phong trào, mà phải có sự lựa chọn theo định hướng, quy hoạch của từng địa phương. Bên cạnh đó, việc lựa chọn các doanh nghiệp đầu mối cần phải đảm bảo trách nhiệm, có năng lực cả về quan hệ quốc tế, kinh nghiệm trong xuất khẩu nông sản và tiềm lực về kinh tế cũng như kinh nghiệm trong xuất khẩu”, ông Long nói.
Ông Long cũng cho rằng, nhằm giảm thiểu rủi ro, tìm hướng đi bền vững cho xuất khẩu nông sản, Việt Nam phải hiện đại hóa nền nông nghiệp, xây dựng các thương hiệu thực phẩm sạch, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc vào một thị trường như hiện nay.
Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/chinh-phu-giao-9-bo-phoi-hop-giai-quyet-viec-un-tac-cua-khau-62815.html