Ngày 11/4, Chủ tịch UBND quận Đống Đa (Hà Nội) đã ký quyết định về việc gỡ bỏ lệnh phong tỏa đối với Bệnh viện Bạch Mai sau 14 ngày.
Lệnh gỡ bỏ lệnh phong tỏa có hiệu lực từ 0h ngày 12/4.
Ghi nhận của PV trong đêm ngày 11/4 tại Bệnh viện Bạch Mai trước giờ gỡ bỏ lệnh phong tỏa, đông đảo các cơ quan báo chí tại Hà Nội và Trung ương cùng có mặt để đưa tin. Công tác an ninh, đảm bảo trật tự được lực lượng công an sở tại, lực lượng bảo vệ, y tế túc trực tại cổng bệnh viện được thắt chặt.
Đúng 0h ngày 12/4, hàng rào sắt phong tỏa bệnh viện được lực lượng công an, dân phòng gỡ bỏ cũng là lúc hàng trăm nhân viên y tế tại bệnh viện vỡ òa trong niềm vui, niềm hạnh phúc.
Rất nhiều nhân viên y tế tại bệnh viện đã không giấu được niềm vui, niềm hạnh phúc và họ đã khóc, đã dành cho nhau những cái ôm thật chặt.
Gỡ bỏ lệnh phong tỏa bệnh viện đồng nghĩa với việc tất cả nhân viên y tế, người bệnh đang điều trị được an toàn. Trong giây phút ấy, họ cũng không quên chụp chung với nhau những bức ảnh làm kỷ niệm cho dịp “chống dịch như chống giặc” và có lẽ là kỷ niệm đáng nhớ nhất trong đời của những người “chiến sĩ áo trắng”.
Chia sẻ với PV, điều dưỡng Lê Thị Kim Huế bật khóc trong giây phút dỡ chốt cách ly Bệnh viện Bạch Mai. “Chiến thắng rồi, là một người con của Bạch Mai tôi thật sự cảm thấy hạnh phúc”.
Chị Đặng Hoàng Yến - nhân viên y tế tại Trung tâm Kiểm soát nhiễm khuẩn sau khi vui mừng cùng các đồng nghiệp đã không quên gọi điện cho chồng và 2 cô con gái. Chị nói: “Suốt 3 tuần nay tôi chưa được về nhà, 2 cô con gái ngày nào cũng hỏi mẹ sắp được về chưa. Chắc chắn khi trời sáng tôi sẽ nhanh chân trở về nhà và ôm chặt 2 đứa nhỏ trong lòng”.
Trả lời câu hỏi về việc có tiếp tục hợp tác với Công ty TNHH Trường Sinh (nơi có 22 nhân viên nhiễm Covid-19 và ảnh hưởng đến việc hậu cần của Bệnh viện Bạch Mai), bác sĩ Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho hay, bệnh viện đã đơn phương chấm dứt hợp đồng với công ty và tổ chức đấu thầu để tìm ra đối tác đảm bảo uy tín, chất lượng trong cung cấp bữa ăn cho nhân viên y tế, bệnh nhân, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Chia sẻ về phương pháp nhằm đảm bảo an toàn khi bệnh viện hoạt động trở lại, TS. Dương Đức Hùng cho biết: “Phía bệnh viện đã có những phương án để tiếp nhận bệnh nhân đến khám bệnh như bình thường nhưng với điều kiện an toàn về mặt dịch tễ ở mức cao nhất".

“Chúng tôi phải lập kế hoạch phân luồng, phân tuyến, sàng lọc về mặt nhiệt độ, về mặt dịch tễ, về mặt xét nghiệm để hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ lây nhiễm. Bộ Y tế đã xác định: dịch lây nhiễm từ cộng đồng. Vì vậy, đứng về góc độ dịch tễ, tất cả những người đến với bệnh viện chúng tôi đều phải coi là F1, tức là tiếp xúc gần với những người dương tính. Và trên thực tế thì có rất nhiều người lành mang bệnh, có nghĩa là hoàn toàn không có triệu chứng lâm sàng mà trong người họ có virut ở đường hô hấp. Vì vậy, nguy cơ lây nhiễm là thường trực. Chính vì vậy, đảm bảo an toàn cho người bệnh, người thân của người bệnh khi đến khám cũng như đảm bảo sự an toàn cho cán bộ nhân viên y tế khi thăm khám là mục tiêu của giai đoạn tới của bệnh viện”, TS. Dương Đức Hùng nói.


Theo Bảo Linh/Đô thị mới