Theo các tiểu thương kinh doanh tại chợ An Đông (TP. HCM), từ ngày mở chợ bán lại sau Tết Nguyên đán, đa số các quầy không bán được hàng hóa, mãi lực tại chợ gần như bằng 0.

Do đó, tiểu thương thỉnh cầu các cấp lãnh đạo Q.5 xem xét giảm 50% thuế hằng tháng trong thời gian 3 - 6 tháng (bắt đầu tính từ tháng 2-2020) cho toàn bộ tiểu thương đang kinh doanh tại chợ.

Lý giải nguyên nhân, các hộ kinh doanh tại đây cho biết do dịch COVID-19, người dân không dám tập trung vào những nơi đông người, không đến chợ mua hàng. Bên cạnh đó, hoạt động du lịch, sản xuất kinh doanh của nhiều ngành cũng ngưng trệ. Điều này ảnh hưởng lớn đến hoạt động mua bán tại chợ.

Rất nhiều sạp mở bán nhưng 3 ngày, 5 ngày, 7 ngày, thậm chí từ ngày khai trương đến nay không bán được mặt hàng nào.

Chợ ế ẩm do dịch COVID-19

Trong bối cảnh này, các tiểu thương cho biết tuy nhận thức rất rõ tình hình thiên tai, dịch bệnh là điều hoàn toàn ngoài mong muốn, dù không có người mua hàng nhưng các tiểu thương không thể đóng cửa, bỏ sạp mà hằng ngày vẫn phải đến chợ, mở quầy.

Tại các điểm du lịch của TP.HCM cũng bị giảm khoảng 50% lượng du khách so với ngày thường. Chợ Bến Thành cũng không ngoại lệ, cảnh ế ẩm, hàng quán vắng ngắt khiến tiểu thương chỉ biết ngồi “tám” chuyện hoặc bấm điện thoại “giết” thời gian.

Vẫn có khách du lịch đến từ các nước châu Á đeo khẩu trang và một số khách Tây không đeo dạo chợ. Nhưng khung cảnh trong chợ thì rất đìu hiu, ảm đạm. Tại khu mua sắm đồ lưu niệm, du khách vội lướt qua. Còn tại khu ăn uống, những hàng ghế trống xếp dài nối đuôi nhau.

Nỗi lo về sự lây nhiễm khó lường của virus Corona đã khiến cho hoạt động giao thương tại khu chợ lớn nhất trong khu phố cổ Hà Nội trở nên ảm đạm trong những ngày qua. Chợ Đồng Xuân vốn là một trong những chợ sầm uất bậc nhất tại Hà Nội. Tuy nhiên, trong những ngày qua, chợ đã không còn cảnh buôn bán tập nập như trước nữa.

Ngoài những tác động xấu đến môi trường kinh tế nhỏ lẻ, đại dịch do virus corona gây ra còn tác động lớn đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu trong nước.

Ông T.V.H. - Tổng giám đốc một doanh nghiệp sản xuất ôtô tải (Củ Chi, TP.HCM) - cho biết trung bình đơn vị đưa ra thị trường hơn 100 xe tải/tháng, kể từ khi dịch COVID-19 xảy ra thì không thể nhập linh kiện phụ tùng từ Trung Quốc.

Kế hoạch năm 2020 đơn vị dự kiến tung ra 3 mẫu xe tải nhưng với tình hình hiện nay, ông H. cho biết nguy cơ phải tạm dừng.

"Chúng tôi cầm chừng hết tháng này mà không khôi phục được nguồn hàng, có nguy cơ dừng sản xuất. Tôi cho rằng ít nhất phải mất 2 tháng nữa, nhà máy sản xuất linh kiện ở Trung Quốc mới hoạt động và phải thêm 1 tháng mới đủ hàng để cung cấp.

Như vậy, doanh nghiệp phải nghỉ bất đắc dĩ khoảng 2 tháng, không sản xuất, sức ép cho doanh nghiệp ngày càng căng thẳng" - ông H. nói.

Ông Nguyễn Trí - Giám đốc kinh doanh hãng xe máy điện P. tại Hà Nội - cho biết đang ngưng trệ sản xuất khi 70% nguồn linh kiện từ Trung Quốc đang hụt hàng. "Họ chưa khởi động sản xuất lại, chúng tôi lấy đâu ra linh kiện để lắp ráp đây" - ông Trí nói.

Theo các doanh nghiệp sản xuất ôtô tải, xe máy điện, tình trạng thiếu hụt linh kiện này kéo dài chắc chắn sẽ tạm ngừng sản xuất, thiệt hại rất nhiều bởi doanh thu sụt giảm, trong khi vẫn phải gánh chịu các chi phí lãi vay, lương, thuê mặt bằng, bảo quản dây chuyền, duy trì các đại lý...

Điều đáng lo ngại là không biết đến khi nào các nhà sản xuất tại Trung Quốc khôi phục sản xuất như trước.

Theo Thời báo chứng khoán Việt Nam