Hàng trốn thuế “làm loạn” thị trường

Không khó để tìm hiểu về loại “trang sức” đồng hồ, nhất là trong thời buổi công nghệ thông tin 4.0 đang vây quanh chúng ta. Cuộc sống càng cao, nhu cầu làm đẹp của con người càng lớn. Giờ đây, chiếc đồng hồ không chỉ để xem giờ, mà chúng ta coi đó là những vật trang sức, tô điểm lên vẻ đẹp và giá trị sống của mỗi người.

Đặc biệt, cụm từ khóa “đồng hồ xách tay” đã được hơn 31 triệu người tìm kiếm trên Google. Chưa đầy 0,66 giây, người dùng có thể thấy được vô số thông tin, từ những cá nhân bán hàng online (trên mạng xã hội, diễn đàn...) cho đến các hộ kinh doanh mở cửa hàng. Những năm gần đây, nhiều pháp nhân kinh doanh dưới danh nghĩa là công ty mọc lên “như nấm sau mưa”. Để lôi kéo khách hàng, những công ty này còn không tiếc tiền khi ngày đêm chạy quảng cáo kinh doanh dưới nhiều hình thức.

Thực hiện nhanh một cuộc khảo sát, từ những người yêu thích, am hiểu chuyên sâu các hãng đồng hồ cho đến những người chỉ coi đồng hồ là một trong những phụ kiện cũng có thể biết được “thủ phủ” của loại mặt hàng này là Thụy Sỹ, Mỹ, Nhật Bản... Đặc biệt, đồng hồ có xuất xứ từ Nhật Bản luôn có một sức hút vô cùng lớn đối với người tiêu dùng bởi chất lượng và giá thành luôn chiếm ưu thế.

Có những cửa hàng luôn cam kết bán đồng hồ xách tay chính hãng.

Một số cửa hàng luôn cam kết bán đồng hồ xách tay chính hãng.

Chị Lan Hương (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, bản thân chị rất yêu đồng hồ. Từ những cái tên thương hiệu tầm trung như Longines, Tissot... đến các hãng tầm cao như Rolex, Franck Muller, Hublot... gần như ai cũng đều biết. Thế nhưng, để sở hữu những chiếc đồng hồ này, khách hàng phải bỏ ra một số tiền từ vài triệu cho đến cả trăm triệu. Thậm chí, với một chiếc đồng hồ sang trọng và thuộc bản giới hạn của những hãng tên tuổi, thì nó có giá trị đến tiền tỷ.

Nói như thế để thấy, chi phí của một chiếc đồng hồ xách tay bao giờ cũng rẻ hơn là mua hàng chính hãng. Theo lý giải của các chủ cửa hàng, một chiếc đồng hồ nếu đi theo “đường chính ngạch”, bao giờ cũng phải chịu đủ thứ phí, thuế... Trái lại, cũng với sản phẩm đó nếu đi “đường tiểu ngạch” sẽ không phải chịu những cái đó, nên giá thành bao giờ cũng rẻ hơn 1/3. Đặc biệt, có những đợt hãng sẽ có những ngày giảm giá sâu cho những mẫu đồng hồ, thì giá thành sẽ còn thấp hơn nữa.

Chính vì vậy, cái tên đồng hồ xách tay đã được hình thành để phục vụ các thượng khách như chị Lan Hương và những vị khách hàng khác có chung nhu cầu.

Những mặt hàng đồng hồ xách tay, trốn thuế ấy đang làm loạn thị trường đồng hồ tại Việt Nam. Đây như một vấn nạn mà suốt thời gian qua đã khiến người tiêu dùng mất niềm tin trước ma trận “vàng thau lẫn lộn”. Không quá khi nói, đồng hồ xách tay đang là một thách thức lớn đối với các cấp quản lý Nhà nước, đặc biệt là lực lượng quản lý thị trường.

Ai chịu trách nhiệm trước vấn nạn “hàng xách tay”?

Liên hệ một đơn vị cung cấp các loại đồng hồ xách tay từ thị trường Liên bang Nga đang quảng cáo trên mạng xã hội Facebook, chúng tôi được biết giá những sản phẩm này rẻ hơn so với giá mua chính hãng rất nhiều lần. Không những thế, chủ cửa hàng chia sẻ rằng, họ không quan tâm đến rào cản quy định pháp luật và khẳng định đó là hàng xách tay - chính hãng?!

Đó là lời khẳng định của một đơn vị bán đồng hồ xách tay chuyên Nga.

Đây là lời khẳng định của một đơn vị bán đồng hồ xách tay từ Nga.

Ghi nhận tại Hà Nội, nhiều “ông trùm” đồng hồ xách tay sẵn sàng thành lập công ty, thuê mặt bằng một cách công khai trên con phố đông đúc người qua lại để bán các loại sản phẩm đồng hồ xách tay.

Tận mắt mục sở thị, chúng tôi tìm đến một đơn vị chuyên cung cấp đồng hồ cho khách hàng tại đường Xã Đàn (quận Đống Đa, Hà Nội). Bên trong cửa hàng có đủ loại mẫu mã sản phẩm của các hãng đồng hồ, với mức giá vài triệu đến hơn trăm triệu. Tiếp chúng tôi, nhân viên cửa hàng khẳng định đây là những sản phẩm chính hãng, trong đó một số loại có thể bảo hành toàn cầu…Điều đáng nói, khách hàng mua tất cả các sản phẩm ở đây phía cửa hàng không xuất hóa đơn VAT.

Nhân viên này “nổ” rằng, cửa hàng chuyên cung cấp các mặt hàng đồng hồ xách tay với mức giá mềm. Đơn cử, giá bán tại hãng của chiếc Frederique Constant (FC) có thể lên đến gần 30 triệu đồng nhưng cửa hàng này chỉ bán chưa đến 10 triệu đồng. “Bọn em hoạt động 5 năm nay rồi, lực lượng chức năng hay quản lý thị trường thì bên em không lo…”, nhân viên bán hàng nói.

Nhân viên cửa hàng khẳng định mặt hàng này rẻ hơn hãng bán ra.

Nhân viên cửa hàng khẳng định mặt hàng này rẻ hơn hãng bán ra.

Trên đây chỉ là con số rất nhỏ của những cửa hàng đang hoạt động kinh doanh đồng hồ xách tay trên địa bàn Hà Nội chứ chưa nói đến cả nước. Về pháp lý, hàng xách tay chính là hàng trốn thuế, nhập lậu và không đủ điều kiện để lưu thông trên thị trường theo quy định.

Theo quy định tại khoản 7 Điều 3 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP của Chính phủ về việc xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thì hàng xách tay là hàng trốn thuế, nhập lậu. Cá nhân, doanh nghiệp vi phạm nếu bị xử phạt theo khung quy định. Bên cạnh đó, pháp luật Việt Nam đã có các chế tài xử lý về hành vi kinh doanh, buôn bán hàng nhập lậu, trốn thuế.

Sản phẩm chỉ có sổ bảo hành, dấu tự đóng mang tên công ty trên hóa đơn bán lẻ.

Sản phẩm chỉ có sổ bảo hành, dấu tự đóng mang tên công ty trên hóa đơn bán lẻ.

Theo đánh giá của các chuyên gia, mỗi năm ngành thuế có thể thất thu hàng trăm tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh buôn bán hàng xách tay. Tình trạng hàng xách tay “trăm hoa đua nở” nhưng chưa được ngăn chặn, còn dẫn đến sự thiếu lành mạnh, bất bình đẳng trên thị trường.

Thời gian qua, việc kiểm soát, ngăn chặn hàng xách tay lộng hành là nhiệm vụ quan trọng được Nhà nước đặt ra cho ngành thuế và các đơn vị liên quan. Cùng với đó đã có nhiều biện pháp, giải pháp được đưa ra. Đầu năm 2018, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Công văn số 2922/VPCP-V.I truyền đạt chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình - Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia 389 với Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Y tế, Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường quản lý hàng hóa là hành lý, quà biếu, quà tặng từ nước ngoài vào Việt Nam.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, công tác quản lý hàng xách tay này hiện có một số vướng mắc như hành khách không khai báo đầy đủ, chính xác số lượng, giá trị hàng hóa để gian lận và trốn thuế. Bộ Tài chính đề nghị liên Bộ Công thương, Y tế, Nông nghiệp, Khoa học và Công nghệ, Công an và Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cùng vào cuộc.

Mặc dù, Chính phủ đã có những chỉ đạo sát sao cùng với đó là sự vào cuộc được cho là quyết liệt của các Bộ ngành; Đồng thời lực lượng chức năng, quản lý thị trường vẫn kiểm tra thường xuyên trên các địa bàn. Thế nhưng, trên thực tế hàng xách tay vẫn đang làm náo loạn thị trường, đặc biệt là mặt hàng đồng hồ. Vậy, đâu là nguyên nhân và ai sẽ phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng này?

Theo Hà Cường - Quốc Quân/Đô Thị Mới