Toàn cầu suy thoái, Việt Nam gắng vượt qua thách thức. (ảnh:TL)

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng Việt Nam trở thành “tấm gương” cho nhiều quốc gia trong ứng phó hiệu quả với dịch bệnh trong điều kiện nguồn lực hạn chế.

Về kinh tế, Ủy ban này đánh giá mức độ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 là nghiêm trọng. Trong Quý I, tăng trưởng GDP chỉ đạt 3,82% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Nhiều lĩnh vực, ngành nghề chịu ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp từ dịch bệnh.

Đi sâu từng lĩnh vực, Ủy ban Kinh tế lưu ý vốn giải ngân thực hiện một số công trình, dự án trọng điểm quốc gia vẫn còn chậm. Ngoài ra, việc phối hợp điều hành xuất khẩu gạo thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán gây ảnh hưởng lớn đối với hoạt động của doanh nghiệp và bức xúc cho xã hội.

Ủy ban Kinh tế cho rằng: Chính phủ cần chủ động xây dựng các kịch bản phát triển kinh tế - xã hội trong ngắn hạn, dài hạn; đánh giá lại các chỉ tiêu, các cân đối lớn của nền kinh tế cho cả năm 2020 và cho cả giai đoạn 2016-2020.

Trên cơ sở đó, Chính phủ nghiên cứu trình Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh những nội dung, chỉ tiêu thuộc thẩm quyền của Quốc hội, đồng thời đề ra các phương án, giải pháp cụ thể, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành trong thời gian tới. Trong đó cần chú trọng các chỉ tiêu như CPI, thu, chi, bội chi ngân sách, các chỉ số nợ công, nợ Chính phủ, trả nợ Chính phủ.

Ủy ban này cũng lưu ý tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính, thể chế, tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư chậm giải ngân; triển khai nhanh các dự án đầu tư công, nhất là đối với các dự án, công trình trọng điểm quốc gia có tác động lan tỏa lớn.

Theo Pháp luật & Xã hội