Bởi vậy, trước khi quyết định áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có nhiều vấn đề, cần nhiều nghiên cứu, đánh giá.

Bộ Tài chính cho rằng, việc bổ sung nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) nhằm giảm thiểu rủi ro bệnh tật và gánh nặng y tế đối với bệnh không lây nhiễm, cụ thể là tình trạng thừa cân béo phì (TCBP).

Tuy nhiên, theo nhiều nghiên cứu, nước giải khát có đường không phải nguyên nhân chính dẫn đến thừa cân béo phì và các bệnh lây nhiễm khác.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, thừa cân béo phì là do sự mất cân bằng giữa năng lượng nạp vào và năng lượng tiêu hao. Cụ thể là việc tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu calories trong khi thiếu các vận động thể chất.

Trên thế giới, hiện chỉ có khoảng 45 quốc gia áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường nhưng nhiều quốc gia như Chi-lê, Mexico, Ấn Độ, Bỉ, Phần Lan, Latvia và Brunei tỷ lệ thừa cân béo phì vẫn tiếp tục gia tăng sau khi áp dụng chính sách thuế này.

Đồng thời, nghiên cứu ở nhiều quốc gia đã áp dụng cho thấy rằng chính sách thuế này là không đạt hiệu quả trong việc làm giảm tỷ lệ thừa cân, béo phì hay điều chỉnh hành vi người tiêu dùng do hiệu ứng hàng hóa thay thế, trong khi lại mang đến các tác động tiêu cực tới nền kinh tế và việc làm.

Đầu năm 2023, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cập nhật danh sách các can thiệp hiệu quả nhất về mặt chi phí để giải quyết các bệnh không lây nhiễm (Best Buys) tuy nhiên biện pháp áp thuế lên đồ uống có đường vẫn không nằm trong danh sách các biện pháp can thiệp hiệu quả nhất này.

 

Cần nghiên cứu, đánh giá nhiều vấn đề trước khi áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường.

Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã ban hành tài liệu “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh béo phì” kèm theo Quyết định số 2892/QĐ-BYT ngày 22/10/2022 và báo cáo của các chuyên gia dinh dưỡng đã chỉ ra có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh thừa cân, béo phì.

Bên cạnh nguyên nhân dinh dưỡng, TCBP còn do thiếu hoạt động thể chất, thời gian ngồi tĩnh tại nhiều, tuổi tác, giới tính, chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi, hay các yếu về gen di truyền hoặc nội tiết tố.

Việc áp thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường không chỉ ảnh hưởng đến ngành nước giải khát mà còn ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp phụ trợ có liên quan như ngành mía đường, bán lẻ, bao bì và hậu cần.

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phân tích, nếu bổ sung mặt hàng này vào đối tượng chịu TTĐB 10% sẽ khiến doanh thu của ngành giảm 3.159,5 tỷ đồng trong khi thu ngân sách chỉ tăng thêm 2.279,1 tỷ đồng, dẫn tới tổng thiệt hại với nền kinh tế là 880,4 tỷ đồng.

Ngoài ra, việc áp thuế TTĐB lên nước giải khát có đường có thể đi ngược lại các chính sách mà Nhà nước đã và đang nỗ lực thực hiện để bảo hộ ngành đường trong nước và ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của người nông dân.

PGS, TS Nguyễn Thị Lâm – nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Việt Nam cho rằng: theo một số kết quả của Tổng điều tra Dinh dưỡng toàn quốc (2018- 2020) do Bộ Y tế công bố và Báo cáo An ninh Lương thực và Dinh dưỡng ASEAN năm 2021 thì tại Việt Nam tỷ lệ thừa cân ở trẻ em dưới 5 tuổi là 11,1%, tỷ lệ TCBP của trẻ em từ 5 – 19 tuổi là 19,0% và tỷ lệ TCBP ở người trưởng thành là 18,3%.

Trong đó, tỷ lệ TCBP ở nhóm trẻ em từ 5-18 tuổi có sự gia tăng, nhưng tỷ lệ TCBP của nhóm người trưởng thành ở Việt Nam lại ở mức thấp gần nhất so với nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á cũng như trên thế giới.

Ở Việt Nam hiện nay, nhóm TCBP tập trung ở trẻ em khu vực thành thị, đặc biệt ở các thành phố lớn. Ở các thành phố này, thiếu vận động thể chất và thời gian tĩnh tại nhiều là nguyên nhân đáng chú ý của sự gia tăng các bệnh không lây nhiễm, bao gồm thừa cân, béo phì.

“Các nghiên cứu cũng cho thấy có mối liên quan lớn giảm thừa cân béo phì nếu số ngày vận động thể lực trong tuần của mỗi người tăng lên”, bà Lâm cho biết.

PGS, TS Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) đề xuất chưa nên sửa đổi Luật thuế TTĐB, ít nhất trong khoảng thời gian 2023-2025 để giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn và phục hồi.

“Khi chưa có đầy đủ cơ sở khoa học thuyết phục, chưa đánh giá tác động đầy đủ đối với việc mở rộng các đối tượng chịu thuế TTĐB thì nên cân nhắc, chưa nên bổ sung mặt hàng nước giải khát có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn vào đối tượng chịu thuế TTĐB”, ông Việt đề xuất.

 

Hà Anh

Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/doanh-nghiep/chu-tich-vba-chua-du-co-so-de-ap-thue-tieu-thu-dac-biet-voi-nuoc-giai-khat-co-duong/20230726083224195