Là mặt hàng chăm sóc sức khoẻ con người, khăn giấy ướt được hiểu là thuộc sự quản lý của Bộ Y tế. Tuy nhiên, theo đại diện Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế, cơ quan này chỉ quản lý những loại khăn giấy ướt có tính năng như mỹ phẩm.

“Đối với sản phẩm là khăn ướt, nếu như trong thành phần của sản phẩm có chứa những hoạt chất dưỡng da, chăm sóc da thì đó mới là các sản phẩm mỹ phẩm. Hàng hoá tiêu dùng thông thường thì có thể do Bộ Công thương trong quá trình lưu hành trên thị trường quản lý” – Tiến sỹ Nguyễn Văn Lợi, Trưởng phòng Quản lý Mỹ phẩm, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cho biết.

Khăn giấy ướt nhái, không rõ nguồn gốc trên thị trường – Ảnh: L.S.

Khăn giấy ướt nhái, không rõ nguồn gốc trên thị trường – Ảnh: L.S.

Đại diện Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá (thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng) – đơn vị giám sát chất lượng sản phẩm lưu thông trên thị trường lại khẳng định chỉ là đơn vị phối hợp còn trách nhiệm chính thuộc về Bộ Công thương.

“Khi Bộ Công thương phát hành Quy chuẩn thì vai trò chính vẫn là Bộ Công thương còn các Bộ, Ngành khác thì vẫn tham gia nhưng với vai trò phụ trợ” – Ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm hàng hoá, Tổng Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng trả lời.

Hiện nay, Quy chuẩn của khăn giấy ướt vẫn đang được Bộ Công thương xây dựng và chưa hề có Tiêu chuẩn chất lượng Nhà nước nào cho mặt hàng này. Các tiêu chuẩn chất lượng đều do nhà sản xuất tự công bố, khiến nhiều người cho rằng, thị trường này đang bị thả nổi.

 

Các sản phẩm khăn giấy ướt kém chất lượng được bán tràn lan – Ảnh: Internet.

Các sản phẩm khăn giấy ướt kém chất lượng được bán tràn lan – Ảnh: Internet.

“Cụ thể của việc thả nổi là hàng hoá được sản xuất tràn lan, không có một cơ quan Quản lý Nhà nước nào đưa ra một bộ Quy chuẩn sản xuất. Các cơ quan Quản lý Nhà nước về cấp phép kinh doanh các sản phẩm hàng hoá này trong một nền kinh tế thị trường không thể dựa theo tâm của nhà sản xuất được ” – Luật sư Lê Văn Tiến, Đoàn Luật sư Tp. Hà Nội cho biết.

Một gửi công văn đề nghị phỏng vấn ý kiến đã được gửi đến Bộ Công thương nhưng sau 9 ngày, Bộ Công thương vẫn chưa có câu trả lời chính thức. Trong khi đó, đại diện Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia thừa nhận về những bất cập trong quản lý thị trường khăn giấy ướt.

“Không thể để tình trạng Bộ này đùn đẩy cho Bộ kia mà cuối cùng thiệt hại vẫn là người tiêu dùng. Mặt hàng mà ảnh hưởng đến sức khoẻ con người như thế này thì các Bộ như Bộ Khoa học, Bộ Y tế hay Bộ Công thương sẽ phải bàn bạc sớm để đưa ra một Quy chuẩn đồng thời tăng cường kiểm tra giám sát liên ngành “- ông Trần Hùng, Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia trả lời.

Trong lúc chờ đợi câu trả lời xác đáng từ phía các cơ quan chức năng, những cơ sở sản xuất khăn giấy ướt giả, nhái, mất vệ sinh vẫn tồn tại; những hộp khăn giấy ướt kém chất lượng vẫn trôi nổi trên thị trường ảnh hướng tới sức khoẻ người tiêu dùng và làm những thương hiệu khăn giấy ướt khác bị bóp nghẹt./.

Nhật Linh (Tổng hợp) / Theo Ngày nay Online