Đoàn công tác Bộ Công Thương về việc thực hiện điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán điện tại các tổng công ty điện lực và các doanh nghiệp ở ba miền Bắc, Trung, Nam không phát hiện bất thường. Hóa đơn tiền điện của khách hàng tăng chủ yếu do lượng điện sử dụng tăng.
Chờ kết quả thanh kiểm tra về điều chỉnh mức giá bán lẻ điện. Ảnh minh họa
Bộ Công Thương cũng cho rằng biểu giá tính điện 6 bậc có lợi cho người sử dụng, hỗ trợ cho người nghèo, sẽ giúp đảm bảo an sinh xã hội là công cụ để giúp người dân tiết kiệm trong sử dụng.
Theo kết quả kiểm tra bước đầu của đoàn công tác Bộ Công Thương về việc thực hiện điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán điện tại các tổng công ty điện lực và các doanh nghiệp ở ba miền Bắc, Trung, Nam không phát hiện bất thường và trong tháng 4 vừa qua. Hóa đơn tiền điện của khách hàng tăng chủ yếu do lượng điện sử dụng tăng.
Tại buổi kiểm tra tại Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC), các số liệu của đơn vị cho thấy sản lượng điện tiêu dùng tháng 4 tăng gần gấp đôi so với quý I là nguyên nhân chính dẫn đến khách hàng phải trả nhiều tiền hơn so với tháng trước đó.
Báo cáo của EVNNPC cho thấy, sản lượng điện trung bình ngày trong tháng 4 đạt 202 triệu kWh, tăng 14 triệu kWh/ngày so với tháng 3. Sản lượng cực đại đạt 220,73 triệu kWh (ngày 25/4), thấp nhất là 177,57 triệu kWh (ngày 14/4).
Đại diện Ban kinh doanh của EVNNPC cho biết, có 3 nguyên nhân chính làm tăng sản lượng điện tiêu dùng, dẫn đến hóa đơn tiền điện tăng cao như thời tiết nắng nóng, nhu cầu điện tăng cao đột biến; thời gian ghi chỉ số tháng 4 dài hơn tháng 3/2019 là 3 ngày và ảnh hưởng của quyết định điều chỉnh điện tăng giá điện ngày 20/3/2019.
Tại cuộc làm việc với Tổng công ty Điện lực TPHCM, đại diện Tổng công ty cho biết, từ đầu tháng 3/2019, thời tiết nắng nóng liên tục. Sản lượng điện dùng cho sinh hoạt tháng 4 lên tới 947,85 triệu kWh, tăng 30,80% so với tháng 3. Sản lượng điện tiêu thụ cao nhất đạt kỷ lục vào ngày 24/4 là hơn 90 triệu kWh, tăng 10,98% so với ngày cao nhất năm 2018.
Báo cáo với đoàn công tác, theo đại diện EVNHCM, tiền điện của một số khách hàng và doanh nghiệp trên địa bàn trong tháng 4 có tăng so với tháng 3 nhưng đều nằm trong mức tăng của Quyết định 648 và chi phí sử dụng điện của khách hàng trong tháng 4 tăng do sản lượng điện tiêu thụ của khách hàng cùng với cách tính giá điện mới tăng.
Hiện biểu giá điện được tính theo sáu bậc tiêu thụ khác nhau, cụ thể: 0 - 50 kWh; 51 - 100 kWh; 101 - 200 kWh; 201 - 300 kWh; 301 - 400 kWh và từ 401 kWh trở lên. Bộ Công Thương cho rằng, biểu giá sinh hoạt điện sẽ giúp đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ cho người nghèo.
Với người nghèo, mức sử dụng điện ít, dưới 100 kWh, được hưởng mức giá ưu đãi. Thang bậc điện cũng là công cụ để giúp người dân tiết kiệm trong sử dụng, nếu dùng càng nhiều phải trả giá càng cao.
Theo số liệu thống kê của EVN, lượng khách hàng dùng điện ở mức 101 - 200 kWh đang chiếm tỉ lệ cao nhất với 39% (tương đương 10,06 triệu hộ).
Với biểu giá 6 bậc thang như hiện nay thì những người sử dụng dưới 100 kWh sẽ có lợi bởi đơn giá thấp hơn bình quân chung. Ở 4 bậc thang còn lại khách hàng sẽ phải chịu tác động mạnh hơn bởi giá điện cao hơn bình quân chung.
Đối với một hộ dùng 200 kWh sẽ phải trả 372.000 đồng, tính bình quân là 1.860 đồng/kWh; dùng 300 kWh phải trả 625.600, bình quân 2.085 đồng/kWh; dùng 400 kWh phải trả 909.000 đồng, bình quân 2.273 đồng/kWh.
Tuy nhiên, trong thời gian qua đã có nhiều ý kiến từ phía các chuyên gia về việc tăng giá điện và cách tính giá điện với biểu giá 6 bậc như hiện nay là chưa hợp lý.