Nếu như những ngày trước, phố "đường tàu" Phùng Hưng (Hoàn Kiếm - Hà Nội) luôn đông đúc, thậm chí ngày cuối tuần lượng khách đổ về đây không chỗ chen chân.
Tuy nhiên, thay vì cảnh đông đúc, chen chúc, sáng ngày 10/10, khi cơ quan chức năng vào cuộc xử lý, lập lại trật tự an toàn giao thông đường sắt, tuyến phố "đường tàu" Phùng Hưng trở nên vắng lặng.
Việc cơ quan chức năng dẹp bỏ, vận động người dân không vi phạm an toàn giao thông đường sắt khu vực này trả lại vẻ yên tĩnh vốn có nhiều năm trước cho phố "đường tàu" cũng gây nên không ít sự nuối tiếc. Bên cạnh đó, nhiều người dân cũng đã đầu tư kinh doanh đồ uống, cà phê... nên dù phải chấp hành việc đóng cửa nhưng không khỏi ngậm ngùi.
Phố "đường tàu" Phùng Hưng một vài năm nay được khách du lịch trong và ngoài nước biết đến là địa điểm dừng chân để chụp ảnh, ngồi cà phê ngắm những chuyến tàu chạy qua trong khoảng cách chật hẹp.
Khi nghe thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc Hà Nội sẽ dẹp bỏ khu vực này, lượng khách du lịch bất ngờ kéo đến đông đúc gấp nhiều lần so với bình thường.
Trong buổi sáng ngày 10/10, sau khi cơ quan chức năng tiến hành dẹp bỏ, ngăn người dân không tụ tập, quay phim chụp ảnh... nhiều quán phải cửa đóng then cài.
Tại khu vực đầu phố Trần Phú giao với Phùng Hưng, tấm biển cấm bằng tiếng Việt và tiếng Anh được dựng lên.
Cơ quan cức năng tiến hành rào chắn cũng như vận động, hướng dẫn người dân không di chuyển vào khu vực đường tàu.
Cảnh vắng tanh vắng ngắt tại phố "đường tàu" bên trong.
Các quán cà phê, quán trà chanh, quán nước cũng không một bóng khách.
Trao đổi với PV, chủ một quán cà phê cho biết: "Chúng tôi không nghĩ rằng lại bị dẹp bỏ nhanh đến như vậy".
Hai người đàn ông ngồi trước quán bia, cà phê của mình tỏ ra tiếc nuối.
Những vi phạm xung quanh hành lang an toàn đường sắt cũng được dẹp bỏ hoàn toàn.
Nhiều người dân sinh sống di chuyển dọc đường ray để vào nhà mình.
Một nhân viên quán cà phê đang tiến hành dọn dẹp cửa hàng.
Tại chốt bảo vệ đoạn giao với Trần Phú luôn có lực lượng an ninh hướng dẫn khách du lịch không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.
Thượng tá Nguyễn Văn Khương, Phó đội trưởng Đội CSGT đường sắt (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) cho biết: "Người dân sinh sống hai bên đường sắt cần hiểu rõ, đảm bảo an toàn tính mạng cho bản thân và cho mọi người mới là điều quan trọng nhất. Vì vậy, chúng tôi tập trung tuyên truyền là chủ yếu để làm thay đổi nhận thức người dân".