Thị trường chứng khoán trong phiên giao dịch cuối tuần 7/8 vẫn đi theo chiều hướng giằng co tích lũy với sự phân hóa mạnh ở các nhóm cổ phiếu. Chỉ số chính VN-Index liên tục có những đợt tăng giảm điểm đan xen nhau.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 1,42 điểm (0,17%) lên 841,46 điểm. Toàn sàn có 185 mã tăng, 177 mã giảm và 71 mã đứng giá. HNX-Index giảm 0,57 điểm (-0,5%) xuống 112,78 điểm. Toàn sàn có 81 mã tăng, 73 mã giảm và 57 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,1 điểm (0,18%) lên 56,22 điểm.

Tại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, các cổ phiếu CTD, CTG, GAS, SAB, HPG, VNM… đồng loạt tăng giá và góp phần quan trọng trong việc giữ được sắc xanh nhẹ của chỉ số chính VN-Index. Kết thúc phiên giao dịch, CTD tăng 2,7% lên 78.600 đồng/cp, CTG tăng 1,6% lên 22.750 đồng/cp, GAS tăng 1% lên 70.200 đồng/cp, SAB tăng 0,8% lên 184.000 đồng/cp.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất lên VN-Index. Nguồn: Fialda.

Ở chiều ngược lại, sắc đỏ bao trùm lên hàng loạt cổ phiếu lớn khác là SHB, PVD, BVH, MWG, PNJ. Trong đó, SHB giảm 2,3% xuống 12.500 đồng/cp và là nhân tố chủ chốt khiến HNX-Index kết phiên trong sắc đỏ.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất lên HNX-Index. Nguồn: Fialda.

Ở nhóm cổ phiếu bất động sản, các mã vốn hóa lớn gồm VIC, VHM, VRE và NVL đều biến động trong biên độ hẹp, trong đó, VIC và VHM đứng giá tham chiếu, còn VRE tăng nhẹ 0,2%, NVL giảm 0,5%.

Các cổ phiếu bất động sản có yếu tố thị trường tăng giá ở phiên cuối tuần có SNZ, DRH, HDC, FLC, LHG… Trong đó, SNZ tăng đến 14% lên 31.000 đồng/cp, DRH tăng 4,4% lên 6.400 đồng/cp, HDC tăng 3,5% lên 16.450 đồng/cp.

Trong khi đó, các mã như VCR, TIP, KOS, CEO, OGC… đều giảm giá khá sâu. VCR giảm 6,4%, TIP giảm 2,8%, KOS giảm 2%.

Thanh khoản thị trường ở mức trung bình với tổng khối lượng giao dịch đạt 316 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch đạt 5.154 tỷ đồng. ITA, FLC và HQC là 3 cổ phiếu bất động sản nằm trong top 10 mã khớp lệnh mạnh nhất thị trường, trong đó, ITA khớp lệnh được 6,7 triệu cổ phiếu. FLC và HQC khớp lệnh đều gần 6,4 triệu cổ phiếu.

Các cổ phiếu có giá trị mua (bán) ròng của khối ngoại lớn nhất phiên 7/8. Nguồn: Fialda.

Khối ngoại bất ngờ bán ròng lên đến gần 287 tỷ đồng nhưng trong đó có đến 207 tỷ đồng đến từ việc bán ròng trái phiếu MSN12001 và 188 tỷ đồng từ giao dịch thỏa thuận. AGG và VIC bị khối ngoại bán ròng mạnh với lần lượt 86,4 tỷ đồng và 67 tỷ đồng, cả 2 cổ phiếu này đều bị khối ngoại bán ròng hầu hết thông qua phương thức thỏa thuận. Bên cạnh đó, NVL và NLG cũng là các cổ phiếu bất động sản bị bán ròng mạnh với lần lượt 45 tỷ đồng và 4 tỷ đồng. Trong khi đó, không có cổ phiếu bất động sản nào nằm trong top 10 mã được khối ngoại mua ròng mạnh nhất.

Chứng khoán MB (MBS) cho biết, theo phương pháp phân tích kỹ thuật, mô hình đáy đảo chiều cũng đã được xác nhận ở phiên 8/4 khi thị trường tạo mô hình The island Gap, bên cạnh đó các chỉ báo kỹ thuật cũng đang ủng hộ cho nhịp phục hồi. Nhịp tăng vừa qua đưa chỉ số VN-Index về mức 50% của ngưỡng Fibonacci ở 842,73 điểm, các nhịp chốt lời như trong 3 phiên vừa qua sẽ tiếp tục diễn ra trong các phiên ở tuần sau khi lượng hàng T+ đang ở trang thái lãi ngắn hạn. Ngưỡng cản của thị trường có thể ở vùng 854 - 857 điểm, nơi có sự góp mặt của ngưỡng MA50, các nhịp điều chỉnh vẫn là cơ hội để cơ cấu danh mục.

Về thị trường chứng khoán thế giới, tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite giảm 0,96%, Shenzhen Component giảm 1,548%, Shenzhen Composite giảm 1,38%. Chỉ số Hang Seng của sàn Hong Kong giảm 1,6%, mạnh nhất khu vực. Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,39%, Topix giảm 0,2%. Kospi của Hàn Quốc tăng 0,39%. Kospi của Hàn Quốc tăng 0,39%. Trong khi đó, thị trường chứng khoán Australia là ASX 200 giảm 0,62%.

Theo Tuấn Hào/Reatimes