Theo quảng cáo trên website chính thức https://sakukostore.com.vn (trang web chính thức của Công ty TNHH Bán lẻ Sakuko Việt Nam) thì doanh nghiệp này là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực phân phối và bán lẻ hàng Nhật nội địa tại Việt Nam Sakuko Japanese Store (trước đây là Sakura Việt Nam). Tại đây có tới 5.000 sản phẩm được nhập khẩu trực tiếp tại Nhật và sẽ tiếp tục gia tăng trong tương lai.
Theo khảo sát của PV, tại nhiều cửa hàng của thương hiệu này trên địa bàn Hà Nội, rất nhiều mặt hàng “Nhật nội địa” được bày bán. Các loại hàng hoá ở đây cũng rất phong phú và đa dạng. Có rất nhiều sản phẩm từ thực phẩm, hàng văn phòng phẩm, sản phẩm chăm sóc sức khoẻ mẹ và bé...
Đa số các sản phẩm ở đây đều có nhãn chính, nhãn phụ bằng Tiếng Việt. Thế nhưng, vấn đề cũng bắt đầu nảy sinh từ việc dán nhãn phụ trên các sản phẩm này. Dường như, “hàng ngoại” của Sakuko đang đánh đố khách hàng khi mập mờ xuất xứ, khiến nhiều người không khỏi hoài nghi về nguồn gốc cũng như chất lượng sản phẩm được bày bán tại siêu thị.
Vốn được biết đến là siêu thị chuyên bán hàng nội địa Nhật, nhưng thương hiệu này lại bày bán cả những sản phẩm “made in China”. Nếu khách hàng không đọc kỹ thông tin sẽ rất dễ nhầm tưởng nhiều sản phẩm được sản xuất tại Nhật Bản. Tâm lý chung của mọi người, khi bước vào một cửa hàng Nhật nội địa thì sẽ tin rằng tất cả mọi thứ trong cửa hàng đều có xuất xứ từ đất nước "mặt trời mọc”. Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao lại có chuyện lạ lùng như thế xảy ra, phải chăng Sakuko đang chơi trò “treo đầu dê, bán thịt chó” với người tiêu dùng?
Nghiêm trọng hơn, có những sản phẩm mặc dù nhãn phụ Tiếng Việt ghi rõ là xuất xứ Nhật Bản nhưng chữ ngoại thì lại đề "made in China". Khi PV thắc mắc với nhân viên tại cơ sở Sakuko Thái Hà thì nhận được câu trả lời rằng, một số sản phẩm được sản xuất tại nước thứ 3 là Trung Quốc để giảm giá thành. Bên cạnh đó, người nhân viên này không quên trấn an chúng tôi là, các mặt hàng phải đủ tiêu chuẩn Nhật Bản mới nhập lại nên khách hàng hoàn toàn có thể hoàn toàn yên tâm sử dụng.
Nhiều khách hàng khi biết “sự thật” này vô cùng hoang mang. Sakuko đã khiến họ hoài nghi về nguồn gốc xuất xứ của các sản phẩm có phải là hàng Nhật nội địa nhập khẩu chính hãng thật hay không?
Anh Đ.L (quận Đống Đa) cho biết: “Lúc mua hàng tại đây, mình không để ý kỹ tới toàn bộ thông tin trên nhãn dán vì nghĩ rằng tất cả đều là hàng Nhật. Lúc về nhà xem xét, mới tá hoả phát hiện ra sản phẩm đồ chơi mình mua có xuất xứ từ Trung Quốc. Sakuko làm thế này chẳng khác gì đánh lừa khách hàng cả. Điều này cũng khiến mình không còn tin tưởng vào chất lượng sản phẩm tại đây nữa”.
Theo ông Phạm Ngọc Hùng – Phó Chủ tịch quỹ Chống hàng giả Việt Nam, đối với trường hợp sản phẩm nhập khẩu mà trên bao bì ghi một nơi xuất xứ, trên nhãn phụ lại ghi một xuất xứ khác thì: “Đó là hàng giả bởi vì không có một thứ hàng hóa nào có 2 xuất xứ cả. Ở Việt Nam vấn đề này xảy ra rất nhiều, gọi là vấn đề nhái sai mác”.
Nói về trường hợp sản phẩm không có nhãn phụ, Luật sư Phạm Danh Tín, Giám đốc văn phòng luật sư Danh Tín cho biết: “Với hàng nhập khẩu, nhãn phụ có vai trò quan trọng đối với việc kiểm soát hàng hóa cũng như đối với người tiêu dùng. Việc hàng hóa không có nhãn phụ gây khó khăn cho người tiêu dùng trong việc tìm hiểu nguồn gốc xuất xứ, thành phần, cách sử dụng và bảo quản. Việc không có nhãn phụ còn gây tâm lý hoang mang đối với người tiêu dùng trong việc xác định hàng có đảm bảo nguồn gốc hay không; phân biệt hàng giả hàng thật và còn gây khó khăn trong việc nhận biết nhãn hiệu hàng hóa. Pháp luật đã có những chế tài xử lý đối với những đơn vị bán hàng hóa nhập khẩu không có nhãn phụ. Cụ thể, theo Nghị định số 127/2013/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan quy định về mức xử phạt đối với hành vi không sử dụng nhãn phụ”.
Từ đó, dư luận cũng đặt câu hỏi, liệu các cơ quan chức năng có biết các siêu thị Sakuko đang diễn ra tình trạng đáng báo động như thế, cơ quan quản lý đã làm tròn trách nhiệm trong việc thanh tra, kiểm tra thường xuyên để bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng?