Người tiêu dùng mua thịt gà tại siêu thị Big C trong dịch Covid-19. |
Trứng, thịt gia cầm rẻ hơn rau
Hiện giá xuất chuồng gà ri, gà mía lai công nghiệp thả vườn tại Thái Nguyên, Bắc Giang dao động từ 38.000 - 45.000 đồng/kg (trong khi trước đây giá 55.000 - 60.000 đồng/kg); gà công nghiệp lông trắng 25.000 - 26.000 đồng/kg, gà ta, gà mía thuần chủng 90.000 đồng/kg. Trưởng Ban quản lý chợ đầu mối gia cầm Hà Vỹ Lê Xuân Viết cho hay, những ngày gần đây lượng gia cầm trung bình về chợ trên 40 tấn/ngày, trong đó, giá vịt thịt giảm mạnh chỉ còn khoảng 25.000 - 30.000 đồng/kg, loại vịt bầu cánh trắng, vịt bơ giá bán còn thấp hơn.
Không chỉ gia cầm giảm giá mạnh, mặt hàng trứng cũng trong tình trạng tương tự. Vào thời điểm giữa tháng 2 giá trứng gà công nghiệp giảm chỉ còn 850 - 900 đồng/quả. Thời điểm này mặc dù giá trứng đã tăng trở lại nhưng chỉ 1.500 - 1.600 đồng/quả, trứng vịt 1.300 – 1.400 đồng/quả, trong khi giá thành sản xuất 1.700- 1800 đồng/quả. Không chỉ trứng gà mà trứng cút cũng đang xuống thấp chưa từng thấy, giảm khoảng 50% so với thời điểm trước khi có dịch Covid-19. Hiện các đầu mối chỉ thu mua với giá 16.000 - 18.000 đồng/100 quả, trong khi muốn hòa vốn thì phải 27.000 - 28.000 đồng/100 quả. Giá chim cút thịt chỉ 8.000 đồng/con, trong khi giá thành sản xuất 10.000 đồng/con.
Theo Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Lê Việt Nga, từ đầu tháng 4 đến nay giá gà công nghiệp liên tục giảm. Nguyên nhân là do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành du lịch bị ảnh hưởng, nhà hàng, khách sạn gần như không hoạt động, bếp ăn tại các trường học tạm đóng cửa... nên nhu cầu tiêu thụ trứng, thịt gia cầm giảm kéo theo giá giảm mạnh, người nuôi thua lỗ. “Giá bán trứng và thịt gia cầm giảm thì người tiêu dùng được lợi nhưng người chăn nuôi lại lỗ nặng” - bà Nga chia sẻ.
Thay đổi cơ cấu bữa ăn
Trong khi giá bán trứng và gia cầm đang giảm mạnh thì mặt hàng thịt lợn hơi tăng giá lên mức 88.000 - 92.000 đồng/kg kéo theo giá thịt lợn dao động từ 150.000 - 180.000 đồng/kg. Để tiết kiệm chi tiêu, nhiều bà nội trợ đã chuyển sang sử dụng trứng gia cầm, thủy sản... thay thế thịt lợn, đồng thời giúp người chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm trong dịch Covid-19.
Chị Đỗ Thị Thoa (trú tại phố Nguyễn Khánh Toàn) chia sẻ, trước đây gia đình chị sử dụng thịt lợn trong bữa ăn nhưng hiện đã loại thịt lợn ra khỏi thực đơn, chuyển sang ăn các thực phẩm khác. “Thịt lợn giá cao trong khi hải sản, gia cầm lại rẻ nên tôi đã chuyển dần sang mua thịt gia cầm, cá, tôm... Việc chuyển đổi này cũng giúp gia đình tôi tiết kiệm được một số tiền so với mua thịt lợn, đồng thời gián tiếp “giải cứu” gia cầm” - chị Thoa nói.
Theo Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển hệ thống nông nghiệp Việt Nam Đào Thế Anh, việc thay đổi cơ cấu bữa ăn theo hướng sử dụng thịt, trứng gia cầm thay thế một phần sản phẩm thịt lợn thiếu hụt là một hướng chuyển đổi quan trọng để đảm bảo an ninh về thực phẩm. “Trước mắt việc chuyển đổi cơ cấu bữa ăn cũng là cách người tiêu dùng chung tay “giải cứu” gia cầm, trứng đang mất giá” - ông Thế Anh chia sẻ.
Để người dân dần chuyển đổi cơ cấu thực phẩm trong bữa ăn, ngành công thương, nông nghiệp cần khuyến khích người dân sử dụng sản phẩm thay thế thịt lợn qua đó giảm sức ép cho nguồn cung trong nước. Đây cũng là giải pháp giúp người chăn nuôi gia cầm Việt Nam tiêu thụ sản phẩm trong giai đoạn khó khăn này.
Trong rổ thực phẩm tiêu dùng hiện thịt lợn chiếm 65% trong cơ cấu thực phẩm, thịt gà chỉ chiếm 20%. Trong khi ở các nước có ngành chăn nuôi phát triển, thịt lợn chỉ chiếm 20 - 25%, gia cầm 40%, thịt bò 30 - 35%... Điều đó cho thấy chúng ta đang có một cơ cấu bữa ăn thiếu hợp lý. Đã đến lúc, cần thay đổi thói quen ăn uống, hướng tới sự đa dạng trong thực phẩm, ngoài thực phẩm từ gia súc, cần chú ý tới các thực phẩm liên quan tới gia cầm. GS Lê Viết Ly - nguyên Phó Viện trưởng Viện Chăn nuôi Việt Nam |