Theo quy định của Bộ y tế, hạn dùng được ghi bằng số hoặc chữ chỉ tháng và năm:
- Số chỉ tháng gồm hai con số hoặc tên tháng bằng chữ
- Số chỉ năm là hai con số cuối của năm
Ví dụ: Hạn dùng của thuốc được ghi 30/08/2014, nghĩa là trong thời gian từ lúc mua thuốc đến ngày 29/8/2014, nếu thuốc được bảo quản đúng quy định, còn đảm bảo các yêu cầu về chất lượng thì thuốc được phép dùng, còn từ ngày 30/08/2014 trở về sau là thuốc quá hạn dùng không còn giá trị sử dụng nữa.
Và nếu hạn dùng được ghi là 08/2014, nghĩa là từ ngày 01/08/2014 trở về sau là thuốc quá hạn dùng không được sử dụng.
Hạn dùng của thuốc được hiểu là thời hạn ấn định cho thuốc mà trước thời hạn đó thuốc còn đảm bảo các yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng nếu được bảo quản đúng quy định.
Sau "hạn dùng" thuốc sẽ không được phép lưu thông trên thị trường hay sử dụng được. Tùy mỗi loại thuốc khác nhau mà hạn dùng có thể dài hay ngắn, từ 2 đến 5 năm.
Theo các chuyên gia thì hạn dùng chính là tiêu chí quan trọng nhất để nói một thuốc còn chất lượng hay không.
Đối với một số loại dược phẩm được bào chế thì hạn sử dụng thường không quá dài và được hãng bào chế quyết định nhằm bảo đảm trước ngày hết hạn, thuốc có hiệu lực ở mức cao nhất.
Dược phẩm cũng như tất cả các loại hóa chất đều bị biến chất theo thời gian, thuốc dạng lỏng dễ tách lớp, nhiễm khuẩn; thuốc dạng rắn dễ bị sứt mẻ, thậm chí có thể tơi rã thành bột.
Trên thực tế, vẫn có nhiều loại thuốc đã quá hạn sử dụng được ghi trên vỏ hộp. Một nghiên cứu do Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) thực hiện vào năm 2000 cho thấy nhiều loại thuốc vẫn còn hiệu lực sau khi đã quá hạn sử dụng nhiều năm.
Tuy nhiên, FDA khuyến cáo đừng bao giờ sử dụng thuốc quá hạn vì sẽ đối mặt nhiều rủi ro khôn lường.
Thuốc hết hạn sẽ thế nào?
Đa số các sản phẩm thuốc khi hết hạn sẽ không còn nguyên hiệu lực, thậm chí không còn hiệu lực như ban đầu. Nghĩa là, thuốc sẽ không có đủ khả năng ngăn cản, điều trị những chứng bệnh mà chúng vốn có khả năng dập tắt khi còn ở hạn sử dụng.
Một điều đáng quan tâm hơn là trong thuốc quá hạn có thể chứa độc tính thay vì khả năng chữa bệnh ban đầu.
Bởi lẽ, hoạt chất trong thuốc theo thời gian có thể sẽ bị biến đổi sang một dạng hợp chất hóa học khác xa với hợp chất ban đầu, có thể do tác động của ngoại cảnh hay do thành phần thuốc chỉ có tác dụng trong khoảng thời gian cho phép, từ đó, sinh ra những hợp chất mới có độc tính cao.
Người bệnh không may sử dụng phải các loại thuốc quá hạn có thể sẽ khiến cơ thể mệt mỏi hoặc khiến bệnh nặng thêm.
Những loại thuốc tuyệt đối không dùng khi quá hạn
Phần lớn các loại thuốc đều nên dùng khi chúng còn trong thời hạn sử dụng. Có một số loại thuốc tuyệt đối không bao giờ được dùng khi quá hạn.
Đó là: Thuốc tim mạch (nhất là nitroglycerin dùng cho bệnh đau thắt ngực), thuốc kháng đông máu (Warfarin), thuốc chống động kinh, trị bệnh đái tháo đường hay thuốc chữa các bệnh về tuyến giáp, hen suyễn...
Với những loại thuốc khác dùng để trị các bệnh thông thường, không nghiêm trọng (như thuốc giảm đau) mà vừa quá hạn sử dụng không lâu và bạn nghi ngờ không biết có thể “tận dụng” hay không thì nên trao đổi với dược sĩ tại nhà thuốc.
Tuy nhiên, tốt nhất vẫn nên hạn chế tối đa và nói không với việc dùng thuốc đã quá hạn sử dụng.
Ngoài ra, người dùng cũng cần lưu ý về quá trình bảo quản thuốc. Có nhiều loại thuốc dù vẫn còn hạn sử dụng nhưng vì bảo quản sai cách thì tác dụng của thuốc có thể bị giảm hay mất tác dụng trước khi hết hạn.
Bởi vậy, ngoài việc chú ý hạn sử dụng thì mọi người cần chú ý đến cách bảo quản thuốc trong gia đình.