Với họ, nguồn hải sản tươi sống đánh bắt từ biển là môi trường tự nhiên nên đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Thế nhưng, trên thực tế, người tiêu dùng đang ngày càng bất an với những nguồn thủy hải sản nhiễm độc, không đảm bảo ATVSTP.

Đừng nghĩ hải sản không nhiễm độc

Thực phẩm dùng cho sinh hoạt của chúng ta đang đối mặt với nguy cơ nhiễm độc tràn lan với nhiều nguyên nhân khó kiểm soát. Các nguồn thực phẩm có thể nhiễm độc do: Ô nhiễm môi trường sống, ô nhiễm môi trường nước, dịch bệnh và thuốc kháng sinh đối với vật nuôi ngày càng diễn biến phức tạp; lạm dụng hóa chất trong quá trình chăn nuôi, chế biến, bảo quản thủy sản. Hải sản tươi sống cũng có thể nhiễm độc do ôi ươn trong quá trình vận chuyển và bị ướp hóa chất.

Để tránh mua phải hải sản ngâm hóa chất, người tiêu dùng nên mua đồ còn sống, đông lạnh tại các cửa hàng uy tín

Xuất phát từ lợi nhuận, các thương lái trên thị trường hải sản truyền cho nhau công nghệ “tráng đạm” rất đơn giản để giữ tươi sản phẩm được lâu. Toàn bộ hải sản sau khi được thu mua về được nhúng vào thùng nước đá pha đạm urê, sau đó vớt ra sạp bán cho khách hàng. Với những đơn hàng đi tỉnh xa, hải sản vẫn tươi sau 4 – 5 ngày di chuyển do các thương lái thường rắc thêm đạm urê vào trong đá cây. Có những loại hải sản phải ngâm urê tới 2 lần để giữ độ tươi như: cá thu, cá ngừ, cá dứa, cá nục, cá chim... Theo kinh nghiệm, mực và bạch tuộc nếu rửa nhiều lần “hàng” sẽ không đẹp, các chủ vựa chỉ cho rửa qua vài lần rồi “ngâm” bằng thuốc tẩy, sau đó vớt, rửa qua nước vào bán cho người tiêu dùng.

Không chỉ làm tươi thủy hải sản bằng urê, người ta vẫn đồn đoán về loại thuốc Malachite Green (MG) có nguồn gốc từ Trung Quốc, một loại phẩm nhuộm công nghiệp độc hại có tác dụng diệt khuẩn và kéo dài thời gian sống của thủy sản. Hóa chất nằm trong thức ăn của thủy sản, thuốc xử lý môi trường nước, các loại hóa chất kéo dài thời gian sống của cá trong thời gian vận chuyển và bảo quản chính là những “sát thủ vô hình” với sức khỏe người tiêu dùng.

Bên cạnh việc thủy hải sản tươi sống bị ướp hóa chất để “làm tươi”, các thực phẩm chế biến sẵn từ hải sản cũng có thể nhiễm độc do người sản xuất mua nguyên liệu bị ôi thiu với giá rẻ. Chúng ta có thể dễ dàng chứng kiến việc mua bán sôi động các loại thủy hải sản đã chết, ươn, thối tại một số chợ đầu mối buôn cá lớn. Sau khi phân loại, thủy hải sản chết được gom về một khu trong chợ, chuyên buôn bán mặt hàng này. Đây chính là nguyên liệu của các món chả mực, chả tôm, chả cá... giá rẻ bán tràn lan trên thị trường.

Hãy là người tiêu dùng thông minh

Ông Đào Văn Hồ - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp cho biết, trong thành công của ngành nông nghiệp có sự đóng góp rất lớn của ngành thủy sản Việt Nam. Năm 2018, tổng sản lượng thủy sản đạt 7,757 nghìn tấn, tăng 6.1% so với năm 2017. Theo đó, giá trị sản xuất toàn ngành thủy sản đạt khoảng 228.14 nghìn tỷ đồng, tăng 7.7% so với 2017. Xuất khẩu thủy sản năm 2018 đạt mức cao 8.8 tỷ USD, tăng 5.8%. 9 tháng đầu năm 2019, thủy sản xuất khẩu đạt 6,23 tỷ USD.

Sau những thành công trong xuất khẩu, ngành thủy sản đã bắt đầu hướng đến thị trường nội địa. Theo đánh giá của các chuyên gia, với hơn 92 triệu dân và hơn 10 triệu khách du lịch của Việt Nam, mức tiêu thụ trong nước đến năm 2020 được dự báo sẽ đạt 940.000 tấn, theo đó thị trường nội địa rất tiềm năng cho ngành thủy sản Việt Nam. Nắm bắt xu hướng đó, các doanh nghiệp trong nước đang nỗ lực tối ưu hóa sản xuất để đưa những sản phẩm thủy sản tươi ngon, tiện lợi được sản xuất theo tiêu chuẩn xuất khẩu nghiêm ngặt của các thị trường khó tính đến gần hơn với người tiêu dùng trong nước.

Có một số cách để phân biệt hải sản sạch và hải sản nhiễm bệnh, nhiễm độc. Khi chọn mực cần quan sát kỹ, nên chọn những con đầu và mình còn dính nguyên với thân, có lớp màng nâu bên ngoài da. Với mực nang, nên chọn con to, thịt có màu trắng đục, mực ống chọn con có lớp thịt trắng hồng. Điều quan trọng là mực và bạch tuộc nếu được ủ urê nhìn thấy tươi, nhưng sờ sẽ thấy thịt mềm mão, không nên mua.

Để tránh mua phải hải sản ngâm hóa chất, người tiêu dùng nên mua đồ còn sống, đông lạnh tại các cửa hàng uy tín

Khi chọn cá biển, nên kiểm tra mang cá. Nếu cá còn tươi thì mang đỏ tươi, không có mùi, không nhớt. Nắp mang khép chặt với miệng mang, chứng tỏ cá vừa mới được đánh bắt. Mang cá bị nhiễm độc không sáng trơn và có màu hồng thâm. Sau mang cá là mắt cá. Nếu mắt cá bị nhiễm độc mắt không còn trong, thậm chí có những con bị nhiễm độc nặng khiến mắt lồi ra. Với cá biển ướp urê, mắt cá vẫn trong, mang cá đỏ nhưng khi ấn vào thân cá sẽ thấy mềm nhão, không đàn hồi, mùi khai chứ không có mùi tanh đặc trưng. Những con cá còn tươi nguyên khi nấu lên thịt chắc và tỏa mùi thơm. Ngược lại, cá bị nhiễm hóa chất độc hại sẽ xuất hiện bọt đen, bốc mùi lạ, tuyệt đối không được ăn.

Hãy chọn tôm còn sống, bơi khỏe. Nếu tôm đông lạnh chọn con không bị đứt đầu, các chi còn nguyên, sờ vào cảm giác mềm dẻo, căng tự nhiên. Nếu là tôm hùm, nên chọn các loại tôm có vỏ bóng, càng xanh. Tôm sú chọn con vỏ bóng, trơn, sống giữa thân tôm tươi và trong, đó là tôm ngon, chắc thịt.

Với các loại ốc, sò nên chọn loại đang còn sống, khi chạm tay mới khép miệng lại. Nên ngửi vì nếu hải sản loại có vỏ này bị chết có mùi hôi rất khó chịu. Sò lông, sò dương, nên chọn con vừa ăn, không lớn quá vì thịt sò dai. Sò huyết thì không nên chọn con nhỏ, khi chế biến thịt sò teo lại, không ngon.

Khi mua cua, hãy dùng tay ấn vào yếm cua. Nếu thấy rắn chắc, yếm to là cua nhiều thịt. Nên chọn con tươi, yếm vẫn còn bám chắc vào thân, chân và càng chuyển động mạnh, gai trên càng và mai cua vẫn sắc. Với cua gạch cần kiểm tra độ dày và chắc của thịt bằng cách bóp vào mai cua. Chọn những con có phần thân màu vàng phèn, dùng tay đè nhẹ phần khe giữa mai cua và yếm cua. Nếu cua gạch nhiều sẽ thấy phần gạch màu đỏ nhiều ở bên trong.

Để tránh mua phải hải sản ngâm hóa chất, người tiêu dùng nên mua đồ còn sống, đông lạnh tại các cửa hàng uy tín. Đặc biệt, không nên ham hải sản rẻ vì dễ bị ướp hóa chất. Đặc biệt, khi mua tôm, cá, mực và hải sản nói chung, nếu thấy người bán bày ra mà không cần ướp nhiều đá, nhìn vẫn tươi, sờ thấy mềm nhão thì chắc chắn đã bị ướp hóa chất.

Cũng theo ông Đào Văn Hồ, Hội chợ các sản phẩm Thủy sản tại Hà Nội năm 2019 là hoạt động xúc tiến thương mại chuyên đề quan trọng cho sản phẩm thủy sản tổ chức từ ngày 8 đến 13-10-2019.

Với quy mô gần 100 gian hàng, Hội chợ sẽ quy tụ đông đảo các cơ quan, doanh nghiệp, địa phương trong cả nước. Đại diện các đại phương tham gia là các Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi Cục Thủy sản, chi cục QLCL, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư các tỉnh Hải Phòng, Hà Nam, Hưng Yên, Bình Thuận, Quảng Ngãi, Nghệ An. Bên cạnh việc tổ chức gian hàng, có nhiều hội nghị, giao thương, diễn đàn kết nối có ý nghĩa được Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức gồm có Hội nghị bàn giải pháp nuôi trồng thủy hải sản an toàn, hiệu quả và kết nối tiêu thụ sản phẩm thủy hải sản khu vực phía Bắc năm 2019 ngày 9-10, Hội nghị kết nối tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước giữa các doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phân phối ngày 10-10-2019.

Theo Pháp luật & Xã hội