Nhân viên y tế Hà Nội làm việc xuyên đêm để lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại ổ dịch thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh. Ảnh: Phạm Hùng

Những “lá chắn” ngăn ngừa dịch bệnh

Những tháng ngày qua, không khó để bắt gặp hình ảnh những bữa ăn vội vàng của nhân viên y tế trong trang phục bảo hộ hay những đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ... của đội ngũ y, bác sĩ, đặc biệt là những "người lính áo trắng" ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư - tuyến đầu điều trị bệnh nhân mắc Covid-19.

Xoáy theo guồng quay của dịch bệnh, bác sĩ Đồng Phú Khiêm - Phó trưởng Khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư đã cùng gần 20 đồng nghiệp vất vả điều trị cho một số bệnh nhân nặng nhất, trong đó bệnh nhân 3 lần ngừng tuần hoàn.

Bác sĩ Khiêm tâm sự, chưa bao giờ, các bác sĩ được ngủ một giấc quá 3, 4 tiếng, có người bị ám ảnh bởi tiếng máy thở, tiếng báo động... Thế nhưng, có chút thời gian nghỉ ngơi thì họ lại lên mạng tìm tài liệu hoặc quanh quẩn ở khu bệnh nhân. "Mong muốn lớn nhất là dịch nhanh chóng được đẩy lùi để cuộc sống của Nhân dân được bình yên và chúng tôi sớm được về nhà với gia đình" - bác sĩ Khiêm tâm tư.

Cũng như bác sĩ Khiêm, bác sĩ Đỗ Thị Phương Mai - Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư chia sẻ, khi dịch bệnh bước sang giai đoạn 2 từ đầu tháng 3 tới nay, chị và nhiều đồng nghiệp khác không thể về nhà, mà ở lại BV chăm sóc, điều trị và cách ly cùng người bệnh.

“Lượng bệnh nhân nhiều nên các y, bác sĩ trong khoa phải chia làm 2 tốp, mỗi tốp có 3 bác sĩ, 8 điều dưỡng để đổi ca làm việc. Mỗi tốp làm 14 ngày rồi lại nghỉ để tự cách ly, hết thời gian cách ly lại "chiến đấu" tiếp. Một phần vì bệnh nhân, phần về nhà lại sợ lây bệnh sang con nhỏ, gia đình và người thân”- bác sĩ Mai trải lòng.

Dù đã có những đồng nghiệp bị nhiễm bệnh nhưng hơn bao giờ hết các y, bác sĩ, nhân viên y tế vẫn nỗ lực ngày đêm trên trận chiến chống dịch Covid-19. Trong câu chuyện của họ, không một lời kêu than phàn nàn, vất vả. Tất cả đều lặng lẽ với công việc, cống hiến của mình cùng đau đáu một mong ước chung, nhanh chóng đẩy lùi và chiến thắng dịch Covid-19.

Nhân viên y tế tranh thủ nghỉ ngơi sau một kíp làm việc. Ảnh: Đỗ Hằng

Đề cập đến công việc của những người ở tuyến đầu chống dịch, TS Nguyễn Thị Kiều Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho rằng, những chiến sĩ áo trắng ở CDC Hà Nội đang là "lá chắn" ngăn ngừa dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.

“Giữa lúc người ta chạy trốn virus, thì hơn 500 "thợ săn virus" của chúng tôi lại lao vào những ổ dịch - những nơi có nguy cơ cao nhất về lây nhiễm dịch bệnh để giám sát, lấy mẫu, điều tra dịch tễ. Khi mẫu về, toàn bộ nhân viên Khoa Xét nghiệm làm việc 24/24 giờ, chia 4 ca chạy liên tục, mà toàn phụ nữ… Dù vậy, tinh thần chung của chúng tôi vẫn là bình tĩnh đối mặt và quyết tâm cao hơn nữa”- TS Kiều Anh chia sẻ.

Gác việc riêng vì nhiệm vụ chung

Những ngày qua, dù công việc ở Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội tăng gấp 2 - 3 lần, nhưng với nữ bác sĩ Phạm Hải Yến dường như đã dần quen với hiểm nguy, vất vả. “Chúng tôi buồn nhất là khi bệnh nhân không hợp tác để đi cách ly, chỉ lo lây nhiễm ra cộng đồng. Lúc đó, kíp trực phải mất tới 2 - 3 tiếng để vận động, thuyết phục, sau đó, bệnh nhân mới đồng ý cho lực lượng 115 đón về nơi cách ly tập trung. Rồi khi đến đón bệnh nhân, người dân nhìn chúng tôi như người ngoài hành tinh. Dù mệt mỏi, nhưng chúng tôi cũng cảm thấy ấm lòng khi nhận được những lời động viên, chia sẻ của gia đình, người thân và cộng đồng”- bác sĩ Yến tâm sự.

Phun thuốc khử khuẩn tại Bệnh viện Đa khoa Bạch Mai. Ảnh: Việt Dũng

Dịch bệnh đã khiến cuộc sống xã hội bị đảo lộn, nhiều hoàn cảnh trớ trêu đến nghẹn lòng. Mới đây, câu chuyện cảm động của điều dưỡng Hoàng Thị Thu Hương - Bệnh viện Lao Phổi tỉnh Quảng Ninh đã khiến nhiều người rơi nước mắt khi chị không thể trở về nhà chịu tang bố bởi nhiệm vụ còn dang dở. Qua lớp khẩu trang, những ai chứng kiến cảnh đó đều cảm nhận được trên khuôn mặt chị Hương đang chất chứa một nỗi buồn, nỗi đau vô tận.

Còn nhiều lắm những y bác sĩ đang làm nhiệm vụ trên mặt trận chống dịch, nhiều người có con nhỏ, bố mẹ già, có những hoàn cảnh vô cùng éo le… nhưng tất cả đều gác lại việc riêng, vì nhiệm vụ chung - đẩy lùi dịch bệnh. Có những cuộc chia tay vội vàng, có những cuộc hẹn chưa kịp trở về, nhiều đám cưới đã phải gác lại. Những chiến sĩ ấy đã có những đêm dài không ngủ và những ngày làm việc xuyên trưa, xuyên tối, đối mặt với vất vả, hy sinh và nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh nhưng không một tiếng kêu ca phàn nàn… Đêm ngày họ vẫn lặng thầm làm nhiệm vụ.

Và giờ đây, điều đặc biệt nhất với các bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch, là họ không thể nào quên được chính là ánh mắt hạnh phúc, nét mặt rạng rỡ và những câu nói chia tay đầy xúc động của những bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Bao vất vả, nhọc nhằn cũng những áp lực không tưởng bỗng chốc tan biến...

Theo Kinh tế & Đô thị