Dù khuyết tật nhưng đam mê cháy bỏng với thể thao
Hơn 20 năm trước, khi 11 tuổi, lần đầu tiên ngồi trước vô tuyến và theo dõi kì Đại hội Thể thao Đông Nam Á 1995, anh Đạt đã bộc lộ niềm yêu thích đặc biệt với những môn thể thao như điền kinh, bóng đá...
Anh chia sẻ rằng, có lẽ bởi chân bị liệt từ khi còn nhỏ, chưa từng cảm nhận được cảm giác chạy nhảy trên sân cỏ, mặt đất, nên đối với những môn thể thao cần dùng nhiều đến đôi chân anh lại càng thấy hứng thú.
Trong những năm tháng còn là học sinh, bỏ qua những mặc cảm về khiếm khuyết trên cơ thể mình, trận bóng nào anh Đạt cũng hăng hái tham gia.
"Ban đầu mấy cậu bạn thấy chân tôi như vậy thì giao tôi vị trí thủ môn. Sau thấy tôi nhiệt tình quá cho lên làm tiền đạo, cứ vậy mà đá bóng bằng tay" - anh Đạt vui vẻ kể lại.
Dù việc đi lại gặp nhiều khó khăn, song anh Đạt không bỏ lỡ cấp học nào. Đến năm 2002, anh tốt nghiệp THPT và thi đỗ trường Đại học Công nghiệp Hà Nội.
Nhưng vào thời điểm đó, kinh tế gia đình đang gặp nhiều khó khăn, anh Đạt đành gác lại giấc mơ đại học của mình. Năm 2005, khi biết đến Câu lạc bộ Thể thao người khuyết tật Khúc Hạo (nay là CLB Thể thao người khuyết tật Hà Nội), sẵn niềm đam mê thể thao trong người, anh Đạt liền đăng ký tham gia.
Và kể từ đó, anh bắt đầu bước những bước đầu tiên trên hành trình hiện thực hóa giấc mơ thể thao của mình.
Vinh quang từ nghị lực phi thường
Đến với CLB, ngay từ những ngày đầu anh Đạt đã chăm chỉ tập luyện bộ môn điền kinh (đua xe lăn) dành cho người khuyết tật. Nhờ vào sự nỗ lực không ngừng nghỉ, sau 3 tháng tham gia CLB, anh Đạt đã được Ban huấn luyện ghi tên vào danh sách vận động viên tham gia thi đấu giải thể thao người khuyết tật tổ chức tại TP.HCM và giành được HCV môn đua xe lăn cự ly 400m.
Chỉ một thời gian ngắn sau đó, anh Đạt được gia nhập Đoàn thể thao người khuyết tật Hà Nội, đồng thời được cử đi thi đấu các giải trong nước và quốc tế.
Anh đã góp mặt trong các giải đấu lớn dành cho người khuyết tật như: Giải thể thao người khuyết tật Châu Á 2008, Paragames 4 tổ chức tại Thái Lan...
Đến nay, anh Đạt đã mang về 17 HCV, 18 HCB và 3 HCĐ. Bên cạnh đó, anh cũng là một trong số ít vận động viên đua xe lăn của thể thao Việt Nam vô địch tất cả các cự ly 100m, 200m, 400m, 800m, 1.500m và 5.000m.
Anh chia sẻ rằng, thể thao không chỉ là đam mê mà còn là niềm tự hào của một người mang trên mình khiếm khuyết cơ thể như anh.
Nhìn những tấm huy chương, những chiếc cúp đã đạt được trong suốt 13 năm chạy trên đường đua bằng đôi tay của chính mình, anh chia sẻ: "Tôi muốn một ngày nào đó nhìn thấy lá cờ Tổ quốc tung bay trên đấu trường quốc tế. Tôi cũng muốn mọi người nhìn nhận tôi như một vận động viên thể thao chứ không phải với ánh mắt thương cảm dành cho một người khuyết tật".
Những giọt mồ hôi rơi trên tấm huy chương
Gặt hái được nhiều thành tích mang về cho thể thao người khuyết tật nước nhà, song lại ít người biết đến những câu chuyện phía sau ánh hào quang của nhà vô địch Trần Phúc Đạt.
Vinh quang có được ngày hôm nay của anh phải đánh đổi bằng rất nhiều giọt mồ hôi trên sân tập, và rất nhiều nghị lực để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.
Người bình thường theo nghiệp thể thao đã khó, đối với người như anh Đạt, khó khăn còn nhân lên gấp bội phần. Thời gian đầu, anh Đạt thuê trọ ở Gia Lâm (Hà Nội), cách CLB 8km. Mỗi ngày, anh đều phải mất hơn 1 tiếng đồng hồ để di chuyển từ phòng trọ đến chỗ tập luyện bằng chiếc xe lăn mượn của CLB.
Đến năm 2008, gia đình lắp cho anh chiếc xe máy 3 bánh để tiện di chuyển từ Hưng Yên lên Hà Nội. Như vậy, ròng rã hơn chục năm, anh Đạt cứ sáng đi, chiều về trên đoạn đường 30km.
Bà Lê Thị Thoa (mẹ anh Đạt) chia sẻ: "Có những hôm mùa đông Đạt phải dậy từ 4, 5 giờ sáng để đi tập, về đến nhà thì quần áo ướt sũng. Ốm cũng có, đau cũng có, nhưng Đạt vẫn cố gắng để không bỏ lỡ buổi tập nào".
Trong hơn 13 năm gia nhập làng thể thao, thời gian đầu là quãng thời gian anh Đạt cảm thấy khó khăn nhất, thậm chí đã từng bỏ cuộc. Năm 2006, anh Đạt đã nghỉ tập 6 tháng do khó khăn trong việc đi lại và vất vả trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày.
Năm 2007, trong một lần đi xe buýt tuyến 22, anh Đạt lại không may làm mất chiếc xe lăn, cũng là phương tiện duy nhất thay thế đôi chân của mình. Khó khăn chồng chất khó khăn, nhưng sau mỗi lần chán nản, nghĩ về giấc mơ của mình, nghĩ đến những giọt nước mắt của bố mẹ khi lần đầu tiên anh giành được HCV năm 2005, anh lại hạ quyết tâm cố gắng thêm một lần nữa.
Anh Đạt giành HCV bộ môn điền kinh cự ly 800m tại Giải Thể thao người khuyết tật toàn quốc năm 2018.(Ảnh nhân vật cung cấp)
Năm 2006, quay lại CLB sau nửa năm vắng mặt, anh được cử đi tham dự giải thể thao người khuyết tật toàn quốc và giành 2 HCV. Năm 2007, sau khi mất xe lăn, anh lại tiếp tục giành 3 HCV ở Huế.
Niềm tự hào của gia đình
Chứng kiến nghị lực của con trai, ông Trần Phúc Tiến (bố anh Đạt) không giấu nổi niềm tự hào: "Suốt từ nhỏ đến lớn, Đạt đã luôn cố gắng để chứng minh cho mọi người thấy mình "tàn nhưng không phế" như lời Bác Hồ đã từng nói.
Đạt thiệt thòi hơn những người bình thường ở đôi chân, nhưng chính từ những thiệt thòi đó mà Đạt đã làm được những điều không phải người bình thường nào cũng làm được".
Bên cạnh nghiệp thể thao, anh Đạt cũng học sửa điện thoại di động để kiếm thêm một cái nghề cho sau này khi không còn tuổi thi đấu. Sáng đi tập, chiều về quán làm việc. Đến nay, quán sửa điện thoại di động của anh đã mở được 2 năm.
Cứ đến Tết âm lịch hằng năm, anh Đạt lại đóng cửa quán để cùng bố mẹ dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị đón năm mới. Thường CLB của anh sẽ nghỉ Tết theo lịch của Nhà nước. Anh sẽ cùng bố lên phố đào Nhật Tân ở Hà Nội để chọn mua một cây đào thật đẹp mang không khí Tết về nhà.
Tết năm nào anh Đạt cũng cùng bố gói và nấu bánh chưng xanh. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Đã nhiều năm trôi qua, nhưng có một điều mà anh Đạt vân luôn yêu thích nhất mỗi dịp xuân về, đó là được ngồi xem bố gói bánh chưng, trông nồi bánh chưng bên bếp lửa đỏ hồng vào những ngày cuối cùng của năm cũ. Đêm giao thừa, cả nhà 3 người ngồi quay quần trước tivi cùng xem Táo quân, cùng nhau đón mừng thời khắc đầu tiên của năm mới.
Nói về kỷ niệm đáng nhớ trong dịp Tết, anh Đạt chia sẻ: “Giáp Tết âm lịch năm 2008, tôi đang tham dự giải thể thao dành cho người khuyết tật tổ chức tại Thái Lan. Sau khi hoàn thành tất cả các nội dung thi đấu là chỉ muốn mau chóng về vì nhớ nhà, nhớ Tết, nhớ nồi bánh chưng của bố. Đến khi đặt chân về Việt Nam đã là 28/12 âm lịch. Trên đường về nhà, khắp đường phố đều là đào, quất… Bước vào cổng nhà mới thấy trong lòng vui sướng cỡ nào”.
Khó khăn không đầu hàng, thất bại không nản chí. Phía sau vinh quang của 38 tấm huy chương là mồ hôi, là cố gắng, là hi vọng về đôi chân được gửi gắm vào trong đó của anh Trần Phúc Đạt: "Người ta nói bị liệt chân thì làm sao chạy được. Nhưng tôi vẫn chạy được, bằng đôi tay, bằng nghị lực của mình".
Quỳnh Mai