Bỏng

Chỉ vì một phút sơ sẩy, lơ là của người lớn trẻ có thể bị bỏng trong ngày Tết. Trẻ có thể bị bỏng do nhiệt từ nước sôi, bô xe máy; bỏng điện… Trẻ thường bị hấp dẫn với các loại đèn trang trí, đèn nhấp nháy nếu chẳng may dây điện hở khi nghịch sẽ bị giật ngay. Do đó, cần hết sức để mắt đến trẻ. Khi nhà có khách phải tiếp trà nóng tránh để trẻ chơi gần, quanh bàn uống nước vì trẻ thường hay chạy nhảy.

Theo PGS, TS Hồ Thị Xuân Hương - Khoa Bỏng trẻ em, Viện Bỏng Quốc gia khi trẻ chẳng may bị bỏng nếu cha mẹ không biết cách xử lý sẽ dễ khiến con bị tật.

Điều trước tiên cần làm là nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi tác nhân gây bỏng. Nhanh chóng dùng nước lạnh dội liên tục vào vùng phỏng ít nhất 15 phút giúp giảm nhiệt, giảm đau, phù nề và độ sâu của vết thương.

 

Không dùng nước đá lạnh để làm mát vì có thể gây tổn thương da. Bởi khi bị bỏng, nhiệt độ trên da đang rất nóng việc đột ngột dội nước đá lạnh, nhất là ngâm sẽ làm hạ thân nhiệt, gây co cơ, cảm lạnh khiến việc cứu chữa và điều trị càng phức tạp hơn. Cũng tuyệt đối không dùng nước mắm, mật ong hoặc các phương thức dân gian để sơ cứu bỏng. Sau sơ cứu bỏng bằng ngâm nước vùng da bị bỏng, đưa bệnh nhi tới cơ sở y tế.

Trường hợp bỏng do lửa cháy trước tiên nên dùng nước hoặc cát, áo khoác, chăn hoặc vải bọc kín… để dập tắt lửa cháy. Xé bỏ phần áo quần đang cháy âm ỉ. Sau ngâm vùng bị bỏng vào nước nguội sạch hoặc xả nước cho vòi chảy nhẹ nhàng trong khoảng 15-20 phút. Dùng gạc vô khuẩn hoặc miếng vải sạch băng vùng bị bỏng rồi đưa đến cơ sở y tế.

Tai nạn về mắt

 

Tết đến, trẻ em thường có rất nhiều đồ chơi, đặc biệt có cả những loại đồ chơi như súng, phi tiêu, pháo nổ… hay những loại đồ vật có chi tiết sắc nhọn. Trẻ nhỏ thường đùa nghịch không có sự giám sát của người lớn vô tình chọc vật nhọn vào mắt nhau.

Các bác sỹ nhãn khoa khuyên, cha mẹ cần xem kỹ những ghi chú trên đồ chơi để lựa chọn cho trẻ. Tránh mua đồ chơi có những chi tiết nhọn, nhô ra hoặc có thể bắn ra được. Hãy để mắt tới trẻ để tránh nguy cơ gây chấn thương.

Nếu chẳng may bị tai nạn mắt cần lưu ý không nên ấn đè mạnh hay day dịt vết thương ở mắt. Không nên cố gắng tự lấy dị vật đang ở trên mắt. Không tự tra nhỏ thuốc hay tra thuốc mỡ vào mắt

Trong trường hợp bị tổn thương mắt vì bị bụi hay hóa chất bay vào cần nhanh chóng rửa mắt cho trẻ bằng nước sach, tốt nhất là nước muối sinh lý. Khi có dị vật bay vào không nên cố dụi mắt hay lấy ra bằng tay dễ làm hư giác mạc. Có thể nhúng mắt vào bát hoặc cốc nước, mở mắt to và chớp mắt vào lần để bụi trôi ra. Bị chất lỏng vào mắt gây bỏng nên rửa mắt dưới vòi nước khoảng 15 phút. Sau đó, nhanh chóng đưa trẻ tới bác sỹ chuyên khoa xử lý kịp thời.

Rối loạn tiêu hóa

Trong những ngày Tết, trẻ cũng dễ gặp phải trường hợp rối loạn tiêu hóa vì thói quen để trẻ ăn “tẹt ga”. Tuy nhiên, hệ tiêu hóa của trẻ thường yếu hơn người lớn. Ăn thức ăn hâm đi hâm lại nhiều lần, ăn quá nhiều thịt, thức uống có gas, thức ăn nhanh… không chú ý về vấn đề vệ sinh có thể làm cho bé bị rối loạn tiêu hóa, nôn ói, đau bụng, tiêu chảy. Bên cạnh, thói quen ăn uống thiếu cân bằng, món ăn ngày Tết thường ít rau, nhiều chất đạm và mỡ, cộng với giờ giấc sinh hoạt bị xáo trộn sẽ gây ra táo bón ở trẻ nhỏ.

Để tránh cho trẻ gặp vấn đề này, Ths. BS Lê Thị Hải – nguyên Giám đốc Trung tâm tư vấn dinh dưỡng (Viện Dinh Dưỡng quốc gia) cho rằng, cha mẹ cần lưu ý duy trì cho trẻ ăn đúng giờ và không bỏ bữa. Kiểm soát thức ăn trẻ nạp vào. Trong bữa ăn vẫn cần phải đầy đủ các nhóm thực phẩm, bổ sung rau củ, trái cây tươi, nước lọc, men tiêu hóa cho trẻ trong những ngày này.

Ngoài ra, tránh cho trẻ ăn nhiều bánh kẹo và chất ngọt, cũng như để những thực phẩm này xa tầm mắt của trẻ. Hạn chế các loại thực phẩm chiên rán, nhiều dầu mỡ, chất béo, thức ăn để qua đêm…

Hà My

Theo Giadinh.net.vn