Theo nhận định của nhiều chuyên gia, lượng dầu chảy vào hồ chứa cấp nước của Viwasupco không đơn giản là dầu thải bình thường. Và cũng chưa hẳn chỉ có chất styren có hàm lượng cao vượt ngưỡng cho phép như công bố...

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng việc công bố chỉ số hàm lượng styren cao vượt ngưỡng mà không thông tin những chỉ số khác của Viwasupco là "bất bình thường"?

Không hẳn là dầu thải bình thường?

Chiều 15/10, TP. Hà Nội đã công bố kết quả giám định và xác định mùi khó chịu, nồng nặc có trong nguồn nước của các hộ dân trong toàn bộ khu vực cấp nước của nhà máy nước sạch Sông Đà tại các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông… là do chất styren từ dầu thải gây ra, kết hợp với mùi nồng nặc của chất clo. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, kết quả này có gì đó bất thường?

Ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho hay, nguyên nhân chủ yếu khiến nước sạch của các hộ dân có mùi khó chịu là do hàm lượng styren từ dầu thải chảy tràn vào hệ thống cấp nước của Viwasupco vượt quá mức tiêu chuẩn cho phép. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, đó không đơn giản là dầu thải bình thường. Và cũng không hẳn chỉ có chất styren có hàm lượng cao vượt ngưỡng cho phép như công bố.

“Đây không hẳn dầu thải bình thường. Khả năng là dung môi hữu cơ để rửa những linh kiện ví dụ trong động cơ chẳng hạn, để làm sạch thì nó lẫn dầu thải chứ không hẳn là dầu bình thường, vì dầu bình thường làm gì có nhiều styren đến thế. Nếu là dầu thải bình thường, người ta vẫn còn tái sử dụng được”, Thạc sỹ Vũ Văn Tú, Viện Công nghệ môi trường, Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam nhận định.

Theo nhận định của Thạc sỹ Vũ Văn Tú, Viện Công nghệ môi trường, Viện Hàn lâm KH và CN Việt Nam thì lượng dầu đổ trộm và tràn vào hệ thống lấy nước của Viwasupco không đơn giản là dầu thải bình thường.

Cũng theo ông Tú thì, styren là một hợp chất hữu cơ, dạng lỏng không màu, nhẹ hơn nước, rất ít tan trong nước, dễ bay hơi và có vị hơi ngọt. Styren là chất được dùng để sản xuất polystyren và nhiều polyme khác hoặc làm dung môi trong pha chế sơn, hay rửa những vết dầu mỡ. Để xử lý chất thải này thì cần phải có lò đốt đặc biệt nhiệt độ cao và khống chế được quá trình tạo dioxin vì nó là những hợp chất hữu cơ chứa Clo khi đốt nếu như không khéo thì lại sinh ra dioxin.

Kết quả phân tích có bất thường?

Ở góc độ của một nhà khoa học, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, việc các cơ quan của Hà Nội đưa ra thông tin nguyên nhân nguồn nước sạch do Viwasupco cung cấp có mùi, ảnh hưởng đến sinh hoạt của nhiều hộ dân tại một số quận, huyện của TP. Hà Nội là do hàm lượng styren vượt ngưỡng cho phép là không chuẩn mực.

“Trong khi có rất nhiều thông tin cần phải công bố, ví dụ như chỉ số asen, nồng độ quy định trong tự nhiên là 100 micrôgam/lit. Mà styren chỉ có 20 micogam/lit, thuộc nhóm C, chỉ số thuộc nhóm A lại không công bố. Asen rất độc mà hàm lượng của nó là 100 microgam/lit mà không ai phân tích và đề cập đến.

Asen rất dễ bị nhiễm trong nước. Có điều gì đó bất bình thường. Hay những chỉ số quan trọng như Coliform, E.coli thì lại không thấy đề cập đến, trong khi rất cần trong vệ sinh an toàn thực phẩm. Độ đục, màu sắc, mùi vị lạ. Các chỉ số như tụ cầu vàng, trực khuẩn mủ xanh, amoniac..., hàm lượng đều cao hơn styren”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nêu quan điểm.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cũng cho rằng, việc Viwasupco "giấu nhẹm" thông tin về các chỉ số phân tích khác mà chỉ nêu hàm lượng Styren vượt ngưỡng cho phép thì chả có ý nghĩa gì?

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cũng cho rằng, nếu chỉ phân tích một lần thì kết quả chưa chắc đã chính xác mà cần phải phân tích nhiều lần và công bố một cách đầy đủ, khách quan các chỉ số. Việc “giấu nhẹm” thông tin về các chỉ số phân tích khác của Viwasupco, theo ông đó là điều “bất bình thường”?

“Sự việc lần này là 1 rủi ro rất lớn. Nguyên tắc là phải tuyệt đối an toàn cho nguồn nước đầu nguồn. Đó là trách nhiệm chính và nếu không làm được thì đóng cửa nhà máy. Việc công bố chỉ số styren chả có ý nghĩa gì”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nói.

Nếu quả thực những chỉ số phân tích về asen, coliform, E.coli, amoniac… đều ở mức cao hơn hẳn styren nhưng lại không được Viwasupco chỉ ra và công bố trong kết quả xét nghiệm thì việc “lấp liếm” thông tin này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hàng triệu khách hàng đang sử dụng nguồn nước sạch được cung cấp bởi đơn vị này.

Theo Reatimes