"Tất cả các dự án đầu tư xây dựng quanh khu vực này đều đã được chúng tôi nghiên cứu kỹ lưỡng và đặt ra những yêu cầu khắt khe đối với chủ đầu tư, đồng thời thường xuyên kiểm tra, kiểm soát quá trình triển khai thực hiện", ông Nguyễn Hồng Quang nhấn mạnh.

Dự án Khu du lịch sinh thái biển Cù Lao Chàm được cấp giấy chứng nhận đầu tư và báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) vào năm 2005 và 2006. Tới năm 2009, Cù Lao Chàm được công nhận trở thành Khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Theo điều 20 luật Bảo vệ môi trường, chủ dự án phải lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) trong các trường hợp sau: Không triển khai dự án trong thời gian 24 tháng kể từ thời điểm quyết định phê duyệt ĐTM; Thay đổi địa điểm thực hiện dự án so với phương án trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt; Tăng quy mô, công suất, thay đổi công nghệ làm tăng tác động xấu đến môi trường so với phương án trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt.

Như vậy, đối với trường hợp này, dự án đã triển khai trong 24 tháng kể từ thời điểm ĐTM được duyệt, hiện tại thi công theo quy hoạch và giấy phép được cấp, không thay đổi địa điểm, không tăng quy mô đầu tư; Chủ đầu tư cũng đã tuân thủ Nghị định 18/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ về việc Quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường.

Theo quy định của pháp luật, trường hợp này không cần phải làm lại ĐTM, nhưng tỉnh đã yêu cầu công ty Thương mại - đầu tư - du lịch Cù Lao Chàm vừa nghiêm túc chấp hành đầy đủ ĐTM được duyệt, đồng thời phải cập nhật thông tin về Khu dự trữ sinh quyển thế giới này để trong quá trình thực hiện dự án không gây tác động tiêu cực. Trước các yêu cầu của tỉnh, chủ đầu tư đều chấp hành nghiêm túc.

Chưa phát hiện xây dựng sai quy hoạch

Thưa ông, có thông tin về việc chủ đầu tư đưa máy móc san ủi xuyên vào những mảng rừng tự nhiên để mở đường vào khu du lịch thì sao, tỉnh có nắm được tình hình?

Trong quá trình kiểm tra, giám sát việc triển khai dự án, chúng tôi chưa phát hiện ra tình trạng xây dựng sai phép, sai quy hoạch.

Công ty Thương mại - đầu tư - du lịch Cù Lao Chàm thi công tuân thủ theo quy hoạch được duyệt tại QĐ số 2989/QĐ- UBND ngày 25/9/2007 của UBND tỉnh Quảng Nam về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết Khu du lịch sinh thái biển Cù Lao Chàm và theo diện tích đất được UBND tỉnh giao.

Theo QĐ 5007/QĐ-UBND về việc thu hồi đất cho công ty Thương mại - đầu tư - du lịch Cù Lao Chàm thuê đất xây dựng Khu du lịch sinh thái biển Cù Lao Chàm, các loại đất thuộc phạm vi dự án được quy định rất rõ như sau: đất mặt nước biển, đất hoang đồi núi, đất hoang bằng, đất lúa, đất màu. Không có bất cứ diện tích nào là đất rừng đặc dụng.

Ngoài chuyện đất rừng, có ý kiến lo ngại khi đi vào hoạt động, khu du lịch này sẽ lấy hết nguồn nước ngọt của dân đảo. Lo ngại này có cơ sở không?

Trước khi chấp thuận cấp phép đầu tư cho bất kỳ dự án nào, chúng tôi đều nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng mọi tác động về mội trường, sinh thái, đời sống người dân xung quanh…

Cụ thể đối với dự án Khu du lịch sinh thái biển Cù Lao Chàm, trong các quyết định phê duyệt quy hoạch, đều ghi rõ nguồn cung cấp nước chính là lấy từ nguồn nước tự chảy khu vực khe núi đá phía Bắc.

Việc khai thác nguồn nước ngầm sử dụng cho dự án (nếu có) phải hạn chế đến mức thấp nhất và chỉ khi thật cần thiết, các phương án khác không đảm bảo mới được sử dụng…

Còn để chuẩn bị hạ tầng lâu dài cho phát triển du lịch, tỉnh Quảng Nam đã có những bước đi vững chắc, trong đó có việc chuẩn bị sẵn nguồn nước ngọt. Tỉnh đang xây dựng hồ chứa nước với công suất 1.500m3/ ngày đêm dự kiến cuối năm 2018 sẽ hoàn thành.

Theo tính toán của chúng tôi và các đơn vị tư vấn, hồ chứa nước ngọt này sẽ đảm bảo đủ nước sinh hoạt cho toàn bộ 2.800 người dân trên đảo cũng như phục vụ các khu du lịch khi đi vào hoạt động. Bởi vậy, lo ngại về việc khu du lịch sinh thái Cù Lao Chàm sẽ lấy hết nguồn nước ngọt của người dân là không có cơ sở.

Cho phép đầu tư, Quảng Nam đã tính toán

Trước khi cấp phép xây dựng cho dự án, tỉnh có tính đến chuyện này không, thưa ông?

Mong muốn của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cũng như chính quyền và người dân Cù Lao Chàm là phát triển du lịch theo hướng bền vững, phát triển du lịch đi đôi với bảo tồn các giá trị vô giá của khu dự trữ sinh quyền thế giới Cù Lao Chàm.

Chúng tôi luôn lắng nghe ý kiến của chính quyền và người dân địa phương để đưa ra các quyết định phù hợp. Các cuộc họp bàn về việc triển khai hay kiểm tra các dự án ở đảo Cù Lao Chàm đều có sự tham gia của các đơn vị liên quan, trong đó có đại diện chính quyền địa phương.

Chúng tôi cũng phân cấp cụ thể cho các sở, ngành, chính quyền địa phương trong việc theo dõi sát quá trình triển khai xây dựng của các dự án du lịch ở Cù Lao Chàm cũng như tất cả các dự án trên địa bàn tỉnh.

Khu du lịch sinh thái Cù Lao Chàm khi đi vào hoạt động sẽ đem lại triển vọng như thế nào cho ngành du lịch tỉnh nhà?

Quảng Nam muốn phát triển mạnh du lịch thì phải có những dự án được đầu tư bài bản, nghiêm túc mới thu hút được du khách. Do đó, tất cả các dự án ở Cù Lao Chàm đều đang được triển khai theo hướng giảm tối đa tác động đến môi trường sinh thái, đảm bảo nghiêm ngặt việc bảo tồn, giữ gìn Khu dự trữ sinh quyền thế giới.

Quảng Nam quán triệt rất rõ nguyên tắc này và thường xuyên kiểm tra, giám sát quá trình triển khai của từng dự án.

Đối với dự án Khu du lịch sinh thái biển Cù Lao Chàm, chúng tôi được biết người thiết kế dự án này là kiến trúc sư Bill Bensley - người kiến tạo nên những khu nghỉ dưỡng sinh thái nổi tiếng trên thế giới. Ý tưởng thiết kế dự án đề cao việc bảo tồn, tôn trọng các giá trị thiên nhiên và con người, hạn chế việc can thiệp ít nhất vào tự nhiên, tận dụng và giữ những gì có sẵn.

Không chỉ về thiết kế kiến trúc, mà mật độ xây dựng và các vật liệu sử dụng tại dự án cũng thể hiện được sự hài hòa tối đa với thiên nhiên… Đó chính là những lý do thuyết phục địa phương trong việc đồng ý cho chủ đầu tư xây dựng dự án.

Chúng tôi rất kỳ vọng khi khu du lịch này đi vào hoạt động sẽ trở thành khu du lịch sinh thái đẳng cấp, không chỉ thu hút du khách trong và ngoài nước mà còn phục vụ các sự kiện lớn, trở thành một trong những biểu tượng du lịch của tỉnh Quảng Nam.

Như chúng ta đều biết, trong quá trình phát triển không thể không có bất cứ sự tác động nào đến môi trường, do vậy cần lựa chọn phương án để đảm bảo hài hòa giữa phát triển và bảo tồn, giữa lợi ích của nhân dân, Nhà nước và DN. Các quyết định cho phép đầu tư của tỉnh Quảng Nam đều đã dựa trên sự tính toán, cân nhắc đó.

Theo Reatimes.vn