Trong giai đoạn 2016 - 2020, chúng ta đã cổ phần hóa 180 DN với tổng giá trị 489.690 tỉ đồng (vốn nhà nước 233.792 tỉ đồng). Trong đó đã cổ phần hóa 39/128 DN thuộc danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định 26/2019, đạt 30% kế hoạch.
Riêng năm 2021 cổ phần hóa được 4 DN với tổng giá trị 333 tỉ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 196 tỉ đồng, gồm 3 DN thuộc Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển chè Nghệ An (không thuộc danh mục DN cổ phần hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt).
Trong 9 tháng đầu năm 2022 có 1 DN cổ phần hóa là Công ty TNHH MTV Phà An Giang với tổng giá trị DN là 309 tỉ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước 278 tỉ đồng.
Về thoái vốn nhà nước, trong năm 2021 đã thoái vốn tại 18 DN, thu về 4.402 tỉ đồng. Trong 9 tháng đầu năm 2022, các tập đoàn, tổng công ty, DN nhà nước thoái vốn tại các DN và thu về 2.289,5 tỉ đồng.
Quy mô vốn nhà nước, hiệu quả cổ phần hóa, thoái vốn đạt kết quả tích cực hơn giai đoạn 2011 - 2015. Giai đoạn 2016 - 2020, cả nước đã cổ phần hóa 180 DN với quy mô vốn nhà nước xác định lại tăng 23,3% so với giai đoạn 2011 - 2015 (189.509 tỉ đồng). Đã thoái 27.312 tỉ đồng vốn nhà nước, thu về 177.397 tỉ đồng, gấp 6,5 lần giá trị sổ sách, cao hơn so với giai đoạn 2011 - 2015 cả về giá trị và hiệu quả thoái vốn. Tổng số tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2016 - 2020 đạt trên 220.000 tỉ đồng, gấp 2,8 lần giai đoạn 2011 - 2015 (78.000 tỉ đồng).
Tuy nhiên, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn chậm so với kế hoạch đề ra, mới đạt 30% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Các DN chưa hoàn thành được gia hạn thời gian và tiếp tục triển khai trong năm 2021 đến nay nhưng tiến độ chưa đạt yêu cầu đề ra. Đặc biệt, do gặp nhiều vướng mắc, một số tập đoàn, tổng công ty quy mô lớn hiện vẫn chưa hoàn thành phê duyệt phương án sử dụng đất để tiến hành các bước tiếp theo.
Các bộ, ngành, địa phương phản ánh còn gặp vướng mắc trong triển khai thực hiện một số nội dung về sắp xếp, phê duyệt phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa, xác định giá trị quyền sử dụng đất, thương hiệu, truyền thống, văn hóa, lịch sử, giá trị DN, phần vốn để cổ phần hóa, thoái vốn… Nhiều DN chỉ đến khi cổ phần hóa mới thực hiện sắp xếp, xử lý đất đai theo quy định.
Việc lập, phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất chậm, gặp nhiều vướng mắc, đặc biệt là các thành phố lớn, dẫn đến làm chậm quá trình cổ phần hóa. Một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước và DN nhà nước chưa nghiêm túc, quyết liệt trong chỉ đạo và triển khai thực hiện. Còn hiện tượng sợ sai, không dám làm, viện dẫn các khó khăn, vướng mắc để chậm hoặc không thực hiện.
Nguồn: https://congly.vn/co-phan-hoa-thoai-von-moi-dat-30-ke-hoach-217227.html