Căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine có dấu hiệu hạ nhiệt trong tuần từ 14 - 18/3 khiến cho giá dầu tiếp tục xu hướng điều chỉnh. Sự kiện quan trọng trong tuần qua tác động mạnh đến tâm lý nhà đầu tư đó là Fed quyết định nâng lãi suất thêm 0,25% và phát đi tín hiệu có thể nâng lãi suất thêm 6 lần nữa trong năm nay để đối phó với lạm phát. Trong bối cảnh này, nhà đầu tư trong nước đã tỏ ra thận trọng thể hiện qua việc thanh khoản suy giảm dưới mức trung bình và các chỉ số chỉ tăng nhẹ tuần qua.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần 18/3, VN-Index đứng ở mức 1.469,1 điểm, tương ứng tăng 2,56 điểm (0,17%) so với phiên cuối tuần trước đó. HNX-Index tăng 9,01 điểm (2,04%) lên 451,21 điểm. UPCoM-Index tăng 0,67 điểm (0,58%) lên 116,04 điểm.
Bên cạnh sự nâng đỡ của nhóm cổ phiếu ngân hàng, dòng tiền trên thị trường có phần tập trung vào nhóm cổ phiếu bất động sản. Thống kê 121 cổ phiếu bất động sản giao dịch trên thị trường chứng khoán tuần qua có 72 mã tăng trong khi có 42 mã giảm giá.
Đứng đầu mức tăng giá ở nhóm bất động sản là NVT của Công ty Cổ phần Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay với gần 40%. Trong tuần, NVT đã có cả 5 phiên tăng trần liên tiếp từ mức 14.800 đồng/cp lên 20.650 đồng/cp. Không chỉ NVT, các cổ phiếu liên quan đến Công ty Cổ phần Nhựa Đồng Nai (DNP Corp) – doanh nghiệp do ông Vũ Đình Độ (sinh năm 1982) làm Chủ tịch HĐQT cũng đều tăng khá “sốc” trong thời gian gần đây. Các cổ phiếu thuộc nhóm này có JVC của Công ty Cổ phần Thiết bị Y tế Việt Nhật, VC9 của Công ty Cổ phần Xây dựng số 9, HUT của Công ty Cổ phần Tasco…
Đứng thứ 2 trong danh sách tăng giá ở nhóm bất động sản là một mã kém thanh khoản - HRB của Công ty Cổ phần Harec Đầu tư và Thương mại với 29,4%. Trong tuần qua, HRB chỉ giao dịch duy nhất trong phiên thứ Sáu với khối lượng khớp lệnh vỏn vẹn 500 đơn vị.
Cổ phiếu FDC của Công ty Cổ phần Ngoại thương và Phát triển Đầu tư TP.HCM (Fideco) cũng tăng trên 29% chỉ sau một tuần giao dịch. Mới đây, ngay trước thềm ĐHĐCĐ thường niên năm 2022, 3 lãnh đạo cấp cao của Fideco xin từ nhiệm gồm ông Trần Bảo Toàn - Chủ tịch HĐQT, ông Nguyễn Khánh Linh - Phó Chủ tịch HĐQT và ông Trần Cao Long – Thành viên Ban Kiểm soát. Cả 3 cá nhân đều không nêu rõ lý do từ nhiệm nhưng trong đơn của ông Toàn, ông cho rằng Fideco cần có đội ngũ, năng lực mới để phát triển trong giai đoạn tới.
Cổ phiếu DRH của Công ty Cổ phần DRH Holdings tăng giá gần 19%. 14/3 vừa qua là ngày giao dịch không hưởng quyền để thực hiện quyền mua cổ phiếu tỷ lệ 1:1. Cụ thể, DRH sẽ phát hành hơn 60 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:1, giá chào bán là 12.000 đồng/cổ phiếu. Vốn điều lệ của DRH dự kiến tăng từ 610 tỷ đồng lên 1.213 tỷ đồng.
Tương tự, HQC của Công ty Cổ phần Địa ốc Hoàng Quân có mức tăng gần 15% sau một tuần giao dịch. Đơn vị này mới công bố tài liệu ĐHĐCĐ thường niên năm 2022. Trong đó, công ty đặt kế hoạch doanh thu 1.085 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 165 tỷ đồng, tăng mạnh so với năm 2021.
Công ty cũng sẽ xin ý kiến cổ đông về phương án phát hành 130,7 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho 4 chủ nợ để hoán đổi 1.307 tỷ đồng nợ vay. Giá phát hành cổ phiếu riêng lẻ là 10.000 đồng/cổ phiếu.
Cùng với đó, hàng loạt cổ phiếu bất động sản thanh khoản cao như KHG của Công ty Cổ phần Tập đoàn Khải Hoàn Land, FLC của Tập đoàn FLC, HAR của Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Bất động sản An Dương Thảo Điền… cũng tăng giá tốt.
Ở chiều ngược lại, KOS của Công ty Cổ phần Kosy giao dịch tiêu cực và giảm mạnh nhất nhóm bất động sản với 8,6%. KOS giảm giá trong bối cảnh không có thông tin tiêu cực nào tác động. Khối lượng khớp lệnh bình quân của cổ phiếu này giảm 20% so với tuần trước và xuống mức hơn 345.000 đơn vị/phiên.
Hai cổ phiếu RCL của Công ty Cổ phần Địa ốc Chợ Lớn và BIG của Công ty Cổ phần Big Invest Group đều giảm trên 7% và có cùng điểm chung là thanh khoản duy trì ở mức rất thấp.
Trong danh sách giảm giá ở nhóm bất động sản, BII của Công ty Cổ phần Louis Land gây bất ngờ khi giảm 4,6%. Thanh khoản của BII cũng đi xuống mạnh với hơn 2,5 triệu đơn vị/phiên, trong khi tuần trước đó lên đến hơn 4,4 triệu đơn vị/phiên.
Ở nhóm cổ phiếu bất động sản vốn hóa lớn, DIG của Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng có biến động tích cực nhất khi tăng 8%. Bên cạnh đó, BCM của Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp và VRE của Công ty Cổ phần Vincom Retail tăng lần lượt 5% và 3,6%.
Trong khi đó, VHM của Công ty Cổ phần Vinhomes, VIC của Tập đoàn Vingroup, NVL của Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc No Va... đều có mức giảm giá nhẹ./.
Nguồn: https://reatimes.vn/co-phieu-bat-dong-san-hut-dong-tien-tro-lai-20201224000010678.html