Marketing đánh vào nỗi sợ hãi của người tiêu dùng
Trong nền kinh tế thị trường hiện đại, vai trò của truyền thông đặc biệt quan trọng, nhất là đối với nhiều doanh nghiệp bởi nó còn gắn liền với với việc phát triển thị phần, thị trường. Truyền thông giữ vai trò then chốt, quyết định tới sự tồn tại của doanh nghiệp nên các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là những đơn vị sản xuất đã đầu tư rất lớn cho các hoạt động này.
Trước kia, chỉ có các doanh nghiệp lớn mới thực sự quan tâm tới truyền thông nhưng giờ đây nó đã trở thành công cụ cho tất cả các đơn vị, ngay cả với các cơ sở, cá nhân cũng không bỏ qua phương pháp hiệu quả này.
Doanh nghiệp đã đến với truyền thông, sử dụng truyền thông ngày một đa dạng và phong phú, ngoài những cách tuyên truyền về sản phẩm của mình theo cách truyền thống như băng rôn, khẩu hiệu thì doanh nghiệp hiện nay sử dụng các kênh đa phương tiện khác như mạng xã hội, báo chí, truyền hình,… và phần lớn trong đó đều có những kết quả tốt, doanh thu tăng, uy tín tăng từ đó thương hiệu của doanh nghiệp cũng phát triển. Đây là khởi sắc mới cho các doanh nghiệp, cơ sở, cá nhân Việt Nam vì đã hội nhập theo kịp với cách thức bán hàng của quốc tế.
Điều kiện thương mại điện tử trên nền kỹ thuật số thâm nhập rất nhanh chóng vào Việt Nam đã mở ra những cơ hội quảng cáo bán hàng, truyền thông hàng hóa với số lượng ngày càng tăng thông qua các trang mạng xã hội.
Bên cạnh những doanh nghiệp, đơn vị nhỏ lẻ sử dụng truyền thông quảng bá sản phẩm của mình đúng với chất liệu hàng hóa, dịch vụ để tạo được niềm tin cho người tiêu dùng thì cũng có những đơn vị, cơ sở, cá nhân vì một mục đích nào đó đã biến truyền thông làm công cụ để thực hiện những điều sai trái nhằm thu lại lợi ích cho bản thân, doanh nghiệp của mình. Điển hình như thương hiệu Khải Silk, bán đồ Trung Quốc nhưng lại quảng cáo, truyền thông rằng mình bán những sản phẩm lụa dệt tơ tằm thủ công đặt ở các làng nghề truyền thống của Việt Nam. Hành động này được nhiều người gọi là “truyền thông bẩn”
Việc tuyên truyền quảng cáo trên các trang mạng xã hội này ngày càng dễ dàng khiến “truyền thông bẩn” bị lan rộng và sử dụng triệt để.
Cũng chính vì điều này, thời gian gần đây xã hội đang phải đối diện với nhiều đợt sóng thông tin dồn dập về những hiểm họa có thể xảy ra với mỗi người, từng gia đình. Đặc biệt, những vấn đề nguy hiểm liên quan tới sức khỏe, thực phẩm và môi trường đang hàng ngày xuất hiện khiến chúng ta thực sự hoảng sợ. Những cơn “chấn động” về vệ sinh an toàn thực phẩm, về tình trạng ung thư của người Việt Nam hay nguy cơ tử vong ở trẻ mắc bệnh sởi khi không được tiêm phòng…đang hàng ngày “bám” theo cuộc sống mỗi người từ khi thức dậy cho đến khi đi ngủ.
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nỗi sợ hãi là một bản năng tự nhiên của con người, giúp ta phản ứng với các mối đe dọa để gia tăng khả năng sống sót. Đồng thời, nỗi sợ hãi tạo ra tính cấp bách và thúc giục con người phải hành động để thay đổi hiện trạng.
Đáng chú ý, nếu như trước đây hầu hết những cơn sóng truyền thông được diễn ra tự nhiên, không có định hướng mà chỉ nhằm chuyển tải thực trạng xã hội thì ngày nay, phần lớn những câu chuyện này đã có xuất hiện trên thương hiệu và sản phẩm.
Ví dụ, câu chuyện ung thư dễ mắc bệnh như thế nào được rất nhiều người quan tâm trong thời gian gần đây. Chỉ cần thực hiện thao tác tìm kiếm “tầm soát ung thư” trên Internet là đã xuất hiện khoảng 9.340.000 kết quả (0,31 giây). Nhiều doanh nghiệp lợi dụng câu chuyện này để dẫn dắt khách đi đến sử dụng dịch vụ của họ. Từ khâu cảnh báo các dấu hiệu, biểu hiện nguy cơ bị mắc ung thư,…cho đến tác hại và nguy hiểm của căn bệnh này khi phát hiện ở giai đoạn muộn cũng được rất nhiều doanh nghiệp sử dụng để đánh đòn tâm lý khiến khách hàng lưu tâm đến cơ sở của họ và trải nghiệm dịch vụ mà không hề đắn đo về chi phí.
Con dao hai lưỡi của truyền thông đánh vào nỗi sợ hãi của người tiêu dùng
Một đơn vị, doanh nghiệp sử dụng truyền thông để đánh vào nỗi sợ hãi của người tiêu dùng thì có thể họ đạt được hiệu quả như mong muốn nhưng nếu nhìn ở một phương diện khác, doanh nghiệp chỉ tập trung khai thác nỗi sợ hãi để kinh doanh và quảng bá giới thiệu dịch vụ không đúng chất lượng, lừa dối người tiêu dùng thì sẽ dễ dẫn tới một kết quả là đánh mất niềm tin của khách hàng.
Một thực tế chúng ta có thể dễ nhận thấy hiện nay là nếu truyền thông mà lại luôn tìm mọi cách đi sâu vào những nỗi lo ngại, sự giận dữ, sợ hãi… thì xã hội con người sẽ trở nên bấn loạn, mất lòng tin và mất phương hướng. Và câu nói thường được mọi người hay hỏi nhau rằng: “Tôi biết tin vào cái gì”; “Tôi nên ăn gì”; “Đáng sợ quá”,…
Hơn nữa, khi các các sản phẩm, dịch vụ được sử dụng chiêu trò một cách quá lố, mặc dù nỗi sợ hãi là có thực, nhưng thay vì tìm cách khắc phục và giải quyết nỗi sợ hãi, nhãn hàng lại tìm mọi cách dùng số liệu, thông tin không trung thực hoặc thiếu kiểm chứng để làm bàn đạp. Chính điều này có thể sẽ rơi vào thế “gậy ông đập lưng ông”. Sự lạm dụng quá đà nỗi sợ hãi của người tiêu dùng sẽ phải trả một cái giá rất đắt, nhất là khi các các tổ chức và người tiêu dùng đều trở nên thông thái hơn, biết cách xử lý trước thông tin bất lợi hơn.
Hiện nay, truyền thông đánh vào nỗi sợ hãi của người tiêu dùng ngày càng có nhiều biến tướng. Các doanh nghiệp và thương hiệu đang phải đối mặt với nhiều tình huống phức tạp, có những trường hợp người đưa tin trên mạng không đúng sự thật, ảnh hưởng đến thương hiệu/danh tiếng của một công ty, một cá nhân. Có trường hợp “nói xấu” xuất phát từ một máy tính công cộng. Có trường hợp “nói xấu” trên Facebook nhưng cũng có những thông tin là gốc của sự thật.
Khi thông tin sai lệch xuất hiện trên công cụ tìm kiếm trên Internet, việc xử lý mất rất nhiều thời gian và tiền bạc. Trường hợp người đưa thông tin sai trên Facebook, thì đối tượng bị đưa thông tin sai đó sẽ yêu cầu dỡ bỏ. Nếu chưa thể làm rõ "trắng đen" thì đó là công việc của bộ phận quan hệ công chúng. Bộ phận này phải xử lý các thông tin đó sao cho thương hiệu của mình không bị ảnh hưởng.
Có thể nói truyền thông đánh vào nỗi sợ hãi của người tiêu dùng chính là những “con ký sinh trùng” được doanh nghiệp, cơ sở, cá nhân sử dụng để len lỏi, bám rễ vào cuộc sống, họ đánh vào nỗi đau của khách hàng để khiến mọi người cảm thấy hoang mang, sợ hãi mà tìm đến dịch vụ, sử dụng sản phẩm. Dù với mục đích gì thì truyền thông đánh vào nỗi sợ hãi của người tiêu dùng cũng là hành động trái với đạo đức.
Đón đọc kỳ tiếp theo: Những trò quái chiêu giăng bẫy khách hàng