Báo cáo một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV gửi đến Quốc hội ngày 4-6 cho biết, năm 2018 và quý I năm 2019, trong cả nước đã khởi tố hơn 244 vụ, 330 bị can về tội mua bán người, mua bán người dưới 16 tuổi.
Toà án các cấp đã xét xử 127 vụ, với 231 bị cáo phạm các tội về mua bán người. Tổ chức xác minh, giải cứu, tiếp nhận gần 1.900 trường hợp, trong đó, xác định 577 trường hợp là nạn nhân bị mua bán, còn lại là những người nhập cảnh, di cư trái phép; 100% nạn nhân tiếp nhận được hỗ trợ ban đầu, tư vấn tâm lý, khám sức khỏe, trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật.
Riêng về mua bán bào thai và mang thai hộ, Công an các địa phương đã làm rõ nhiều vụ việc xảy ra, xử lý nghiêm các đối tượng, điển hình như: Công an tỉnh Nghệ An phát hiện có 25 trường hợp phụ nữ dân tộc thiểu số ở huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An mang thai sang Trung Quốc sinh con, trong đó, đã xác minh làm rõ 05 trường hợp khai nhận sau khi sinh con đã bán lại bên Trung Quốc.
Lực lượng chức năng Việt Nam - Trung Quốc bàn giao nạn nhân bị mua bán qua biên giới (ảnh: ANTĐ) |
Công an tỉnh Quảng Ninh phát hiện 08 phụ nữ có nơi cư trú tại các tỉnh phía Nam mang thai hộ để đẻ thuê cho người Trung Quốc; Công an tỉnh Lạng Sơn phát hiện một số vụ việc các đối tượng bên Trung Quốc móc nối, liên lạc với một số đối tượng sinh sống tại tỉnh Nghệ An để tìm mua trẻ em, bào thai của những gia đình dân tộc thiểu số, sau đó, đi qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn để đưa sang Trung Quốc;
Công an Thành phố Hồ Chí Minh phát hiện 05 đối tượng là người Trung Quốc, 03 đối tượng là người Việt Nam tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại...
Theo Bộ Công an, trong các trường hợp này, chỉ có thể xử lý về hành vi tổ chức cho người khác mang thai hộ vì mục đích thương mại theo quy định tại Điều 187, Bộ luật hình sự hoặc nếu trường hợp người phụ nữ sau sinh con và bán ở nước ngoài thì xử lý về tội mua bán người dưới 16 tuổi quy định tại Điều 151, Bộ luật hình sự năm 2015.
Trong thời gian tới, Bộ Công an xác định tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình của Chính phủ phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016 – 2020; tổ chức rà soát các đường dây, đối tượng môi giới mua bán người, tổ chức cho phụ nữ ra nước ngoài mang thai hộ - mua bán bào thai để đấu tranh, triệt phá.
Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, nơi xảy ra tình trạng mua bán người, mang thai hộ - mua bán bào thai; thường xuyên thông báo phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người, mang thai hộ - mua bán bào thai để nhân dân cảnh giác, chủ động phòng ngừa...
Nguồn: https://phapluatxahoi.vn/cong-an-cac-dia-phuong-da-xu-ly-nhieu-vu-mua-ban-bao-thai-va-mang-thai-ho-150670.html