Thưa ông, sau một chặng đường chưa phải là dài nhưng tính tới thời điểm hiện tại, Capital House đã sở hữu 4 dự án xanh tạo nhiều dấu ấn trên thị trường bất động sản, đặc biệt là các dự án xanh trong phân khúc giá thấp và trung bình. Bằng kinh nghiệm thực tế khi xây dựng và đưa vào sử dụng các dự án, ông có tự tin về câu chuyện rẻ vẫn có thể xanh của Tập đoàn Capital House không?
Tôi vừa tham dự Hội thảo “Giá trị nhà ở xanh” – một sự kiện trong khuôn khổ Tuần lễ kiến trúc xanh Việt Nam 2018 và lần này tôi cũng đã mang tới câu chuyện phát triển các dự án xanh trong phân khúc nhà ở giá thấp và trung bình của Capital House. Tháng 3 sang năm, chúng tôi dự kiến tổ chức hội thảo Công trình xanh cho nhà ở giá thấp và trung bình.
Bằng những kinh nghiệm thực tiễn tại Capital House, chúng tôi luôn muốn nhấn mạnh với các chủ đầu tư khác là phân khúc nào cũng làm được xanh, kể cả nhà giá thấp, làm công trình xanh hoàn toàn không đội quá nhiều chi phí như định kiến của nhiều doanh nghiệp bất động sản.
Bài trình bày của tôi dù vào những phút cuối của hội thảo nhưng hội trường vẫn rất đông. Tôi thực sự bất ngờ vì mọi người rất chú ý lắng nghe và thảo luận sôi nổi trong phần hỏi đáp, tới gần 13h mà vẫn còn nhiều cánh tay giơ lên, trong khi chương trình dự kiến kết thúc lúc 12h.
Chúng tôi xin khẳng định một lần nữa, làm công trình xanh không hề đắt tiền. Tôi lấy ví dụ dự án EcoHome Phúc Lợi là một điển hình thực tế. Trong bài trình bày của mình, chúng tôi cũng đã nói rõ những hạng mục nào làm tăng thêm chi phí, hạng mục nào không tăng và cả những hạng mục giảm chi phí.
Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về những hạng mục làm giảm chi phí của công trình xanh mà Capital House đã thực hiện? Đây thực sự là một thông tin rất hấp dẫn cho các doanh nghiệp bất động sản muốn phát triển công trình xanh.
Thực tế làm công trình xanh với các biện pháp thông minh thậm chí có hạng mục còn thấp hơn so với công trình truyền thống. Chi phí được giảm thường chia làm hai hạng mục. Một là chi phí giảm cho tổng mức đầu tư công trình. Hai là chi phí vận hành.
Một vài ví dụ với các công trình xanh của Capital House, chúng tôi đã sử dụng tấm sàn rỗng. Đây là biện pháp kết cấu mới giúp tiết kiệm bê tông, cốt thép so với sàn truyền thống. Các hộp rỗng trong sàn đều làm bằng nhựa tái chế, cách âm, cách nhiệt tốt. Sàn rỗng không đắt hơn giá thành sàn truyền thống lại tiết kiệm vật liệu hơn, thời gian thi công nhanh hơn.
Ví dụ thứ hai là, chúng tôi dùng tấm tường thay tường truyền thống. Tấm tường này giúp cách âm, cách nhiệt tốt, sạch hơn tường gạch. Tiến độ thi công nhanh hơn. Nhân công sử dụng lại ít hơn. Đặc biệt, xét về hiệu quả kinh tế, tấm tường chỉ dày 100mm, mỏng hơn gạch nên tăng diện tích thông thuỷ căn hộ. Như vậy, chủ đầu tư được lợi về diện tích thương mại. Rõ ràng, việc ứng dụng vật liệu xanh này giúp chủ đầu tư không bị đội chi phí đầu tư mà còn được chi phí.
Ngoài ra, với những giải pháp công trình xanh giúp giảm tới 30% chi phí điện nước, chắc chắn người dân sẽ được hưởng lợi, có một cuộc sống thoải mái, tiện nghi và hài hoà với thiên nhiên hơn.
Thời gian vừa qua, ông đã có dịp tham quan, học hỏi rất nhiều các công trình xanh cũng như tham dự các hội thảo, hội nghị của các nước phát triển mạnh lĩnh vực xây dựng này. Trong quá trình tham quan, học hỏi nước ngoài, có những bài học thực tế nào ông muốn áp dụng cho Capital House tại Việt Nam?
Gần đây, tôi có tham quan một khu đô thị kiểu mẫu Fujisawa của Nhật, cách thủ đô Tokyo 60km. Khu đô thị này dùng 70% là năng lượng mặt trời để vận hành. Cả dự án từ dưới đất lên trên mái đều dùng năng lượng mặt trời. Trong mỗi nhà đều có bình ắc quy dự trữ khiến con người có thể chịu được động đất, sóng thần… và sống sót trong vòng 3 ngày vẫn có đầy đủ năng lượng. Hạ tầng của nó rất thông minh vì làm con người cảm thấy luôn an toàn từ hệ thống camera nhận diện khuôn mặt, chuyển động…
Tôi thực sự rất ấn tượng với khu đô thị này. Sắp tới với Capital House, công trình xanh không còn là công trình đơn lẻ. Tập đoàn sẽ phát triển đô thị xanh. Đặc biệt, đó là những khu đô thị vừa xanh, vừa thông minh. Hiện ai cũng nói về smart city và thường gắn với hai từ công nghệ. Tuy nhiên, smart city không hẳn là như thế. Smart city phải lấy con người làm trung tâm, phát triển rất nhân văn và nhân văn đúng nghĩa. Tất cả công nghệ hay hạ tầng gọi là thông minh thì phải phục vụ gì cho con người. Chuyện các hệ thống thông mình chỉ là một phần, quan trọng hơn, công trình đó phải hướng tới con người.
Là một người nghiên cứu sâu và trực tiếp tham gia thực hiện các dự án xanh, theo ông thách thức lớn nhất của một tập đoàn bất động sản Việt Nam khi làm một khu đô thị xanh và thông minh là gì?
Tôi cho rằng, thách thức lớn nhất là văn hóa và hiểu biết của cư dân còn hạn chế. Thực tế, không phải cư dân nào cũng thích các tiện ích của smart city. Có những tiện ích rất hay nhưng không biết cách dùng thành dở.
Tại Việt Nam, dữ liệu nghiên cứu lại rất ít, thậm chí là không có công trình nghiên cứu khoa học thực sự nào về lĩnh vực này. Có thể, chủ đầu tư phải tự làm nghiên cứu xã hội học, tự làm thống kê, chứ không có một đơn vị nào hỗ trợ. Những việc này rất mất công và tốn chi phí của chủ đầu tư.
Những người muốn dẫn đầu một xu hướng nào đó phải đối mặt với rất nhiều thách thức, đặc biệt là cuối cùng vẫn phải bán được hàng. Mình làm tốt nhưng khách hàng không thích thì cũng không ổn. Nhưng tôi vẫn tin vào thế hệ trẻ, họ sẽ cập nhật và có cái nhìn khác hơn. Thời gian tới, nhiều chương trình nâng cao nhận thức về công trình xanh được tổ chức sẽ dần làm thay đổi nhận thức của người dân về công trình xanh cũng như thông minh.
Tuy nhiên, Capital House có nhiều thuận lợi khi làm đô thị xanh, thông minh và có thể nói đây là cơ hội chứ không phải thách thức vì chúng tôi có một chuỗi giá trị từ đầu tư, phát triển dự án, thi công tới quản lý tòa nhà... Tất cả đã trở thành một vòng khép kín. Điều này có được nhờ tích lũy trong quá trình phát triển các dự án đơn lẻ trước đây của Capital House. Chúng tôi hoàn toàn tự tin vì đã có nhiều kinh nghiệm làm công trình xanh.
Chúng ta xây xong một công trình xanh, tiếp cận sang một khu đô thị có những điểm khác nhưng cũng có những điểm chung. Với kinh nghiệm sẵn có, chúng tôi hoàn toàn có thể cho ra đời một khu đô thị như thế trong tương lai gần.
Một công trình thông minh đương nhiên phải ứng dụng các công nghệ. Các chủ đầu tư chắc chắn phải tốn thêm một khoản chi phí phát sinh. Theo tính toán, một khu đô thị thông minh có làm đội chi phí đầu tư nhiều không thưa ông?
Chắc chắn đầu tư hạ tầng thông minh, chi phí phải đội lên nhưng đã là xu hướng chung thì chúng ta vẫn phải làm. Tuy nhiên, theo tính toán của chúng tôi, chi phí đội lên chỉ khoảng 5%.
Chúng ta muốn dẫn đầu thị trường, tạo điểm nhấn thì các chủ đầu tư sẽ bước qua con đường này. Xanh và thông minh là con đường bắt buộc phải đi vì đây là xu thế tất yếu của cả thế giới.
Để nói về sự hấp dẫn của một đô thị xanh và thông minh thì cần những tiêu chí đánh giá nào thưa ông?
Tiêu chí thì rất nhiều nhưng quan trọng nhất vẫn là con người. Con người sẽ cảm thấy như thế nào trong một khu đô thị như thế. Thực ra xanh với thông minh phải đi kèm với nhau. Xanh liên quan nhiều tới việc sử dụng tiết kiệm nguồn năng lượng, chất lượng không khí, vật liệu thân thiện… để đảm bảo tiện nghi, sức khỏe cho con người. Nhưng làm thế nào để vận hành giúp con người cảm thấy hạnh phúc thì rất quan trọng. Quay lại ví dụ về Khu đô thị Fujisawa của Nhật, ở đây họ có một hệ thống vận hành “hoàn hảo”, lấy con người làm trung tâm, và vì vậy chúng ta có thể thấy rõ người dân tự hào ra sao khi sống trong một khu đô thị như vậy.
Tại Việt Nam thì không hề dễ dàng chút nào. Ví dụ nhỏ thôi khi chúng tôi rất muốn tạo ra một khu đô thị mà người dân cùng biết cách phân loại rác chẳng hạn. Ai cũng biết việc phân loại rác tại nguồn quan trọng như thế nào. Tuy nhiên, việc này để thực hiện được không hề dễ dàng với rất nhiều công việc kéo theo. Chúng tôi thực sự muốn đưa vào những điều như vậy để làm cộng đồng thay đổi.
Cảm ơn ông đã chia sẻ!