Tin tức từ An ninh Thủ đô, sau nhiều thời gian trinh sát, nắm tình hình địa bàn, Đội Cảnh sát kinh tế CAQ Bắc Từ Liêm, Hà Nội, nhận thấy Công ty TNHH MTV Daeun Korea có nhiều biểu hiện nghi vấn kinh doanh đa cấp.
Cơ quan công an đã phối hợp cùng Đội Quản lý thị trường số 33 và CAP Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm, bất ngờ ập vào kiểm tra địa điểm kinh doanh của công ty tại số 2 Đức Diễn, phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Tại thời điểm kiểm tra, Giám đốc công ty không có mặt, bên trong công ty có khoảng 150 người đang nghe nhân viên quảng bá về chất lượng sản phẩm của công ty.
Theo tài liệu của cơ quan công an, để quảng bá cho sản phẩm, công ty sử dụng phương thức phát tờ rơi quanh địa chỉ hoạt động, mời người tiêu dùng đến dự hội thảo để nghe thuyết trình về chất lượng sản phẩm.
Mỗi ngày, công ty tổ chức 2 buổi thuyết trình trực tiếp nhưng đặc biệt chỉ cho phụ nữ lớn tuổi, không cho nam giới vào nghe. Cuối mỗi buổi thuyết trình, công ty thường tặng một số quà giá trị nhỏ, nên thu hút rất đông người tham gia.
Tổ công tác đã tiến hành kiểm tra đối với hàng hóa trong kho của công ty phát hiện trong kho hiện có 20 mã hàng chủ yếu là mỹ phẩm như dầu gội, nước xả vải, kem dưỡng da… và một số thực phẩm chức năng như cao hồng sâm, rễ hồng sâm, viên nén có ghi chữ Hàn Quốc nhưng không có giá niêm yết của từng sản phẩm.
Đối với mặt hàng mỹ phẩm, đại diện Công ty TNHH MTV Daeun Korea cũng không xuất trình được giấy chứng nhận về chất lượng sản phẩm của Bộ Y tế. Tổ công tác đã lập biên bản, thu giữ toàn bộ số hàng hóa nói trên để xử lý theo quy định.
Khi ông Nguyễn Thanh Phương là Phó Giám đốc Công ty xuất trình một số hóa đơn nhập hàng liên quan đến sản phẩm cao hồng sâm và nệm kim cương thì còn bất ngờ hơn vì giá nhập vào với giá bán ra chênh nhau 10 lần. Ví dụ như giá nhập của cao hồng sâm là 980.000 đồng được bán với giá 9,8 triệu đồng; nệm kim cương nhập với giá, 1,9 triệu đồng bán với giá 26 triệu đồng...
Tổ công tác đã lập biên bản, thu giữ toàn bộ số hàng hóa nói trên để xử lý theo quy định, tiếp tục điều tra mở rộng vụ việc.
Để quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, ngày 14/5/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 42/2014/NĐ-CP về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, đây được là hành lang pháp lý chặt chẽ nhằm siết chặt quản lý bán hàng đa cấp.
Trong đó, Chính phủ giao cho Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương là cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp. Nhưng trên thực tế, chính những công ty chưa được cấp giấy chứng nhận lại đang lập lờ, đánh lừa người dân về giấy phép của mình để hoạt động đa cấp.
Các hình thức bán hàng, huy động tiền theo kiểu đa cấp mọc lên ngày càng nhiều, phần lớn đều có dấu hiệu bất thường, hoạt động biến tướng.
Chiêu bài mà các đơn vị này thường sử dụng đó là “vẽ” lên những cơn sốt làm giàu một cách phi lý nhưng thực chất chỉ là hình thức người nộp tiền trước ăn “hoa hồng” của người nộp tiền sau. Nhiều công ty không ngần ngại từ chối trả tiền cho thành viên, thậm chí cử nhân viên bảo vệ đe dọa, hành hung nếu người bị hại có ý định đòi lại số tiền đã trót đầu tư.
Trước đó Thanh niên đưa tin, qui định theo Nghị định 124/2015 do Bộ Công thương ban hành và chính thức có hiệu lực từ ngày 5/1/2016. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng phải thực hiện khấu trừ tiền thuế thu nhập cá nhân của người tham gia bán hàng đa cấp để nộp thuế trước khi chi trả hoa hồng, tiền thưởng. Nếu doanh nghiệp không thực hiện sẽ bị phạt 20 triệu đồng.
Trong khi đó, người bán hàng đa cấp có quảng cáo không trung thực hoặc không chính xác về hàng hóa được chào bán thì cũng chỉ bị phạt 3 triệu đồng. Chỉ khi người này cung cấp thông tin sai lệnh hoặc gây nhầm lẫn về tính chất, công dụng của hàng hóa thì mới bị phạt đến 10 triệu đồng hoặc sẽ bị phạt đến 20 triệu đồng nếu lợi dụng chức vụ, quyền hạn, địa vị xã hội để yêu cầu người khác tham gia hoặc mua hàng hóa.
Theo Cục Quản lý cạnh tranh, đến giữa tháng 12/2015, có 63 công ty được cấp phép bán hàng đa cấp./.