Như PV đã phản ứng từ trước, thẩm mỹ viện Đông Nam Á là cơ sở làm ăn chưa được cấp phép hoạt động nhưng vẫn ngang nhiên thực hiện những dịch vụ như tiêm filler, phun xăm, tiểu phẫu,… đang từng ngày, từng giờ đe dọa sự an toàn, sức khỏe của khách hàng. Không chỉ vậy, thẩm mỹ viện này còn hoạt động "chui" tại tòa chung cư số 36 Phạm Hùng (Hà Nội), làm ảnh hưởng tới cuộc sống của cư dân ở đây.
Theo tìm hiểu của PV, chung cư cao tầng tại địa chỉ này có quy mô gồm 37 tầng nổi, trong đó có 2 tầng hầm, 4 tầng thương mại – dịch vụ và 32 tầng căn hộ. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc chỉ có 4 tầng được thiết kế, xây dựng để phục vụ cho mục đích làm văn phòng hay trụ sở để kinh doanh.
Tuy nhiên, hiện tại, cơ sở của Thẩm mỹ viện Đông Nam Á đang được đặt tại phòng 11A10, tầng 11A và tầng này không nằm trong diện phục vụ mục đích thương mại – dịch vụ.
Anh N.V.T., một nhân viên bảo vệ cho biết: “Rất nhiều người đến đây để lên chỗ thẩm mỹ viện nhưng họ không biết lối vào hầm nên đã để ngay bãi xe dành cho người đến mua sắm tại siêu thị. Bản thân chúng tôi đôi khi không thể kiểm soát được hết mọi người nên cứ nghĩ là khách hàng vào siêu thị và nhận giữ xe".
Cô N.N.H. (một cư dân sinh sống tại đây) cho biết: “Tôi cảm thấy rất bức xúc vì tại khu vực căn hộ dành cho cư dân, rất cần sự yên tĩnh thì khách hàng tới thẩm mỹ viện để làm dịch vụ quá đông, ồn ào và gây mất trật tự. Họ cười nói, bàn tán về việc làm đẹp. Ban đầu tôi cũng không biết đấy là thẩm mỹ viện vì không thấy treo biển hiệu gì”.
Nhiều người dân khác sống tại tòa nhà này cũng tỏ thái độ bất bình trước việc thẩm mỹ viện Đông Nam Á sử dụng căn hộ để kinh doanh vừa sai với mục đích thiết kế công năng vừa gây ảnh hưởng tới cuộc sống của họ.
Khoản 3, Điều 3 Luật Nhà ở 2014 quy định: Nhà chung cư là nhà có từ 2 tầng trở lên, có nhiều căn hộ, có lối đi, cầu thang chung, có phần sở hữu riêng, phần sở hữu chung và hệ thống công trình hạ tầng sử dụng chung cho các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức, bao gồm nhà chung cư được xây dựng với mục đích để ở và nhà chung cư được xây dựng có mục đích sử dụng hỗn hợp để ở và kinh doanh.
Theo đó, nếu là căn hộ chung cư được xây dựng chỉ với mục đích để ở thì tuyệt đối không được mua, thuê để sử dụng làm văn phòng giao dịch. Điều này cũng được khẳng định tại khoản 11, Điều 6 Luật Nhà ở 2014: “Cấm sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở”.
Giải đáp về vấn đề này, Luật sư Phạm Danh Tín (Giám đốc Văn phòng Luật sư Danh Tín - Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, nếu chung cư được xây dựng với mục đích sử dụng hỗn hợp để ở và để kinh doanh thì có thể sử dụng phần diện tích kinh doanh để mở văn phòng kinh doanh, giao dịch.
Tuy nhiên, cơ sở này có hành động kinh doanh tại địa điểm chỉ được phép dùng để ở, cũng đồng nghĩa với việc không tuân thủ luật định, như thế là bất hợp pháp.
Bên cạnh đó, kể cả nếu địa điểm đó có thể được sử dụng để kinh doanh, thì theo Luật Nhà ở 2014, không được kinh doanh vật liệu gây cháy, nổ, kinh doanh dịch vụ gây ô nhiễm môi trường, tiếng ồn hoặc các hoạt động khác làm ảnh hưởng đến cuộc sống của các hộ gia đình, cá nhân trong nhà chung cư (khoản 11 Điều 6). Nhưng cơ sở này đã gây ra sự ồn ào, khiến cho cuộc sống người dân bị ảnh hưởng, như vậy là cũng đã vi phạm vào điều luật đề ra.
Chính phủ đã có Nghị định 139/2017/NĐ-CP chính thức đề cập đến mức phạt với hành vi vi phạm quy định trên. Từ ngày 15/01/2018, hành vi sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở sẽ bị phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng.
Hiện tại, thẩm mỹ viện Đông Nam Á vẫn đang tiếp tục hoạt động công khai, thách thức dư luận.