Mặc dù đã lên kế hoạch, chuẩn bị đầy đủ cho ngày vui của gia đình, nhưng để chung tay đẩy lùi dịch Covid-19, một số gia đình đã chủ động hoãn tổ chức cưới. Còn một số gia đình khác lại chọn cách chỉ tổ chức đám hiếu, đám hỉ với quy mô nhỏ, trong nội bộ gia đình. Những việc làm tốt đẹp, văn minh đó đã tạo sự lan tỏa, nhận được sự ủng hộ trong cộng đồng.
Nét đẹp trong mùa dịch
Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang đã được thành phố Hà Nội triển khai trong nhiều năm qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng của đông đảo người dân trên địa bàn.
Cán bộ một cửa phường Thổ quan vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh trong mùa dịch. |
Trong những ngày dịch Covid -19 có những diễn biến phức tạp, Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” thành phố Hà Nội đã có văn bản đề nghị các quận, huyện, thị xã thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, phòng, chống dịch.
Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, nhiều gia đình ở Hà Nội đã chấp nhận “hi sinh” niềm vui riêng tư, ngừng việc tổ chức cưới rình rang, hạn chế người đến phúng viếng ở các đám tang cùng chung tay ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh.
Mặc dù vài tháng trước đây, gia đình anh Nguyễn Phi Hùng (phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm) đã ấn định lịch cưới vào khoảng giữa tháng 3. Theo đó, các công việc chuẩn bị cho ngày cưới từ gửi thiệp mời, lên phương án chuẩn bị cỗ, ảnh cưới đã được cô dâu, chú rể chuẩn bị rất kĩ lưỡng… Tuy nhiên, khi những ca bệnh lây lan trong cộng đồng xuất hiện, cách ngày cưới đúng một tuần, gia đình hai bên đã chủ động cùng ngồi lại bàn bạc với nhau rồi đi đến quyết định tạm hoãn tổ chức đám cưới. Vợ chồng anh chỉ đến phường thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn.
Anh Hùng cho biết, việc hoãn cưới ảnh hưởng lớn đến kinh phí do mọi thứ đã được đặt trước. Thế nhưng vì sức khỏe của cộng đồng, anh và vợ sắp cưới vẫn quyết định lùi lại. Mặc dù vẫn chưa xác định cụ thể ngày tổ chức cưới, nhưng anh Hùng chia sẻ, chắc chắn gia đình sẽ đợi đến khi hết dịch bệnh, mọi thứ ổn định trở lại thì mới tổ chức.
Cũng như vợ chồng anh Hùng, nhiều ngày nay, chị Đặng Thị Huyền (huyện Chương Mỹ) bận rộn thông báo cho người thân, bạn bè về việc hoãn cưới. Từ lịch ngày 1/5 như ban đầu, gia đình chị Huyền đã quyết định lùi lịch đến cuối tháng 11 với mong muốn sẽ nhận được sự chung vui của đông đảo của người thân và bạn bè.
“Đám cưới là dịp để bạn bè, người thân, họ hàng trong gia đình gặp mặt, chung vui nên nếu để mọi người đến chúc mừng trong tâm trạng lo lắng thì cũng chẳng vui gì. Hoãn cưới lúc này là việc làm văn minh để chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Có thể khi quy định giãn cách xã hội được nới lỏng thế nhưng chúng ta cũng không nên chủ quan. Chỉ khi nào thật sự an toàn thì ngày vui mới được trọn vẹn”, chị Huyền tâm sự.
Sự vào cuộc quyết liệt của các cấp cơ sở
Có thể thấy, ý thức chủ động tạm hoãn tổ chức lễ cưới trong mùa dịch của gia đình anh Hùng, chị̣ Huyền và nhiều gia đình khác là hành động đẹp. Đó là sự hưởng ứng kịp thời của người dân trong thời điểm Chính phủ, Thành phố yêu cầu không tổ chức các sự kiện tập trung đông người, qua đó thể hiện trách nhiệm chung tay vì sức khỏe cộng đồng.
Bên cạnh ý thức chủ động của mỗi người dân, mỗi gia đình, thời gian qua, các cấp chính quyền trên địa bàn Thành phố cũng tích cực tuyên truyền, phổ biến các thông tin về dịch bệnh đến người dân. Trong đó có thể để đến vai trò của cán bộ cơ sở là rất lớn.
“Trong thời gian tới, phường sẽ tiếp tục tuyên truyền để người dân nghiêm túc thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 31 của Thành uỷ Hà Nội. Yêu cầu cả hệ thống chính trị cũng như người dân vẫn phải tiếp tục kiên định kiểm soát đúng mức. Tiếp tục vận động người dân chấp hành giãn cách xã hội trong mọi trường hợp, tránh tình trạng chủ quan, lơi là khiến dịch bệnh có thể bùng phát trở lại”, bà Nguyễn Thị Anh Thu - Bí thư Đảng uỷ phường Thổ Quan chia sẻ. |
Bà Hồ Thị Minh Tâm, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Chủ tịch Hội người cao tuổi phường Đức Thắng (quận Bắc Từ Liêm) là một trong những thành viên trong Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của phường. Hơn ai hết bà hiểu rất rõ tầm quan trọng của việc tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch tới nhân dân để mọi người cùng nhau thực hiện, hạn chế dịch lây lan rộng trong cộng đồng.
Do đó, bên cạnh việc tuyên truyền người dân chủ động khai báo sức khỏe, đeo khẩu trang khi ra đường, tuân thủ biện pháp cách ly khi đi về từ vùng dịch, tiếp xúc với người nghi nhiễm… bà Tâm cũng chủ động tuyên truyền, vận động người dân không tụ tập đông người.
Từ sự vào cuộc tích cực đó, nhiều tháng nay, hầu hết người dân sinh sống trên địa bàn phường đều tuân thủ chấp hành các biện pháp chống dịch, đặc biệt là chủ trương tránh tụ tập đông người được chấp hành nghiêm chỉnh.
Điển hình mới đây, một gia đình tại tổ dân phố số 7 khi tổ chức đám giỗ 100 ngày đã quyết định chỉ gói gọn hai mâm cỗ cúng, sắp xếp ăn ở hai gia đình, tránh tập trung một nơi. Hay tại tổ dân phố số 8 có đám ma, nhưng cũng tổ chức gọn nhẹ, tuân thủ quy định không tụ tập đông người.
Trước tình hình Covid-19 nguy hiểm, khó lường, những cán bộ cấp xã, phường của Hà Nội đã gõ cửa tận nhà, rà từng ngõ để vận động người dân. Theo đó, tinh thần tránh tụ tập nơi đông người là biện pháp ngăn ngừa dịch được đặt lên hàng đầu. Vào cuộc quyết liệt ngay từ những ngày đầu, phường Thổ Quan (quận Đống Đa) cũng đã ban hành nhiều nghị quyết, công văn, kế hoạch tăng cường tuyên truyền vận động người dân nâng cao vai trò cộng đồng, gia đình trong phòng, chống dịch.
Khi Hà Nội xuất hiện trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên, phường đã chủ động phân công cán bộ một cửa vận động trực tiếp, gọi từng cuộc điện thoại vận động đến từng hộ dân, các cá nhân. Đối với lễ cưới, tiệc cưới chưa tổ chức thì vận động các gia đình điều chỉnh thời gian, hình thức, quy mô tổ chức. Với lễ cưới, tiệc cưới đã ấn định thời gian thì vận động gia đình tổ chức quy mô hẹp, trong nội bộ gia tộc; có thể dùng hình thức báo hỷ thay cho thiệp mời dự tiệc cưới.
Đối với việc tang gia, vận động gia đình không làm cỗ mời khách trong ngày tang lễ và những ngày tuần tiết. Các nghi lễ tảo mộ trong tiết thanh minh, yêu cầu không tập trung đông người, giữ khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người. Từ tháng 2 đến ngày 22/4, UBND phường Thổ Quan tiếp nhận 28 trường hợp đăng ký kết hôn và 29 trường hợp khai tử. Đa số người dân đều được tư vấn và 100% có ý thức chủ động tạm hoãn tổ chức lễ cưới, thực hiện việc tang văn minh.
“Trong thời gian tới, phường sẽ tiếp tục tuyên truyền để người dân nghiêm túc thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 31 của Thành uỷ Hà Nội. Yêu cầu cả hệ thống chính trị cũng như người dân vẫn phải tiếp tục kiên định kiểm soát đúng mức. Tiếp tục vận động người dân chấp hành giãn cách xã hội trong mọi trường hợp, tránh tình trạng chủ quan, lơi là khiến dịch bệnh có thể bùng phát trở lại”, bà Nguyễn Thị Anh Thu - Bí thư Đảng uỷ phường Thổ Quan chia sẻ.