Tạm ứng hạn ngạch 100.000 tấn gạo nhằm gỡ khó cho doanh nghiệp
Ngày 22/4, Văn phòng Chính phủ ra Thông báo 163/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về công tác triển khai, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xuất khẩu gạo trong bối cảnh dịch bệnh và hạn hán, xâm nhập mặn và giải pháp điều hành xuất khẩu gạo trong thời gian tới.
Theo Thông báo này, bảo đảm an ninh lương thực là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng liên quan đến ổn định đời sống nhân dân, bảo đảm an ninh, quốc phòng. Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp; bên cạnh đó, thời tiết, biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn, cũng đang diễn ra tại một số quốc gia và ở Đồng bằng sông Cửu Long, từ đó đã ảnh hưởng lớn đến an ninh lương thực của nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam.
Vì vậy, việc xuất khẩu gạo trong bối cảnh hiện nay cần phải xem xét kỹ lưỡng, thận trọng; trước hết phải bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đồng thời giảm thiểu việc gián đoạn chuỗi sản xuất cung ứng lúa gạo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người nông dân và các tổ chức kinh doanh có liên quan.
Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo tại văn bản số 2827/VPCP-KTTH ngày 10/4/2020. Các Bộ: Công Thương, Tài chính và các cơ quan liên quan đã triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trong quá trình triển khai thực hiện, các cơ quan truyền thông, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam, một số địa phương và doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã có nhiều ý kiến phản ánh về việc triển khai của các Bộ, cơ quan còn bất cập trong tổ chức đăng ký hạn ngạch xuất khẩu gạo tháng 4/2020 cũng như sự phối hợp thiếu chặt chẽ giữa Bộ Công Thương và Bộ Tài chính.
Việc này đã ảnh hưởng không tốt đến nỗ lực của Đảng và Nhà nước trong công cuộc phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm đời sống người dân và tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Bộ Công Thương, Bộ Tài chính cần nghiêm túc rút kinh nghiệm để bảo đảm việc triển khai một cách hiệu quả nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ giao.
Để việc xuất khẩu gạo trong thời gian tới không ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia nhưng vẫn bảo đảm quyền lợi của người sản xuất và các doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương thực hiện như sau:
- Cho phép tạm ứng trước hạn ngạch xuất khẩu gạo là 100.000 tấn để xử lý cho các doanh nghiệp có gạo đưa vào cảng trước ngày 24/3/2020 nhưng chưa đăng ký tờ khai hải quan được xác nhận bởi doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh cảng, cơ quan hải quan. Giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để triển khai thực hiện cụ thể; bảo đảm tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 2827/VPCP-KTTH. Bộ Công Thương, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan thanh tra, kiểm tra về việc triển khai nhiệm vụ này, bảo đảm chặt chẽ, công khai, minh bạch, không để xảy ra tiêu cực trục lợi chính sách.
- Đối với các doanh nghiệp đã được mở tờ khai hải quan xuất khẩu gạo (trong phạm vi 400.000 tấn), Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện rà soát, kiểm tra để phát hiện doanh nghiệp khai khống không có hàng (đăng ký hạn ngạch nhưng chưa có gạo); trên cơ sở đó xử lý cho phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và quy định của pháp luật.
Nên chủ động đón "sóng" tăng giá
Trước đó, khi Bộ Công thương đề xuất tạm dừng xuất khẩu gạo, nhiều chuyên gia nông nghiệp, doanh nghiệp đã nhắc tới bài học khủng hoảng năm 2008. Theo TS. Nguyễn Đức Thành, cố vấn trưởng, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách Việt Nam, thành viên Liên minh Chính sách Nông nghiệp Việt Nam, năm 2008, thị trường gạo cũng có những biến động lớn về nhu cầu và giá cả. Giá gạo thế giới tăng cao từ đầu năm và đến khoảng tháng 4 - 5 thì giá tăng dữ dội (theo thống kê của GSO, chỉ trong 1 tháng, từ tháng 4 sang tháng 5, giá gạo trong nước đã tăng thêm 36%). Giá gạo thế giới cũng tăng chóng mặt và nguy cơ thiếu hụt gạo hiện hữu toàn cầu.
Khi đó, Việt Nam đã vội vã đóng cửa thị trường xuất khẩu gạo để bảo vệ thị trường trong nước. Sau khi cơn sốt gạo qua đi, mọi việc trở lại bình thường, thậm chí giá gạo lại xuống thấp theo các chu kỳ lên xuống của ngành hàng nông nghiệp.
Ngoài ra, vị chuyên gia này còn cho rằng, gạo là mặt hàng Việt Nam có thể chủ động nguồn cung trong những chu trình ngắn hạn (3 - 4 tháng) nên khi nhu cầu lúa gạo thế giới đột ngột tăng cao, Việt Nam nên tranh thủ đón ít nhất là sóng đầu tiên.
“Việt Nam nên bình tĩnh, chủ động với đợt sóng tăng giá/tăng lượng mua này và xuất khẩu gạo theo làn sóng đó để thu lợi nhuận. Giá cả và nhu cầu có thể tăng dần, thậm chí tăng mạnh, trong các tháng 4 - 5, chúng ta vẫn nên chủ động đi theo con sóng đó”, ông Thành khuyến nghị.
Tất nhiên khi giá xuất khẩu tăng, giá gạo trong nước cũng có khuynh hướng tăng theo. Nhưng ông Thành cho rằng việc tăng giá gạo nội địa cơ bản là lợi nhiều hơn hại, vì tầng lớp được hưởng lợi căn bản vẫn là nông dân và ngành nông nghiệp. Các nhóm khác có thể bị thiệt vì giá gạo tăng lên, nhưng gạo chỉ chiếm một tỷ trọng tương đối nhỏ trong ngân sách của họ.
Cũng theo TS. Nguyễn Đức Thành, nếu đến mùa sau, khi việc cung ứng gạo trong nước có dấu hiệu mất cân đối trầm trọng, đặc biệt với tình hình sản lượng giảm do điều kiện thời tiết (nhưng sản lượng này vẫn sẽ luôn luôn lớn hơn tổng lượng tiêu thụ nội địa), thì lúc đó mới cần cân nhắc điều tiết xuất khẩu.