Liên quan đến thông tin uống siro làm tăng nồng độ cồn, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, đối với việc sử dụng hoa quả hoặc uống siro, Cục đã tổ chức hơn 150 lần lấy mẫu xét nghiệm và đều cho ra kết quả là không làm tăng nồng độ cồn.
Ngày 9-1-2020, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, từ ngày 1 đến 9-1-2020, lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc đã kiểm tra, phát hiện, xử lý 3.785 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền hơn 12,5 tỷ đồng. Trong đó, một số địa phương có kết quả xử lý vi phạm nồng độ cồn cao như: Tây Ninh (308 trường hợp), Đắk Lắk (214 trường hợp), Bắc Giang (203 trường hợp), thành phố Hồ Chí Minh (182 trường hợp), Vĩnh Phúc (145 trường hợp), Quảng Ninh (135 trường hợp), Gia Lai (133 trường hợp), Hà Nội (129 trường hợp), Thanh Hóa (114 trường hợp)…
Liên quan đến thông tin uống siro làm hơi thở có nồng độ cồn, Cục Cảnh sát giao thông khẳng định, đối với việc sử dụng hoa quả hoặc uống siro, cơ quan chức năng đã tổ chức hơn 150 lần lấy mẫu xét nghiệm và đều cho ra kết quả là không có nồng độ cồn. Trung tướng Đỗ Vũ Anh Dũng, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông cho biết, chỉ khoảng 5 phút sau khi sử dụng hoa quả hay siro sẽ không còn nồng độ cồn trong hơi thở.
Về việc người dân lo ngại sẽ xảy ra tiêu cực trong quá trình xử lý vi phạm nồng độ cồn, Cục Cảnh sát giao thông nêu rõ, Đảng, Nhà nước và ngành Công an đã có nhiều biện pháp phòng, chống tham nhũng. Người dân cũng được ghi hình, giám sát cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ. Hơn nữa, việc kiểm tra nồng độ cồn có tổ công tác với nhiều bộ phận trong lực lượng công an tham gia và được ghi hình nên khó xảy ra tiêu cực.
Theo quy định, chỉ lực lượng cảnh sát giao thông được yêu cầu dừng xe để kiểm tra; chỉ dừng khi có dấu hiệu vi phạm hoặc khi có lệnh của cấp chỉ huy trưởng của chuyên đề xử lý đang thực hiện.