Tác động của dịch Covid-19 khiến các cửa hàng phải tạm ngừng hoạt động kinh doanh, trả lại cửa hàng. Thị trường mặt bằng cho thuê vì thế cũng trở nên đìu hiu, vắng khách. Cùng nhau chia sẻ là cách mà cả người cho thuê mặt bằng và người đi thuê đang tính toán để vượt qua khó khăn.
Từ đầu tháng 2-2020, khi thời hạn hợp đồng cho thuê nhà chỉ còn 2 tháng, anh Lê Đức Hậu, ở phố Ngụy Như Kon Tum (quận Thanh Xuân) đã gặp gỡ bên thuê nhà là Công ty TNHH Thiên Ân để thương thảo hợp đồng. Hợp đồng cũ đã qua 3 năm nên lần này, anh Hậu muốn tăng giá thuê 20-30% so với mức trước đó. Mức giá này cũng đã được khách hàng đồng ý.
Tuy nhiên, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nên Công ty TNHH Thiên Ân thiếu nguyên vật liệu sản xuất. Đơn hàng mới không có, đơn hàng cũ cũng đang nằm chờ, nên doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Vì thế, chủ doanh nghiệp này đã đề nghị anh Hậu giữ nguyên mức giá thuê cũ đến hết năm 2020, trả tiền thuê nhà 3 tháng thay vì 6 tháng như trước đó. Đề nghị này đã được anh Hậu chấp thuận.
Thiên Ân thuộc nhóm doanh nghiệp vẫn còn tiềm lực để cầm cự khi dịch Covid-19 kéo dài. Đến thời điểm này, doanh thu của nhiều doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ sụt giảm trông thấy; nhiều đơn vị, hộ kinh doanh đã tạm dừng hoạt động, trả lại mặt bằng để giảm bớt chi phí. Tại nhiều tuyến phố như Thái Hà, Phố Huế, Lương Văn Can, Hàng Gai, Hàng Bông,… không khó bắt gặp những tấm biển cho thuê cửa hàng.
Thời điểm này, ngay cả các doanh nghiệp lớn, thuê mặt bằng tại các trung tâm thương mại như Vincom, Aeon, Big C cũng trong tình trạng khó khăn. Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10-CTCP Thân Đức Việt cho biết, với 250 điểm kinh doanh trên cả nước, tổng công ty đang phải “oằn mình” với các khoản chi phí, trong đó có tiền thuê mặt bằng.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nhận định, bán lẻ là một trong những ngành bị ảnh hưởng khá mạnh từ dịch Covid-19. Người tiêu dùng mua sắm với tần suất thấp hơn so với trước. Đánh giá này của ông Phú cũng trùng với thống kê của Aeon Việt Nam khi đơn vị này cho biết, 2 tháng qua số lượng khách đã giảm 20-35%, sức tiêu thụ các mặt hàng đều chậm lại. Còn theo công bố của hệ thống siêu thị Media Mart, doanh thu nhóm hàng điện máy giảm 30-40%.
Trong tình thế đó, nếu phía cho thuê không giảm giá thì buộc các đối tác phải giảm nhân viên, thậm chí phá sản và trả lại mặt bằng. Thời điểm này, không dễ để tìm khách hàng thay thế thuê lại mặt bằng, thậm chí, giá thuê mới sẽ thấp hơn giá thuê hiện tại.
Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định, sau làn sóng trả lại mặt bằng này, giá cho thuê có thể giảm xuống, những người có nguồn tài chính vừa phải cũng có thể tham gia kinh doanh. Đây rõ ràng là cơ hội thúc đẩy nền kinh tế phát triển tốt hơn.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng cần phải đề phòng và tính đến những tình huống khó khăn nhất.
Hiện, nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể vẫn đang được nhiều chủ nhà, đối tác cho thuê chia sẻ và có những biện pháp hỗ trợ tùy điều kiện, mức độ. Trong số này, Công ty cổ phần Vincom Retail (đơn vị quản lý các trung tâm thương mại Vincom) vừa công bố dành 300 tỷ đồng hỗ trợ giảm chi phí thuê mặt bằng cho các đối tác. Hay Tập đoàn Hưng Thịnh cũng đã triển khai chương trình hỗ trợ giảm giá thuê mặt bằng từ 20% đến 40% tại các dự án do tập đoàn và các đơn vị thành viên làm chủ đầu tư, thời gian hỗ trợ tùy thuộc vào diễn biến của dịch Covid-19...
Rõ ràng, những hành động này không chỉ có giá trị về mặt kinh tế mà còn thể hiện sự tương trợ lẫn nhau để vượt qua khó khăn trước mắt và cùng phát triển trong tương lai.