Nhận diện đúng giá trị của di sản
Những công trình kiến trúc cổ và nghệ thuật đã trải qua hàng trăm năm lịch sử, phục vụ cho đời sống xã hội, thế nhưng khi chúng không còn được sử dụng thì trong quá trình đô thị hóa lại thường bị xem là xuống cấp, trái với quy hoạch, từ đó mà dần bị phá bỏ.
Nhiều năm qua, "cuộc chiến" tranh luận về di sản kiến trúc giữa các chuyên gia, các nhà quản lý, nhà quy hoạch và cả người dân vẫn chưa có hồi kết.
Nếu công trình kiến trúc đã được xếp hạng di sản thì sẽ có cơ chế bảo tồn, còn đối với những công trình kiến trúc có giá trị nhưng lại chưa được xếp hạng di sản thì không có cơ chế bảo tồn, thậm chí còn phải đối mặt với muôn vàn nỗi lo bị lấn chiếm, bị tàn phá bất cứ lúc nào.
Câu chuyện ứng xử với di tích lịch sử, văn hóa bấy lâu nay luôn là vấn đề được dư luận hết sức quan tâm. Bởi lẽ giá trị di sản không chỉ ở tính lịch sử, văn hóa mà còn ở tuổi đời của nó thể hiện qua chất liệu và dấu thời gian, ở không gian sinh tồn được hình thành từ khi nó xuất hiện. Di sản chỉ phát huy giá trị vốn có của nó khi đảm bảo được các tiêu chí đó.
Do đó, ứng xử với di sản không chỉ là việc trùng tu, tôn tạo mà còn là chuyện khai thác giá trị của nó phục vụ nhu cầu tìm hiểu lịch sử, nhu cầu tâm linh và sinh hoạt văn hóa của người dân.
Theo TS. KTS. Trương Ngọc Lân, Phó Trưởng khoa Kiến trúc và Quy hoạch Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, có một thực tế là ở Việt Nam có những công trình có giá trị di sản trong giới làm nghề, được quần chúng nhìn nhận nhưng chưa hoặc không được xếp hạng là di sản nên không được bảo vệ và phát huy đúng đắn, mặc dù chúng rất được yêu mến. Những công trình này thường nằm trong “vùng mờ” vô tình bị bỏ quên.
Hơn nữa, theo ông Lân, di sản công nghiệp vẫn còn là một điều quá xa lạ ở Việt Nam. Các nhà máy cổ chưa bao giờ được đánh giá nghiêm túc về giá trị di sản kiến trúc đô thị và xem như thứ đáng phải cân nhắc giữ gìn.
Cũng theo chuyên gia này, công tác bảo tồn, duy tu, tôn tạo các công trình có lối kiến trúc Pháp tại Thủ đô chưa được hoàn chỉnh do các công trình thuộc quyền sở hữu của nhiều cá nhân, tập thể, tổ chức, tư nhân… khác nhau. Những chủ sở hữu này chưa thực sự hiểu hết về những giá trị di sản mà họ sở hữu, cũng như việc có rất nhiều công trình kiến trúc chưa được xếp hạng. Theo dòng thời gian, sang tên đổi chủ… hầu hết các công trình đều bị biến đổi so với ban đầu, thậm chí có những công trình bị phá hủy gần như hoàn toàn.
Điển hình hiện nay như một số các công trình Trạm phát sóng Bạch Mai (tại ngõ 128C Đại La, Hà Nội), công trình tòa Pháp cổ (61 Trần Phú, Hà Nội)… đều là những công trình không chỉ mang ý nghĩa lịch sử mà còn là một công trình kiến trúc đẹp của Pháp, có tuổi đời cao nhưng lại phải biến mất để nhường không gian cho những dự án phát triển mới.
Mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển di sản kiến trúc không còn xa lạ nữa mà thay vào đó, nó đã và đang có tác động trực tiếp tới cả đời sống kinh tế và tinh thần chúng ta. Do đó, chúng ta cần phải ứng xử thế nào cho phù hợp với những di sản kiến trúc? Liệu có phương pháp nào để vừa thỏa mãm nhu cầu phát triển, đổi mới, vừa giữ gìn được nét đẹp lịch sử và văn hóa?
Ứng xử từ tham chiếu nước ngoài
Trên thế giới nhiều công trình như nhà máy, xí nghiệp, bến tàu, bến cảng… theo thời gian mà trở nên cũ kỹ, lạc hậu và không còn sử dụng nhưng lại ẩn chứa trong mình những giá trị, mang những ý nghĩa kiến trúc… Đã có rất nhiều công trình được bảo tồn, tái tạo thành bảo tàng, sân khấu biểu diễn, tổ hợp văn hóa… đã thu hút rất nhiều khách du lịch, trở thành yếu tố góp phần phát triển du lịch văn hóa ở nhiều quốc gia.
Theo TS. KTS. Trương Ngọc Lân, tại một số quốc gia, họ có những ràng buộc bởi luật, pháp luật rõ ràng và chi tiết, người dân vẫn có thể khai thác hiệu quả kinh tế, xã hội từ những công trình đó, đồng thời bảo tồn, gìn giữ phần “hồn cốt”, cốt lõi của công trình kiến trúc. Đó là mô hình “bảo tồn thích ứng” – gìn giữ và bảo vệ giá trị kiến trúc nhưng phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh thực tế của xã hội. Đây là mô hình rất hay mà Việt Nam nên học tập.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, các di sản kiến trúc mới chỉ manh nha và đang trong quá trình phát triển. Đã có không ít những di sản bị bỏ lỡ, phá vỡ. Thực tế này, đòi hỏi thay đổi nhận thức về các công trình có giá trị di sản, trong đó cần có sự phối hợp giữa các bên, giữa các nhà chuyên môn, các nhà quản lý, các tổ chức xã hội với những nhà đầu tư thì mới có thể bảo vệ được.
TS. KTS. Tô Kiên, Quy hoạch sư Cao cấp kiêm Quản lý Ban Quốc tế, Tập đoàn EJEC cho hay, không chỉ tại Việt Nam mà các nước trên thế giới đều có chung câu hỏi là làm sao để cân bằng, hài hòa giữa bảo tồn và phát triển các công trình kiến trúc, tạo được sự cộng sinh?
Ông Kiên cho biết, cả Singapore, Nhật Bản và Việt Nam đều có những nét tương đồng như có các thể loại công trình lịch sử văn hóa đa dạng của nhiều thời kỳ, có tương tác với văn hóa phương Tây và để lại các công trình mang phong cách thuộc địa, phần nào có sự tương đồng về tư duy, quản trị xã hội mang tính tập quyền và “top-down” kiểu Châu. Bên cạnh đó, các công trình đều trải qua tàn phá chiến tranh và phục hồi hậu chiến, đều kinh qua quá trình đô thị hóa và hiện đại hóa nhanh dưới tác động của thị trường.
Cũng theo TS. KTS. Tô Kiên, trong công tác bảo tồn, Singapore đại diện cho sự thành công của cách tiếp cận bảo tồn mang tính thỏa hiệp, thực dụng, khôn ngoan và hiệu quả, còn Nhật Bản đại diện cho lối tiếp cận bảo tồn chuẩn mực, nghiêm ngặt và mền dẻo có điều kiện. Đó sẽ là những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.
Ths. KTS. Lê Quang, Nhà sáng lập Công ty thiết kế Lequang-architect-s cho rằng, Việt Nam nên học hỏi về vấn đề quản lý và bảo tồn di sản của các nước, đó là sự cần thiết của việc lưu trữ và cập nhật dữ liệu. Nếu không có các hệ thống dữ liệu, phân tích về quá trình hình thành, tồn tại và phát triển của các công trình thì rất khó để khẳng định các công trình đó có phải là di sản hay không.
Ông Quang cũng lấy ví dụ về quản lý quy hoạch tại Thành phố Berlin (Đức) với những bản đồ quy hoạch cực kỳ chi tiết. Những bản đồ này giúp cho các chuyên gia, các nhà quản lý, kiến trúc sư... có thể nắm bắt được tình hình phát triển của thành phố qua từng giai đoạn, định hướng thiết kế các công trình mới và bảo tồn các công trình mang tính di sản một cách có hệ thống.
Ngoài ra, Việt Nam cũng nên có nguồn kinh phí để bảo tồn cho các di tích chưa có "danh hiệu". Điển hình như ở New Zealand, có Quỹ Bảo tồn di sản quốc gia, có thể tài trợ đến 50% giá trị sửa chữa, bảo tồn công trình. Ngân sách này được duyệt dựa trên các tiêu chí như tầm quan trọng quốc gia của di tích, lợi ích công cộng mà di tích mang lại, mức độ khẩn cấp, yêu cầu bảo tồn và hiệu quả của ngân sách bỏ ra. Bên cạnh đó, có các tiêu chí phụ để xem xét như sự quan tâm của cộng đồng, phân bổ địa lý, phân loại di tích.
Từ kinh nghiệm tại New Zealand cho thấy, không chỉ nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước hay chủ sở hữu mới bảo tồn được, mà nguồn kinh phí có thể huy động từ doanh nghiệp du lịch, cộng đồng và các nhà hảo tâm.
Nếu chúng ta tiếp tục bỏ lỡ những di sản nằm trong "vùng mờ", chưa được định danh, sẽ bỏ lỡ những giá trị kiến trúc, nghệ thuật, lịch sử không thể lấy lại lần nữa. Mà điều quan trọng là cần bảo tồn và phát huy những giá trị đó, Việt Nam có thể học tập rất nhiều cách ứng xử với các di sản kiến trúc trên thế giới khác nhau, tuy nhiên, cần lựa chọn ứng xử sao cho phù hợp để cân bằng giữa nhu cầu phát triển, đổi mới với nhu cầu gìn giữ, bảo vệ những giá trị tốt đẹp./.
Nguồn: https://reatimes.vn/cuoc-chien-di-san-kien-truc-ung-xu-the-nao-cho-phu-hop-20201224000011627.html