Grab, đối thủ của Vinasun cũng không ngồi yên. Có thể nói, đại dịch Covid-19 chỉ làm cả hai tạm dừng trước khi tiếp tục cuộc đua đường trường sắp tới.
Quý I/2020 thua lỗ
Giống như nhiều doanh nghiệp khác, trong quý I/2020, Vinasun đã không thoát khỏi tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 khi ghi nhận quý lỗ đầu tiên trong 12 năm qua, với mức lỗ 16 tỷ đồng. Trong quý I/2020, doanh thu của Công ty chỉ đạt 366 tỷ đồng, lợi nhuận gộp đạt 50 tỷ đồng, giảm tương ứng 31% và 58% so với cùng kỳ năm ngoái. Khoản thu nhập khác cũng giảm hơn 18%, chỉ đạt 18 tỷ đồng.
Nguyên nhân thua lỗ đến từ tâm lý ngại dịch bệnh, khiến khách hàng không sử dụng các dịch vụ vận tải như taxi và khách du lịch giảm mạnh vì các lệnh cấm bay.
Trong khi đó, năm 2019 là năm ghi nhận nhiều thay đổi tích cực của Vinasun trong quá trình chuyển đổi kể từ năm 2016. Cụ thể, doanh thu năm 2019 của Vinasun dù chỉ đạt 1.991 tỷ đồng, bằng 96% kế hoạch, nhưng lợi nhuận trước thuế đạt 139 tỷ đồng, tăng 120% so với năm trước đó.
Kết quả trên có được do tỷ lệ giá vốn bán hàng/doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ của Công ty giảm qua các năm. Nếu như năm 2016, tỷ lệ này là 85%, thì năm 2019 giảm còn 78%.
Điều đó cũng giúp thay đổi đáng kể mức đóng góp từ hoạt động kinh doanh cốt lõi là vận tải hành khách. Kể từ khi bị sụt giảm mạnh doanh thu do sự cạnh tranh từ Grab, lợi nhuận khác đến từ thanh lý tài sản cố định và quảng cáo trên taxi luôn chiếm hơn 80% lợi nhuận trước thuế của Vinasun, thì năm 2019, tỷ lệ trên đã giảm còn 66%, do trong năm này, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 46 tỷ đồng, tăng hơn 460% so với năm 2018 và là mức cao nhất kể từ năm 2017.
Chi phí tài chính năm 2019 của Vinasun ghi nhận 42 tỷ đồng, thấp nhất kể từ năm 2016, trong khi doanh thu từ hoạt động tài chính (chủ yếu là lãi ngân hàng) đạt 9 tỷ đồng - mức cao nhất kể từ năm 2016.
Tổng tài sản của Công ty tại thời điểm cuối năm 2019 là 2.629 tỷ đồng, trong đó, vốn chủ sở hữu 1.695 tỷ đồng, tổng nợ 934 tỷ đồng. Tiền và các khoản tương đương tiền của Công ty đạt 226 tỷ đồng, tăng 135% so với năm 2018. Cuối năm 2019, Vinasun sở hữu 4.921 xe, với 5.790 người lao động.
Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Sacombank, Vinasun đã trải qua thời kỳ khó khăn nhất, bởi sự cạnh tranh từ các hãng taxi công nghệ, đặc biệt là Grab. Các cuộc cải tổ, cấu trúc kịp thời đã giúp Công ty dần lấy lại vị thế.
Hậu Covid-19: Thử thách cho cả hai
Việc cho phép các phương tiện vận tải trong nước hoạt động bình thường trở lại, giá xăng dầu giảm mạnh, cùng Nghị định 100/2019/NĐ-CP xử phạt nặng đối với người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn trong máu quá quy định là những lợi thế đối với cả Vinasun và Grab.
Đặc biệt, Grab hiện nay đã được cởi trói hơn so với 3 năm trước, bởi Nghị định 10/2020/NĐ-CP đã chấm dứt thí điểm mô hình taxi công nghệ, cho phép đơn vị này hoạt động ở nhiều địa phương, thay vì chỉ được hoạt động trong các địa phương thuộc diện thí điểm trước đó. Điều này đồng nghĩa với việc kiện Grab như cách Vinasun đã làm trong thời gian qua khó có thể tiếp diễn.
Dù không còn tập trung mở rộng như trước, nhưng Grab Car vẫn đóng vai trò là dịch vụ cốt lõi để kích cầu các dịch vụ khác của Grab tại các khu vực mới. Ngoài ra, kế hoạch đưa Grab trở thành một ứng dụng phục vụ nhu cầu hàng ngày của khách hàng như thanh toán, đặt xe, đi chợ, đặt đồ ăn sẽ gây áp lực về khả năng giữ chân người sử dụng đối với các ứng dụng chỉ đáp ứng nhu cầu di chuyển như của Vinasun.
Với Vinasun, tỷ lệ đóng góp từ mảng kinh doanh khác như thanh lý tài sản cố định và quảng cáo trên xe taxi vẫn đang chiếm phần lớn lợi nhuận trước thuế. Tuy nhiên, Covid-19 sẽ còn tác động tiêu cực đến doanh thu quảng cáo trên xe của Vinasun trong thời gian tới.
Ngoài ra, dù đã có kế hoạch cải tổ mạnh mẽ, nhưng chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí bán hàng của Vinasun vẫn chưa đạt như kỳ vọng. Năm 2016 là năm có doanh thu và lợi nhuận trước thuế hơn gấp đôi so với 3 năm trở lại đây, nhưng chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp chỉ ghi nhận 216 tỷ đồng và 131 tỷ đồng, chiếm lần lượt là 33% và 20% lợi nhuận gộp. Tỷ lệ này từ năm 2017 trở đi tương ứng là 44% và 33% lợi nhuận gộp.
Về phần mình, Grab cũng không hẳn có lợi thế hơn Vinasun, khi vẫn là một đơn vị sống nhờ tiền đầu tư và người đỡ đầu là Softbank đang trong tình trạng không được sáng sủa cho lắm với nhiều vụ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) thất bại gần đây.
Báo cáo tài chính hồi tháng 2/2020 của tập đoàn này cho biết, lợi nhuận hoạt động chỉ đạt 23,6 triệu USD trong quý cuối cùng của năm 2019, giảm 99% so với cùng kỳ năm 2018.
Khoản lỗ 2 tỷ USD của Quỹ Vision là nguyên nhân chính dẫn đến kết quả trên, chủ yếu đến từ tình hình kinh doanh kém của WeWork và Uber. Softbank đã chi khoảng 10 tỷ USD để "giải cứu" WeWork sau nỗ lực IPO thất bại. Trong khi đó, cổ phiếu của Uber giảm 8% kể từ khi niêm yết vào tháng 5/2019.
Gần đây nhất, Grab công bố nhận được khoản đầu tư 850 triệu USD từ các nhà đầu tư Nhật Bản, bao gồm Mitsubishi UFJ Financial Group Inc. (MUFG) và TIS Inc. (TIS). Mục tiêu khoản đầu tư là hướng đến việc cung cấp các sản phẩm tài chính tiết kiệm và dễ tiếp cận phục vụ người dân Đông Nam Á.
Trước đó, Grab đã nộp hồ sơ xin giấy phép phát triển ngân hàng số tại Singapore và ra mắt giải pháp quản lý tài sản GrabInvest. Theo thỏa thuận hợp tác bước đầu với MUFG, hai công ty sẽ đồng phát triển các dịch vụ và sản phẩm tài chính thế hệ mới dựa trên sự thấu hiểu khách hàng của hai bên, hướng đến đáp ứng tốt hơn nhu cầu tài chính của các đối tác nhà hàng, đối tác tài xế và người dùng Grab.
Có thể thấy, Grab đang cố thoát khỏi khái niệm “kinh tế chia sẻ” được dựng lên bởi Softbank với WeWork, Uber hay OYO và phần lớn đều đang bị dư luận chỉ trích do kinh doanh kém hiệu quả. Công ty đang lấn sân sang mảng ngân hàng số, trong khi vẫn vận hành hệ thống hiện tại ở Đông Nam Á. Điều này càng làm cuộc đối đầu giữa Vinasun và Grab ở Việt Nam càng thêm hấp dẫn trong giai đoạn hậu Covid-19, khi cả hai đều có những rủi ro có thể bị đối thủ bỏ xa trong thời gian tới.