Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn vừa gửi các hãng tàu về điều chỉnh giá dịch vụ vận tải container đường bộ, đường thủy phục vụ qua lại giữa cảng Cát Lái – Hiệp Phước, cảng Đồng Nai và các ICD liên kết, với mức tăng từ 10-30% so với đơn giá từ năm 2019 đến nay. Mức giá điều chỉnh sẽ có hiệu lực từ ngày 1/4.

Cước vận tải tăng 10% - 30%
Cước vận tải tăng 10% - 30%

Chẳng hạn, tuyến vận chuyển từ cảng Đồng Nai đến cảng Cát Lái sẽ tăng 10%. Một container 40H’ (cùng kích thước với container 40 feet) vận chuyển đường bộ có giá 3,05 triệu đồng và đường thủy là 1,38 triệu đồng.

Mức tăng cao nhất là 30% đối với tuyến từ các IDC liên kết đến Tân Cảng Cát Lái với container 40H’ giá 1,2 triệu đồng; 1,5 triệu đồng cho một container 40′ … Theo Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, chi phí nhiên liệu đầu vào, giá cước vận chuyển, phí bốc dỡ tại cảng, ICD đều tăng. Do đó, đơn vị này buộc phải tăng giá để đảm bảo dịch vụ.

Áp lực giá xăng dầu khiến chi phí vận tải đường biển tăng cao, gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu; chưa kể tình trạng ùn tắc tại các cảng, nhất là ở Mỹ, vẫn tồn tại. Theo thông báo mới nhất của hãng tàu ONE, từ tháng 3/2022, giá cước vận chuyển hàng hóa đi châu Âu (hiện khoảng 7.300 USD/container 20 feet) sẽ tăng thêm 800-1.000 USD.

Các doanh nghiệp vận tải và chuyển phát nhanh cũng đang chịu áp lực nặng nề do chi phí nhiên liệu cao. Bà Lê Thị Đoan Trinh – Giám đốc nhân sự Công ty Giao hàng nhanh – cho biết với giá xăng dầu hiện tại, chi phí hoạt động của doanh nghiệp này tăng lên lên khoảng 2 tỷ đồng/tháng cho dàn xe nội bộ. Doanh nghiệp này cho biết vẫn đang “gồng” khoản chi phí gia tăng này để duy trì mức giá cạnh tranh cho khách hàng. Trước đó, Giao hàng nhanh đã tăng nhẹ giá dịch vụ 1,8%.

Đại diện Công ty TNHH Công nghệ Logivan Việt Nam cho biết, xe tải càng lớn thì mức tiêu hao nhiên liệu mỗi 100 km càng nhiều. Ngay cả đối với các hãng vận chuyển đường dài, nhiên liệu cũng chiếm tới 38% chi phí, so với mức 26% của các tuyến ngắn. Trong hầu hết các hợp đồng, giá vận tải sẽ được điều chỉnh tăng hoặc giảm vài phần trăm khi giá dầu diesel dao động trên 10%. “Như vậy, nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng thêm, bài toán cân đối tài chính để giữ giá trở nên khó khăn hơn thì việc tăng cước là điều tất nhiên”, vị này nói.

Hầu hết các doanh nghiệp vận tải đều dự đoán giá xăng dầu sẽ tiếp tục tăng từ nay đến cuối năm. Do đó, bên cạnh việc đàm phán điều chỉnh giá cước, các doanh nghiệp cũng phải rà soát lại toàn bộ quy trình hoạt động vận tải của công ty để tiết giảm chi phí, không để chi phí vận tải biến động như giá xăng dầu.

Theo congly.vn

Nguồn: https://congly.vn/cuoc-van-tai-tang-10-30-204766.html