Tại kỳ họp trước, Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) đã chất vấn Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về đề nghị xem xét, giải quyết dứt điểm các kiến nghị của Công ty Phương Hiền (TP. Sầm Sơn, Thanh Hóa) về việc thí điểm đưa hai tuyến xe buýt 4 bánh chạy bằng năng lượng điện vào hoạt động trên địa bàn TP. Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa phục vụ du lịch.
Về việc này, Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần có văn bản chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền (cấp dưới) khẩn trương giải quyết dứt điểm kiến nghị của doanh nghiệp này về việc thí điểm xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện trên địa bàn TP. Sầm Sơn, đảm bảo công khai, minh bạch cũng như quyền đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Thế nhưng sau tất cả những chỉ đạo, kiến nghị nói trên, doanh nghiệp vẫn rơi vào cảnh “chết lâm sàng”.
Ngày 21/2, PV đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội xung quanh vụ việc này.
PV: Ông đánh giá như thế nào về chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ xung quanh vụ việc xe điện của Công ty Phương Hiền "đắp chiếu" sau một thời gian dài sau khi được nhập về?
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Tôi hoàn toàn đồng ý với trả lời, chỉ đạo của Thủ tướng về việc thí điểm 2 tuyến xe buýt này. Trong đó, Thủ tướng nói rõ, đối với tỉnh Thanh Hóa, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép thực hiện thí điểm Đề án đầu tư xe ô tô điện vận chuyển khách du lịch trên địa bàn thành phố Sầm Sơn, thời gian thí điểm 02 năm kể từ khi Đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Thủ tướng Chính phủ cũng giao Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (trong đó có Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa) chịu trách nhiệm quy định, tổ chức thực hiện hoạt động thí điểm, trong đó có việc quy định về lộ trình, thời gian hoạt động nhằm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn.
Trong khi đó địa phương (Thanh Hóa) lại nói chờ ý kiến cấp trên. Câu chuyện này cứ lòng vòng, đá lên, đá xuống, đá đi đá lại. Nếu cứ thế này thì doanh nghiệp chỉ có “chết” mà thôi.
Doanh nghiệp là sức sống của nền kinh tế. Mỗi doanh nghiệp là một cỗ máy sản xuất ra vật chất cho xã hội, nhưng đằng này anh lại dập tắt nhiệt huyết của người ta. Thậm chí trong vụ việc này có những chuyện rất điêu toa của cấp dưới. Họ bảo, doanh nghiệp chỉ có hai cái xe buýt điện nhập về, nhưng trong tay tôi đã có đủ giấy tờ chứng minh doanh nghiệp đã mua rất nhiều xe giá trị hàng chục tỷ, nhưng anh không cho người ta nộp thuế để sử dụng. Chính quyền làm như vậy đã hết lòng vì dân (chỉ doanh nghiệp Phương Hiền – PV) chưa? Tôi cho là không...
Tôi chưa cần bàn đến chữ “kiến tạo phát triển”, một chính quyền chỉ cần làm đúng lương tâm, trách nhiệm của mình thôi thì người ta đã cảm ơn rồi. Đằng này anh tìm mọi cách để trì hoãn, loại người ta ra khỏi cuộc chơi, trong khi đó lại có dấu hiệu bao che cho những trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Điều rất đáng buồn là việc trên bảo dưới không nghe, trên nóng, dưới lạnh.
PV: Lý do mà cơ quan có thẩm quyền của tỉnh Thanh Hóa từ chối cấp phép hoạt động của Công ty Phương Hiền là do đề án còn sơ sài và hạ tầng chưa đảm bảo cho hoạt động. Ông nhận định như thế nào về quan điểm này?
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Không thể nói như vậy được. Ở đây, chúng ta thấy rằng, đây là việc làm thí điểm, thí điểm là còn có tổng kết, đánh giá, trong khi Công ty Phương Hiền, phương tiện xe là nhập khẩu, xe được đưa về có kiểm định mà lại không cho lưu thông. Thế thì cơ quan cấp phép căn cứ vào cái gì để trì hoãn, không cho phép hoạt động? Căn cứ vào đề án hay vào thực tế công ty đã làm? Tôi cho rằng lý do đưa ra là không thuyết phục.
Đây chỉ là 1 hình thức bao biện của cơ quan công quyền. Đó là câu chuyện của dấu hiệu lợi ích nhóm, không công bằng. Tôi đã có văn bản gửi lại Thủ tướng và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về việc này.
PV: Một mặt, chính quyền của tỉnh Thanh Hóa chưa cho phép Công ty Phương Hiền sử dụng xe điện, trong khi đó đầu năm 2018 thì tỉnh lại cấp phép bổ sung thêm hàng chục xe điện nữa cho các doanh nghiệp đang hoạt động. Điều này nói lên điều gì thưa ông?
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Điều này thể hiện rất rõ một sự thiếu công bằng mà đằng sau là có những phản ánh, dường như là có lợi ích nhóm. Báo chí hiện nay cũng đã phản ánh rất nhiều về tình trạng ở Sầm Sơn, người làm tử tế thì không được cấp phép, ngược lại người làm không tử tế thì lại được cấp phép. Hiện nay, dư luận đánh giá, đặt ra rất nhiều câu hỏi cho cách hành xử của các cơ quan công quyền của chúng ta.
PV: Theo đại biểu, các cơ quan, ban, ngành có liên quan của tỉnh Thanh Hóa đặc biệt là người đứng đầu sẽ phải xem xét trách nhiệm như thế nào khi những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh Thanh Hóa cần phải xử lý dứt điểm những kiến nghị của công ty Phương Hiền vẫn chưa được xử lý triệt để?
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Tôi nghĩ là cần phải xem xét, xử lý trách nhiệm nghiêm minh, trong đó trách nhiệm cao nhất là của người đứng đầu – Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch UBND TP. Sầm Sơn. Họ là người đứng đầu chính quyền thì họ phải có trách nhiệm giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp theo chỉ đạo của Thủ tướng, nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết.
Theo tôi không thể chấp nhận được việc chính quyền có dấu hiệu dung túng cho hành vi sai trái, mặt khác lại trì hoãn kéo dài những doanh nghiệp làm ăn đúng đắn. Tôi đề nghị cơ quan có thẩm quyền vào cuộc, thanh tra, làm rõ những dấu hiệu vi phạm xung quanh vụ việc này.
PV: Ông sẽ tiếp tục chất vấn vụ việc này tới người đứng đầu Chính phủ trong kỳ họp quốc hội tới đây?
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Chưa cần nói tới kỳ họp tới, mà hiện nay bản thân tôi đã gửi văn bản tới Thủ tướng, tức là tôi đang thực hiện trách nhiệm của đại biểu. Thủ tướng đã có chỉ đạo nhưng người có trách nhiệm thực thi không thực hiện thì họ đang đứng trên pháp luật. Tôi cho rằng, trường hợp này phải xem xét xử lý chứ không thể để như thế được đâu.
Nếu sự việc cứ kéo dài như vậy thì tôi sẽ đề nghị Thủ tướng xử lý.
Cảm ơn Đại biểu về cuộc trao đổi này!
(còn nữa)