Nói về về kết quả hoạt động năm 2018, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank cho biết, kết thúc năm 2018, ngân hàng đạt tổng tài sản hơn 323.000 tỷ đồng, tăng 16,4% so với năm 2017. Dư nợ cấp tín dụng bao gồm cả cho vay khách hàng và trái phiếu doanh nghiệp tăng 17,3%.
4 trụ cột của ngân hàng năm 2018 đó là tín dụng tiêu dùng (Fe credit), khách hàng cá nhân, tín dụng tiểu thương (Comm credit), khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ và các phân khúc này tiếp tục tăng ổn định, đóng góp 68% vào tổng dư nợ tín dụng của ngân hàng.
Cũng theo ông Nguyễn Đức Vinh, lợi nhuận năm 2018 đạt gần 9.200 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2017. Tuy còn thấp hơn chút ít so với kế hoạch song lợi nhuận của VPBank vẫn đứng thứ 4 trong hệ thống ngân hàng, tương đương vị trí của năm 2017.
Tổng doanh thu của ngân hàng đạt hơn 31.000 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2017 và dẫn đầu khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, đồng thời là mức cao kỷ lục của nhà băng này từ trước tới nay.
Đáng chú ý, 80% tổng thu nhập được đóng góp bởi phân khúc chiến lược. Fe Credit vẫn gặt hái được thành công vượt bậc cả về quy mô và hiệu quả hoạt động, và đóng góp 52% vào tổng thu nhập của ngân hàng hợp nhất.
Về kế hoạch năm 2019, CEO của VPBank cho biết, ngân hàng sẽ tiếp tục chương trình chuyển đổi và cải cách, tập trung nâng cao hiệu quả đội ngũ quản lý vốn, quản lý tài sản. Doanh thu sẽ tiếp tục duy trì mức tăng trưởng 20%, tín dụng tăng trưởng tín dụng trên dưới 15% theo phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước (VPBank hy vọng sẽ có nhiều room tăng trưởng hơn so với mức 12% phê duyệt ban đầu).
Riêng mục tiêu lợi nhuận trước thuế, năm 2019, ngân hàng đặt kế hoạch 9.500 tỷ, tăng hơn 300 tỷ so với năm 2018.
Ông Vinh nhận định, mức tăng trưởng này nhìn thì thấp (tăng 3%) nhưng thực ra trừ đi khoản thu nhập bất thường của 2018 đến từ bảo hiểm AIA (hơn 800 tỷ) thì vẫn đạt mức tăng 14%. Riêng ngân hàng mẹ mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận là hơn 20%, từ mức hơn 4.000 tỷ lên 5.100 tỷ.
CEO VPBank cho biết thêm, năm 2019, VPBank theo đuổi mục tiêu khẳng định vị thế trên thị trường đó là nằm trong top 5 ngân hàng tư nhân về số dư huy động và cho vay khách hàng, top 3 về ngân hàng tư nhân bán lẻ hàng đầu về số dư huy động và cho vay khách hàng cùng số lượng khách hàng cá nhân.
Bàn về việc phân phối lợi nhuận 2018, ông Bùi Hải Quân, Phó chủ tịch VPBank cho hay, năm nay ngân hàng trình cổ đông không chia cổ tức, tức là không chia tiền mặt cũng không chia cổ phiếu, mà để lại lợi nhuận để phát triển ngân hàng. Số tiền chưa phân phối năm 2018 để lại sau khi trích các quỹ là hơn 3.400 tỷ đồng.
Tuy nhiên, để giữ chân người tài, VPBank trình ĐHĐCĐ thông qua việc phát hành cổ phiếu ưu đãi (ESOP) cho cán bộ nhân viên. Tổng lượng cổ phiếu phát hành dự kiến là 31 triệu cổ phần và hạn chế chuyển nhượng trong 3 năm, giải toả dần theo từng năm với tỷ lệ 30% sau năm đầu; 35% sau năm thứ 2 và 35% sau năm thứ 3 kể từ ngày kết thúc đợt bán. Việc phát hành ESOP sẽ tiến hành vào quý 2/2019.