Trò chuyện nhân Ngày Sức khỏe Thế giới (ngày 7/4) với chủ đề trầm cảm, tiến sĩ Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Sức khỏe Tâm thần nhấn mạnh, trầm cảm là rối loạn phổ biến nhất thế giới. Bệnh có xu hướng tăng và trẻ hóa do áp lực cuộc sống, stress. Một số trường hợp trầm cảm thứ phát do bệnh lý. Trầm cảm do stress gặp nhiều ở người có nhân cách yếu, nét nhân cách dễ bị tổn thương như hay lo lắng, ít chia sẻ… Tỷ lệ mắc bệnh ở nữ gần gấp đôi nam.

Trung bình mỗi ngày Viện Sức khỏe Tâm thần có khoảng 50 bệnh nhân khám và điều trị trầm cảm.

Trung bình mỗi ngày Viện Sức khỏe Tâm thần có khoảng 50 bệnh nhân khám và điều trị trầm cảm.

Theo tiến sĩ Phương, thực tế nhiều người chưa hiểu về hội chứng này. Nhiều trường hợp điều trị theo bệnh lý khác không khỏi mới đi khám tâm thần. Vì vậy phần lớn bệnh nhân trầm cảm thường chậm trễ trong việc phát hiện và điều trị đúng chuyên khoa. Quá trình điều trị gặp rất nhiều khó khăn do lâu, bệnh nhân và gia đinh người bệnh không tuân thủ phác đồ... 

Các chuyên gia nhấn mạnh, trầm cảm có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng phác đồ. Nếu không được chữa trị, bệnh dễ trở thành mạn tính, tái diễn.

Dấu hiệu nhận biết một người có thể bị trầm cảm

- Cảm giác buồn chán, trống rỗng.

- Khó tập trung suy nghĩ, hay quên.

- Luôn cảm giác mệt mỏi, không muốn làm việc gì.

- Cảm giác mình có tội lỗi, vô dụng, không xứng đáng.

- Mất ngủ, hoặc ngủ quá nhiều.

- Hay cáu gắt, giận dữ.

- Giảm thích thú trong các hoạt động hoặc sở thích hàng ngày.

- Giảm cảm giác ngon miệng, sụt cân hoặc ăn quá nhiều.

- Nghĩ về cái chết, có ý tưởng hoặc hành vi tự sát.

- Ngoài ra, nhiều bệnh nhân trầm cảm còn có triệu chứng đau đầu, đau tức ngực, các rối loạn tiêu hóa…

Trong số này có 3 dấu hiệu đặc trưng, chủ yếu (thần sắc, giảm ham thích so với trước đây, giảm năng lượng, dễ mệt mỏi) và 7 dấu hiệu phổ biến. Khi có 1-2 trong 3 dấu hiệu chủ yếu hoặc một số dấu hiệu phổ biến, kéo dài từ 2 tuần trở lên, người bệnh cần đến cơ sở chuyên khoa tâm thần để khám.

 

Theo An Nhiên / Reatimes