Trầm cảm là một căn bệnh thực sự có ảnh hưởng đến cả người lớn lẫn trẻ em. Trong thực tế, ngay cả trẻ dưới 3 tuổi cũng có thể mắc chứng bệnh này.
TS Deborah Serani, nhà tâm lý chuyên về rối loạn cảm xúc cho biết: 'Thậm chí, trầm cảm có thể ảnh hưởng lên cả trẻ sơ sinh - những trẻ có xu hướng không đáp ứng với ba mẹ hay người nuôi, thờ ơ, khóc không dỗ được hoặc có vấn đề trong việc ăn uống'
Các dấu hiệu và triệu chứng của trầm cảm trẻ em
Trầm cảm ở trẻ em có xu hướng biểu hiện theo nhiều cách khác nhau hơn là ở người lớn. Hầu hết trẻ em và thiếu niên bị trầm cảm sẽ cảm thấy mệt mỏi, khó chịu và thường cảm thấy đau ở đâu đó trên cơ thể.
Trẻ thường không thích thú với những thứ xung quanh, tự thu mình lại và tỏ ra chán nản. Trong tâm lý học gọi đây là mất khả năng trải nghiệm sự thoải mái, trẻ thường đặt đâu ngồi đó trong khi chơi, khi gặp bạn bè, ở trường và không hứng thú với những sở thích mà trước kia trẻ rất thích.
Tuyệt vọng và bất lực có thể biểu hiện ra một cách tiêu cực như tự nói chuyện, tự chê trách bản thân bằng các cụm từ như 'Mình xấu', 'Mình không thể làm gì đúng cả'…
Trầm cảm có thể bóp méo suy nghĩ của trẻ, làm trẻ cảm thấy giá trị bản thân bị thu hẹp lại. Trẻ sẽ cảm thấy mình vô giá trị, không ai thương nổi, vô dụng và ngu ngốc.
Một dấu hiệu khác chính là thay đổi trong hành vi. Điển hình là một trẻ bình thường học khá tốt ở trường có thể bắt đầu nhận các điểm số thấp đi. Trẻ có thể không ham thích những món đồ chơi 'ruột' ngày thường quấn quít và bắt đầu ngủ nhiều hơn trước.
Ngoài ra, trẻ có thể trốn tránh hoặc cô lập bản thân mình. Trẻ nhỏ khi đang bị mắc chứng trầm cảm sẽ có xu hướng tự nhốt mình trong phòng để tránh tiếp xúc với gia đình hay tương tác với xã hội.
Khi con có dấu hiệu trầm cảm, cha mẹ cần làm gì?
Tiến sĩ Serani khuyên:
1. Chú ý tới khoảng thời gian chán nản của trẻ kéo dài bao lâu?
Những biểu hiện chán nản của trẻ có thể chỉ là do một ngày không mấy vui vẻ hoặc nhiều ngày tồi tệ liên tiếp nhau. Những cũng có thể bé đang phải đấu tranh với điều gì đó rất nghiêm trọng nếu biểu hiện buồn, mệt mỏi, khó chịu kéo dài hơn một hoặc hai tuần và ảnh hưởng đến các hoạt động khác trong cuộc sống của bé.
2. Đưa bé đi khám sức khỏe đầy đủ
Có những tình trạng bệnh của cơ thể có biểu hiện giống như bệnh trầm cảm. Ví dụ như đái tháo đường, thiếu máu, hay đơn giản là viêm nhiễm do liên cầu… Đó là lý do ba mẹ cần đưa bé đi khám sức khỏe khi thấy có dấu hiệu lạ ở bé để loại trừ các nguyên nhân thực thể.
3. Cần gặp chuyên gia sức khỏe tâm thân hoặc bác sỹ tâm lý
Nếu sau khi bé được thăm khám kĩ càng và kết luận là không có tình trạng bệnh lý nào gây ra các dấu hiệu, triệu chứng mệt mỏi, khó chịu, buồn bã của bé, cha mẹ hãy đưa bé đến chuyên gia sức khỏe tâm thần, chuyên về rối loạn cảm xúc.
Đánh giá một cách tổng quát từ mắt nhìn của chuyên gia có thể biết được bé có bị trầm cảm hay không và chọn lựa phương pháp điều trị tốt nhất. Gặp chuyên gia cũng có thể giúp cha mẹ biết liệu bé có đang phải vật lộn với những vấn đề chưa thấy rõ.
Điều này có nghĩa là bé đang có những dấu hiệu của trầm cảm nhưng chưa đến mức đủ hết các tiêu chuẩn chẩn đoán của loại rối loạn cảm xúc này. Quan trọng là cha mẹ biết được trẻ đang có những dấu hiệu dẫn đến trầm cảm để tìm cách ngăn chặn trầm cảm thực sự ở bé.
4. Nếu bị trầm cảm cần được điều trị đúng cách
Trầm cảm không tự nhiên mất đi. Đây là một loại bệnh mãn tính mà không phải cứ thể hiện thái độ muốn hết hay gạt qua một bên là có thể hết bệnh được. Trầm cảm không thể biến mất dù cha mẹ có la mắng trẻ, quản lý nghiêm ngặt hay lờ nó đi.
Dùng các liệu pháp trị liệu trong khi bé chơi và liệu pháp gia đình sẽ giúp ích rất nhiều cho trẻ nhỏ ở tuổi mới biết đi hoặc tuổi đi mẫu giáo. Liệu pháp nói chuyện cá nhân lại giúp ích nhiều hơn đối với thanh thiếu niên. Một số trẻ sẽ cần điều trị bằng thuốc.
Lời khuyên dành cho các cha mẹ có con bị trầm cảm là hãy đọc thật nhiều các tài liệu về trầm cảm ở trẻ nhỏ và tìm đến sự giúp đỡ từ chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực rối loạn cảm xúc. Có một đứa con bị trầm cảm là một thách thức lớn đối với các bậc làm cha làm mẹ.